Thứ Ba, 1/10/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 12/10/2008 11:33'(GMT+7)

Năng lượng mặt trời - cứu cánh mới

Năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục phát ra cho đến khi phản ứng hạt nhân trên mặt trời hết nhiên liệu, vào khoảng 5 tỷ năm nữa.

Theo Báo cáo của Viện Chính sách Địa cầu Mỹ, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm tới việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ. Nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời là vô tận: "Nó có thể cung cấp hơn 10.000 lần số lượng điện tiêu thụ đang được sản xuất ra trên toàn thế giới". Ước tính đến năm 2012, công suất một nhà máy điện năng lượng mặt trời có thể đạt 6.400 KW, gấp 14 lần công suất hiện nay. Các nhà máy điện qui mô lớn cũng không dừng lại ở việc sử dụng các loại pin quang điện mà sẽ sử dụng các tấm gương khổng lồ để thu năng lượng mặt trời.

Hiện nay, các thiết bị thu năng lượng mặt trời được lắp đặt gia tăng 40%/năm trên thế giới... Những nhà phân tích tài chính cho rằng, thị trường sẽ vượt quá 5.000 megawatt-crête (MWc) trong năm 2008, 7.000 trong năm 2010 và đạt đến 20.000 trong năm 2012. Thị trường pin mặt trời chỉ tập trung ở 5 quốc gia: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Italia.

Theo các chuyên gia, giá điện mặt trời vào khoảng từ 0,13 - 0,17 USD/kW, đủ sức cạnh tranh với nhiệt điện sử dụng khí đốt.

Mỹ và Tây Ban Nha là 2 nước có tham vọng nhất trong việc phát triển năng lượng mặt trời. Với dự án sản xuất khoảng 5.600 MW điện năng, hệ thống nhà máy điện mặt trời tương lai ở miền Tây nước Mỹ có khả năng cung cấp năng lượng cho khoảng 1,7 triệu hộ gia đình. Tổ hợp điện mặt trời lớn nhất của Mỹ trên sa mạc Mojave, bang California, từ năm 1980 đến nay đã và đang cung cấp điện cho gần 100.000 hộ gia đình trong vùng. Tây Ban Nha hiện đã triển khai khoảng hơn 60 dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời và mới đây đã khánh thành sản xuất quang nhiệt điện đầu tiên ở Sanlucar, gần Seville.

Tính đến năm 2007, Đức đã vượt qua Nhật Bản để thống trị ngành sản xuất năng lượng quang điện trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2007, Đức đã sản xuất 1063 MW năng lượng mặt trời. Đức vẫn là nhà lắp đặt hệ thống năng lượng quang điện hàng đầu thế giới, với bằng chứng là sản lượng năng lượng của Đức chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu. Năng lượng quang điện hiện nay đã đạt ngưỡng 1% nhu cầu tiêu thụ điện của nước Đức và được các nhà phân tích dự báo rằng có thể đạt mức 25% vào năm 2050. Theo Hans-Josef Fell, Nghị sĩ Quốc hội Đức, thì "nguồn năng lượng từ pin mặt trời có khả năng thay thế năng lượng nguyên tử của Đức trong vài thập kỷ tới".

Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia sản xuất tấm hấp thụ năng lượng mặt trời nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác với tổng công suất năng lượng sản xuất đạt được trong năm 2007 là 920 MW.

Ở Pháp, trung bình một mét vuông đất có thể thu nhận mỗi năm 1 MWh điện năng lượng mặt trời. Nếu thu được 10% số năng lượng ấy thì sẽ đảm bảo được toàn bộ lượng điện tiêu thụ của cả nước". EDF (Tổng Công ty Điện lực Pháp) đã đạt được những thành công lớn: Mỗi tháng, EDF nối 800 điểm sản xuất điện từ pin mặt trời vào lưới điện.

Trung Quốc là nước có tiềm năng lớn nhất có thể tiêu thụ các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời, trong vài năm qua cũng trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực này nhưng lượng tiêu thụ rất nhỏ, khoảng 100MW trong năm 2007.

Hội nghị Thượng đỉnh thành lập Liên minh Địa Trung Hải đầu tháng 7-2008 khẳng định, sẽ cho xây dựng một nhà máy điện mặt trời lớn trên sa mạc Sahara, nhằm cung cấp điện cho châu Âu và châu Phi. Dự kiến, năm 2050, nhà máy này sẽ đạt công suất 100.000 MW.

Tuy nhiên, triển vọng sử dụng năng lượng mặt trời vẫn còn là trong mơ ước: giá thành của sản phẩm điện sản xuất từ pin mặt trời vẫn còn tương đối cao. Hơn nữa, ngành sản xuất điện năng này còn phải quan tâm đến vấn đề môi trường.
 Theo Minh Long Bộ Tài nguyên và môi trường VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất