Buổi tối ngày 31/8/1969, Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Vì mệt, Bác không đến dự được.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người, rất nhiều hoạt động đã và đang diễn ra trên cả nước nhằm tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và khắc ghi những lời dặn của Người sau tròn nửa thế kỷ.
Nhưng có lẽ, câu chuyện của TS Trần Viết Hoàn, người cận vệ thân tín, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khiến không ít người rơi lệ. Tại cuộc gặp với những cán bộ trực tiếp phục vụ, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/8 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lặng đi khi nghe ông Trần Viết Hoàn kể lại câu chuyện những ngày cuối cùng của Bác, 50 năm về trước. VOV xin lược trích bài phát biểu xúc động này.
|
Ông Trần Viết Hoàn phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng ngày 28/8/2019 |
Ngôi nhà 67- nơi Bác để lại tấm gương đạo đức trong sáng
16h ngày 12/8/1969, Bác gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây, nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên sơn sốt và ho. Rồi những ngày sau đó, Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn nhưng Bác vẫn lên xuống Nhà sàn, gắng gượng làm việc. Theo đề nghị của bác sĩ, tối 17/8/1969, Bác Hồ không làm việc ở Nhà sàn nữa. Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà nhỏ, phía sau Nhà sàn- ngôi nhà mà Bộ Chính trị quyết định làm cho Bác vào năm 1967 khi Bác sang Trung Quốc chữa bệnh với mục đích đảm bảo an toàn cho Bác trong những năm tháng máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội nhưng Bác không nhận sử dụng riêng cho mình.
|
Ông Trần Viết Hoàn bên chiếc giường Bác nằm những ngày cuối đời trong nhà 67 (Ảnh: tư liệu) |
Người nói: “Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà đó cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở Nhà sàn gỗ này thôi. Các chú lo cho Bác cũng phải lo cho dân. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy”.
Kể từ ngày 20/7/1967, ngày Bác đi Trung Quốc về, tuần một lần, Bộ Chính trị đến họp rất đều ở ngôi nhà ấy để đưa ra những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, trong hồ sơ di sản thuộc Khu di tích Phủ chủ tịch, ngôi nhà này được gọi là Nhà 67.
Trong dịp kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi, ngày 3/2/1969, tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhằm biểu dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi. Người chỉ ra rằng, chủ nghĩa cá nhân chính là nguyên nhân, là bạn đồng hành của căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi, làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền. Đây cũng là bài viết cuối cùng về đạo đức trước khi Bác từ biệt thế giới này.
Bác không quên dặn lại mọi người về cách làm người, nâng cao phẩm giá. Đó là cái gốc quý báu, đảm bảo cho hành trình trong cuộc đời của mỗi con người tới đích vẻ vang. Chính tại ngôi nhà này, Bác đã để lại tấm gương đạo đức trong sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên học và làm theo.
Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970
Có một lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe một mẩu tin trên báo Hà Nội mới về việc Hợp tác xã Ngũ Xã có ý định đúc bức tượng bán thân của Bác bằng đồng. Bác nói với đồng chí phục vụ rằng: “Chú sang nói với Trung ương, trong lúc đồng khan hiếm, không được làm như vậy, đem số tiền định đúc tượng Bác, xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng, lại đúc tượng Bác”.
Mặc dù, Bác đang ốm nặng trong những thời khắc quy luật của cuộc đời nhưng hôm đó, bác rất vui khi nghe đồng chí Lê Văn Lương vào báo cáo với Bác về Nghị quyết của Bộ Chính trị để kỷ niệm 4 ngày lễ lớn trong năm 1970 và Bác bảo: “Các chú nên bàn cho kỹ. Còn ý kiến của Bác, Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Còn Nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lê nin, 25 năm thành lập nước thì các chú nên có sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Hiện nay, các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu khỏi lãng phí”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phùng Thế Tài tại một trận địa tên lửa phòng không của Sư đoàn 361 - Ảnh Tư liệu. |
Ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1969, Bác gửi lẵng hoa cho các chiến sĩ tên lửa sư đoàn 361 khi nghe tin các chiến sĩ bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ vào ngày 30/8/1969.
Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và những người đứng quanh Bác: “Ngày Lễ quốc khánh, Bác sẽ ra dự mươi mười lăm phút”.
Buổi tối ngày 31/8/1969, Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Vì mệt, Bác không đến dự được nhưng Bác hỏi về việc tổ chức Lễ kỷ niệm này. Bác cảm thấy khỏe hơn và nhìn Bác tỉnh táo hơn. Ngày 1/9/1969, Bác rất mệt nhưng cũng có lúc tỉnh táo, tự tay bưng và ăn được chén con long nhãn.
Cũng nhân dịp Quốc khánh năm đó, Bác gửi vòng hoa viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội, gửi tặng lẵng hoa cho đội cảnh sát khu vực 4, khu phố 4 khu phố Ba Đình và cho đội bảo đảm giao thông đường bộ 1.
Nhớ về những ngày Bác ốm, những giờ phút cấp cứu cho Bác, những lúc Bác tỉnh lại sau mỗi lần cấp cứu, Bác hỏi han mọi việc, rằng: “Nước sông Hồng đã xuống chưa?”, “Hôm nay, đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu”. Chúng tôi nhớ mãi lời Bác- những lời mà Bác như chủ động mọi công việc, trong đó chủ động với cả sự ra đi của mình.
9h sáng ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim rất nặng. Các Giáo sư, Bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc phải thực hiện cấp cứu cho Bác. Theo dõi trên máy điện tim đến 9h15 ngày 2/9/1969, tim Bác ngừng đập. Anh em bảo vệ, các y bác sĩ thay nhau dùng sức day lên ngực Bác, mong sao tim Bác đập trở lại cho đến 9h47 phút, đồng chí Phạm Văn Đồng trào nước mắt: “Thôi, các đồng chí ạ! Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi!”.
|
Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim tư liệu của VTV1 |
Nỗi đau Bác mất được truyền đi cho nhân loại để “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã cứu nhân dân khỏi kiếp khổ nạn, mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Và ngày đó 24 năm sau, Bác đã ra đi mãi mãi.
Con số 9 mới linh thiêng làm sao
9h ngày 10/5/1965, Bác viết những dòng đầu tiên của Bản Di chúc, để lại những lời dặn dò cho hậu thế. 9h ngày 10/5 những năm sau đó, Bác xem lại, sửa chữa, thêm bớt những điều cần thiết. 9h ngày 10/5/1969, Bác đã hoàn tất trọn vẹn những điều dặn lại cho đời và 9h ngày 19/5/1969, Bác xem lại lần cuối cùng Bản Di chúc với muôn vàn tình thương yêu.
9h47 phút ngày 2/9/1969, Bác ra đi, hưởng thọ 79 tuổi. Ngày 9/9/1969, cả dân tộc làm Lễ truy điệu để tiễn đưa Người về với thế giới người hiền.
Nhân dân muốn được hiến trái tim cho Bác
Suốt 15 năm Bác sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch, người dân rất ít khi tụ tập trước Phủ chủ tịch để không làm bận lòng Bác. Những ngày Bác yếu, tuy phải đảm bảo bí mật rất cao về sức khỏe của Bác nhưng xe cộ hàng ngày ra vào nhiều ở Phủ Chủ tịch, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa các bác sĩ và trang thiết bị vào chữa bệnh cho Bác… nên nhân dân dự đoán rằng, có thể Bác ốm. Vì thế, có nhiều người dân đến cổng đỏ của Phủ Chủ tịch, nói lên một tâm nguyện: “Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác”.
Từ ngày 3-6/9, sau khi nghe tin Bác mất, dòng người không lúc nào vắng trước Phủ Chủ tịch, nước mắt tuôn trào, buồn rầu, lặng lẽ. Thi hài Bác được quàn trong quan tài kính đặt tại Hội trường Ba Đình từ 6-9/9 để đồng bào, chiến sĩ, anh em bè bạn trên thế giới đến viếng. Xúc động nhất có lẽ là các cháu thiếu nhi, nhiều cháu cứ khóc và đòi với các chú cảnh vệ: “Các chú trả Bác cho chúng cháu đi!”.
Bác luôn nặng lòng với đồng bào miền Nam.
Sinh thời, Bác từng nói: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài khắp đất nước”.
Cái chốn mà Bác nặng lòng nhớ thương nhất có lẽ là miền Nam.
Bác nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Cộng lại những nỗi đau khổ ấy thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi biết rằng, tôi chưa làm tròn nhiệm vụ cách mạng của mình đối với đồng bào miền Nam nhưng đồng bào vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào”.
Bởi vậy, lúc trở bệnh, Bác mong muốn được uống chút nước dừa miền Nam. Như hiểu được nỗi lòng của Bác, đồng chí thư ký Vũ Kỳ nói với mấy anh em bảo vệ chúng tôi, ra 2 cây dừa trước nhà sàn. Đó là hai cây dừa giống miền Nam, hàng ngày Bác vẫn chăm bón. Chúng tôi lấy ở mỗi cây một trái và hòa vào cốc đưa lên cho Bác dùng. Bác đã nhấp một chút để coi như được mang theo mình vào cõi trường sinh “nỗi nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà”./.
Theo VOV