Chủ Nhật, 8/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 16/8/2018 14:49'(GMT+7)

Bắc Giang: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương

Chương trình hành trình lịch sử- văn hóa trên Truyền hình tỉnh Bắc Giang

Chương trình hành trình lịch sử- văn hóa trên Truyền hình tỉnh Bắc Giang

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy định hướng, hướng dẫn nội dung tuyên truyền về công tác lịch sử Đảng hằng quý, năm; chỉ đạo ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng, biên tập nội dung đưa vào Bản tin Thông báo nội bộ- Tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã dành chuyên trang, chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò các sự kiện lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống.

Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác tuyên tuyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng; tuyên truyền thông qua các ấn phẩm viết như sách, báo, bản tin, khẩu hiệu, biểu ngữ; tuyên truyền trực quan qua mạng internet, phương tiện nghe, nhìn; tuyên truyền thông qua công tác giáo dục lịch sử địa phương...

 Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang thực hiện định hướng tuyên truyền miệng nhân dịp các ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, của Đảng. Căn cứ vào định hướng tuyên truyền trên, các báo cáo viên đã thực hiện tuyên truyền qua Hội nghị thông tin hằng tháng. Bằng hình thức tuyên truyền này, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương ở huyện Tân Yên năm 2004 đã thực hiện qua sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Huyện đoàn thanh niên, phòng Giáo dục tổ chức thi tìm hiểu lịch sử huyện Tân Yên tới đối tượng học sinh Trung học cơ sở qua việc thi thuyết trình về lịch sử huyện, xã trên sân khấu, có tiến hành trao giải. Nhân Kỷ niệm một số ngày lịch sử như ngày 30 tháng 4, ngày 7 tháng 5, ngày 2 tháng 9... Đài Phát và Truyền tình tỉnh, một số trường học đã mời các nhân chứng lịch sử tọa đàm, giao lưu qua đó giúp cho khán giả truyền hình, các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử của các ngày kỷ niệm.

Công tác tuyên truyền thông qua các ấn phẩm viết như sách, báo, bản tin, khẩu hiệu, biểu ngữ được quan tâm thực hiện. Với hình thức tuyên truyền này, nhiều Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của Ban tuyên giáo các huyện, thành phố đã truyền tải nội dung các sự kiện đã được định hướng tuyên truyền. Nhiều công trình chuyên khảo về lịch sử của tỉnh, của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã được biên soạn, xuất bản nhằm phục vụ tuyên truyền lịch sử tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. 

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản và phát hành sách nhiều cuốn sách về lịch sử tỉnh nhà như: "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang- Tập I (1926-1975)"; "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang- Tập II (1975- 2005); “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ”, “Bác Hồ với Bắc Giang- Bắc Giang với Bác Hồ”,... Các sở, ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử truyền thống (kỷ yếu, tài liệu lịch sử). Kết quả có 46/51 (đạt 90,1 %) sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã hoàn thành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản. Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành, tiêu biểu như Đảng bộ Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc; Đảng bộ Công an tỉnh... Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống luôn được các huyện ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả. Đã có 10/10 huyện, thành phố xuất bản sách Lịch sử Đảng bộ. Có 10/10 huyện tái bản lịch sử Đảng bộ huyện lần thứ nhất, riêng huyện Lục Ngạn đã tái bản lần 2. Đến hếtnăm 2017, có 229/230 (đạt 99,5 %) Đảng bộ cấp xã xuất bản sách.

Công tác tuyên truyền qua mạng internet, phương tiện nghe, nhìn như: phát thanh, truyền hình, phim ảnh, triển lãm, tham quan bảo tàng, nhà truyền thống, lễ hội... được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang đã phối hợp với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam số hoá Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang - Tập I (1926- 1975), Tập II (1975- 2005) trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh. 

 Từ năm 2014 đến nay, trang Website của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên đăng tải các bài viết tuyên truyền về một số sự kiện, nhân vật lịch sử dân tộc và lịch sử tỉnh Bắc Giang. Đây là hình thức tuyên truyền có hiệu quả mà mọi người có thể truy cập. Đài phát thanh, truyền thanh tỉnh, cấp huyện, cấp xã, Đài Truyền hình tỉnh đã tuyên truyền nhiều phim tài liệu, nhiều chuyên đề nhân các ngày lễ kỷ niệm. 

Toàn tỉnh Bắc Giang có 1 bảo tàng cấp 2; 4 nhà truyền thống ở các huyện. Một số trường học đã tổ chức thường xuyên cho học sinh thăm quan di tích lịch sử, thăm quan bảo tàng, nhà truyền thống, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ... góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước. Tỉnh Bắc Giang có 706 di tích, trong đó di tích quốc gia có 102, di tích cấp tỉnh có 576, di tích quốc gia đặc biệt có 3 di tích với 27 điểm, trên 500 lễ hội, trong đó có 8 lễ hội quốc gia. Qua các lễ hội và di tích, đông đảo nhân dân tham gia tưởng nhớ công ơn thế hệ đi trước, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử…

Công tác giáo dục lịch sử địa phương được quan tâm triển khai thực hiện rộng rãi trong các trường học. Tỉnh Bắc Giang có 59 trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường Dân tộc nội trú, Trung tâm dạy nghề, 3 Trường Cao đẳng, hơn 300 trường Trung học cơ sở. Hiện nay, số tiết lịch sử địa phương được dạy ở Trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở được phân bố từ 1 đến 2 tiết; Trường chính trị bố trí 4 tiết đối với lớp TCLLCT; TTBDCT huyện, thành phố khi tổ chức các lớp Bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng Đảng viên mới đều có chuyên đề Lịch sử Đảng bộ huyện, thành phố (hoặc lịch sử địa phương huyện, thành phố). Trước khi thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trường Chính trị tỉnh... đều thực hiện giáo dục lịch sử địa phương qua hoạt động ngoại khóa như việc thăm quan ở các địa điểm, di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống ở Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, tỉnh Bắc Giang...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế như: hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng các hoạt động của ngành văn hóa nghệ thuật còn hạn chế về số lượng và chất lượng; tác động của việc tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế về hiệu quả, chưa có sức lan tỏa; việc theo dõi, giám sát nội dung tuyên truyền về lịch sử địa phương qua các phương tiện truyền thông, báo chí trong tỉnh còn hạn chế; tài liệu giảng dạy lịch sử Đảng bộ ở một số trường học còn chưa phong phú...

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, các trường học cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử địa phương. Trước hết cần phải thống nhất về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử từ tỉnh đến cơ sở. Tuyển chọn đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp tỉnh, huyện có chuyên môn lịch sử, có năng lực trách nhiệm, tâm huyết, có khả năng làm công tác sưu tầm,nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Đặc biệt, đối với cấp huyện cần phải tăng cường cán bộ chuyên trách có chuyên môn sử học. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm làm công tác lịch sử.

Ba là, thống nhất chương trình, nội dung dạy lịch sử từ trung ương tới địa phương, trong các trường học từ tỉnh đến huyện đảm bảo tránh sự chồng chéo. Thực hiện tốt từ phân khung chương trình, cân đối thời gian, nội dung phù hợp từ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam tới lịch sử địa phương làm cho người học nhận thức được tính thống nhất, đa dạng.  

Bốn là, tăng cường và nâng cao chất lượng nội dung và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử đáp ứng yêu cầu của đối tượng nhận thức lịch sử. Đòi hỏi thực hiện tuyên truyền, giảng dạy lịch sử địa phương cần phải sáng tạo bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhu cầu, cấp độ của đối tượng nhận thức. Tránh gò bó, nhồi nhét dễ làm đối tượng chán học lịch sử.          

Năm là, thường xuyên quan tâm đến công tác kiểm tra, đôn đốc, thẩm định các sự kiện lịch sử; chú trọng thực hiện dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là cán bộ chủ chốt từ cơ sở, nhân chứng lịch sử, để ấn phẩm lịch sử ra đời là sự kết tinh trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót.

Sáu là, cần đảm bảo nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước đồng thời huy động các nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa  để thực hiện tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương đạt hiệu quả./.

Dương Ngô Ninh- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất