Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 7/8/2018 16:0'(GMT+7)

“Đội quân tóc dài” - một hiện tượng, một sự sáng tạo độc đáo của Bến Tre.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Hội Phụ nữ giải phóng "Đội quân tóc dài thời kỳ Đồng Khởi ở Bến Tre.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Gia Lai, Tây Ninh, đặc biệt là có mặt hơn 130 Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cô, bác trong “Đội quân tóc dài” từ những năm 1960. 

“Đội quân tóc dài” độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Như chúng ta đã biết, qua 2 cuộc kháng chiến, Bến Tre là chiến trường vô cùng ác liệt. Đây là nơi kẻ nơi địch thực hiện thí điểm hầu hết các chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới, đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Từ trong gian khổ đó, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, đoàn kết, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, đứng lên chống lại quân thù. “Đội quân tóc dài” của tỉnh Bến Tre ra đời trong phong trào Đồng Khởi dưới sự lãnh đạo của cố nữ tướng Nguyễn Thị Định (sau là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam). “Đội quân tóc dài” vận dụng thật nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công, là: Chính trị, binh vận và vũ trang, để tấn công trực diện quân Mỹ - Ngụy, buộc kẻ thù phải chấp nhận những yêu sách mà nhân dân Bến Tre đã trả lời bằng tinh thần, nghị lực và cả bằng xương máu. 

Nữ tuớng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đón tiếp Chủ tịch CH Cu Ba PhiDeLCastro đến thăm Việt Nam tại vùng giải phóng năm 1972. Ảnh TL.

Cô Ba Định - Nữ thiếu tướng Nguyễn Thị Định, khi đó là linh hồn của phong trào Đồng khởi trên quê hương Bến Tre. Vì tình hình miền Nam vào từ giữa 1959 bắt đầu rơi vào khủng hoảng kéo dài, mà phía ta thiệt hại khá nghiêm trọng. Vào lúc ấy, dưới những phân tích, chỉ đạo sâu sát của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn và Xứ ủy Nam bộ, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Nữ tướng Nguyễn Thị Định sau khi được quán triệt Nghị quyết 15, trở về cùng lãnh đạo Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ vào đêm mồng 2-1-1960, ngay tại huyện Mỏ Cày. Tại đây, cô Ba Định và Tỉnh ủy bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm tại từng địa bàn cơ sở. Trong đó, cô Ba Định đề xuất ý nghĩ “Đồng khởi” được liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong Cách mạng Tháng Tám 1945, là phải nhất tề nổi dậy thì mới đi đến thắng lợi được.

Bằng kế hoạch chính trị - quân sự chặt chẽ, tính khoa học của Tỉnh ủy Bến Tre, mà người chỉ huy trực tiếp là cô Nguyễn Thị Định, phong trào Đồng khởi đã bùng nổ trên đất huyện Mỏ Cày đêm 17-1-1960 thắng lợi đã mở ra một cục diện mới trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Thành công và ý nghĩa lịch sử to lớn này là kết quả đúc kết bằng máu xương, sinh mạng của hàng vạn người yêu nước cộng với trí tuệ lãnh đạo của Đảng, trong đó công đầu là cô Ba Định. Từ đây, tên tuổi cô gắn liền với Đội quân tóc dài với phương châm đấu tranh “ba mũi giáp công”.

Là nơi nổ ra đầu tiên ở Bến Tre - huyện Mỏ Cày đêm 17/1/1960 nhân dân đã đồng loạt đứng lên Đồng khởi. Sau đó, ngày 26-1-1960, địch huy động nhiều đơn vị vũ trang gồm cả quân chủ lực mạnh có đủ xe chiến thuật và bảo an với hơn một vạn tên địch, đánh thẳng vào ba xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày. Chiến dịch khủng bố này lấy tên là “Bình trị Kiến Hòa” (lúc này Bến Tre mang tên là tỉnh Kiến Hòa) với mục tiêu là phải đè bẹp phong trào cách mạng, đè bẹp ý chí quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang ta đang trong trứng nước.

Để đối phó với âm mưu gian hiểm này, ngày 15-3-1960, Tỉnh ủy Bến Tre tập hợp hơn 5.000 phụ nữ gồm đủ các thành phần, đủ mọi lứa tuổi, tổ chức thành một đoàn hơn 200 ghe xuồng kéo vào ngay quận trưởng Mỏ Cày, đòi chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con có thể trở về yên ổn làm ăn...  Trước những áp lực của đông đảo quần chúng, quận trưởng Mỏ Cày đành phải hứa sẽ chuyển ngay yêu sách của đồng bào lên Tỉnh trưởng Bến Tre và ra lệnh giúp đỡ đồng bào để nhằm xoa dịu dư luận. Đến ngày thứ 12 cuộc đấu tranh, trước sức ép mạnh của những người phụ nữ không một khẩu súng, tấc sắt trong tay, song ý chí kiên quyết của chị em đã không rời bước, cả binh đoàn sừng sỏ hàng ngàn tên lính đầy súng ống của kẻ địch đành phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân tại đây. 

Chiến công nối tiếp chiến công của “Đội quân tóc dài”

Sau đó, từ năm 1961 trở đi, “Đội quân tóc dài” của tỉnh Bến Tre phát triển lên đến hơn 3.000 người, chiếm 1/9 số nữ du kích trong toàn miền Nam vào bấy giờ. Dù đã bị địch đàn áp, tra tấn dã man nhưng hầu như chị em vẫn lăn lộn trong nhân dân, được nhân dân đùm bọc, “Đội quân tóc dài” không hề khuất phục, không ai tiết lộ bí mật, giữ gìn khí tiết, quyết tâm đấu tranh, góp phần cùng với các lực lượng vũ trang tỉnh, làm nên cuộc Đồng khởi vang dội khắp chiến trường miền Nam, buộc Tổng thống Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh với miền Nam Việt Nam - từ “Chiến thuật Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh Cục bộ”. Từ Bến tre, “Đội quân tóc dài” đã phát triển lan ra các tỉnh trong vùng lân cận, như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiến Tường (Mỹ Tho), Sa Đéc, Cao Lãnh, Long An… [[1]] với một khí thế mà như Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá, là có sức lan tỏa từ đấu tranh chính trị lan sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang trên toàn miền Nam.

      Chiến thắng của “Đội quân tóc dài” và cuộc đấu tranh chính trị toàn miền Nam, đã thêm một minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh “hai chân, ba mũi” - chính trị kết hợp với võ trang và binh vận - mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho cao trào Đồng khởi của toàn miền Nam.

Về phía địch, sau thất bại cay đắng này, chúng càng dùng nhiều thủ đoạn đối phó phong trào đấu tranh một cách thâm độc và quyết liệt hơn. Để phá những cuộc biểu tình của "đội quân tóc dài", chúng cho bọn tay sai ác ôn dùng sơn viết khẩu hiệu “Đả đảo Cộng sản” lên nón mà chị em đang đội, chị em tháo ra ném nón, đội khăn hoặc để đầu trần. Chúng viết sơn lên áo, chị em cởi áo ngoài, chỉ còn áo lót bên trong. Rút kinh nghiệm, các lần sau hễ đi đấu tranh thì họ mặc nhiều áo và khoác bên ngoài thêm chiếc áo rách. Thấy không hiệu quả, chúng xoay sang dùng kéo xông vào cắt mái tóc dài của các chị em; song, những hành động điên cuồng đó đã bị ngay chính binh sĩ ngụy phản đối vì trong hàng ngũ đấu tranh có nhiều người là vợ, là chị, là em của binh lính đang cầm súng. Chúng đành phải bỏ trò cắt tóc, chuyển sang hành động dùng dây thép gai vây lại, bắt chị em đem ngâm nước, phơi nắng, tệ hơn chúng còn dùng kế cởi quần áo làm nhục chị em… Thế nhưng cả 2 năm 1960 - 1961, kẻ địch càng đàn áp dã man, trắng trợn, thì phong trào đấu tranh của chị em phụ nữ càng quyết liệt, không khuất phục bất cứ trận nào, cuối cùng âm mưu của chúng bị thất bại thảm hại.

Với “Đội quân tóc dài” thì trong quá trình đối mặt với kẻ thù, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, chỉ đạo, về vận dụng ý chí, sách lược, lý lẽ để tiến công kẻ địch, phân hóa hàng ngũ của chúng, biết giành thắng lợi từng bước, đúng lúc, đúng mức để đi tới làm chủ địa bàn toàn Bến Tre và miền Nam. “Đội quân tóc dài ” đã kiên cường và liên tục đấu tranh phá hầu hết các ấp chiến lược, chống bình định nông thôn, chống hành quân càn quét, chống phi pháo huỷ diệt và dồn quân bắt lính của Mỹ Ngụy.

Từ đó về sau, tổ chức lực lượng đấu tranh của “Đội quân tóc dài” ngày càng có tổ chức chặt chẽ, quy củ và linh hoạt. Các năm sau chị em có lực lượng xung kích và chủ công; có hợp đồng lực lượng nhiều địa phương, có tiếp tế, có hậu cần tải thương, khi bị khủng bố, hay có thay quân và bổ sung cần thiết, kiên trì đấu tranh giành được thắng lợi buộc kẻ thù phải thất bại trận này đến trận khác… Trận tuyến chiến tranh nhân dân, có lẽ là sự ra đời từ đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam kiên cường.

Nhìn về toàn cục của cuộc cháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, từ phong trào Đồng khởi khi mới ra đời “Đội quân tóc dài”, đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, “Đội quân tóc dài” đã tham gia trực tiếp đánh giặc, góp phần làm tan rã chính quyền Việt Nam cộng hòa ở cơ sở, góp phần đi tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Mùa Xuân 1975.

Với những cống hiến to lớn đó, năm 1968, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre vinh dự được Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre ba lần được tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Bằng những chiến công oanh liệt, “Đội quân tóc dài” đã góp phần quan trọng cho cách mạng miền Nam đi tới thắng lợi hoàn toàn. “Đội quân tóc dài” trở nên như một huyền thoại độc nhất vô nhị trên cả miền Nam và cả đất nước ta dám đánh Mỹ và thắng đế quốc Mỹ - đế quốc hùng mạnh, giàu nhất thế giới vào thế kỷ XX./.

Qua 2 cuộc kháng chiến, chị em phụ nữ tỉnh Bến Tre đã có 1.053 chồng, con em là liệt sĩ, 938 thương binh, 215 bệnh binh, 2.164 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 tập thể nữ được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 15 nữ anh hùng Lực lượng vũ trang, 615 người bị bắt tù đày, 542 người được tặng các danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt nguỵ trên chiến trường miền Nam. 

Phạm Bá Nhiễu 

 Trung tâm Thông tin - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh


[1] - Nguồn Lịch sử Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Bến Tre, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất