Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/8/2013 0:0'(GMT+7)

Bắc Kạn: Sơ kết 5 năm thực hiện NQTƯ 7 (khóa X) về "Tam nông"

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X).

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X).

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã thực sự đi vào cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tình hình kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới.

Sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực với tốc độ phát triển bình quân 5 năm qua đạt 9,58%/năm; diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng ngày càng tăng. Đến năm 2012, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đã đạt trên 166.000 tấn, tăng trên 15.000 tấn so với năm 2008; lương thực bình quân đầu người đạt 555 kg; an ninh lương thực được đảm bảo.

Từ năm 2010 đến năm 2012, tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồng không hạt, quýt Bắc Kạn và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”, “Gạo bao thai Chợ Đồn”. Đây là điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có cơ hội thâm nhập thị trường, tạo hướng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Sản xuất lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, trung bình cả giai đoạn 2008 - 2012 trồng được 9.338ha/năm, nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2012 đạt 70,6%.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các công trình thủy, đường giao thông, trường học, điện lưới… Trong giai đoạn 2008 - 2012, tỉnh đã đầu tư gần 120 tỷ đồng để kiên cố hóa hàng trăm km kênh mương, kè phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp; nâng hệ số sử dụng đất (năm 2012 đạt 1,94 lần).

Hiện nay, toàn tỉnh có 87% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 55% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; số hộ nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh tăng lên 36% so với năm 2008; 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường giao thông đến trung tâm, được sử dụng điện lưới Quốc gia với tỷ lệ số hộ dân được sử dụng là 92,4%, 73 xã đạt tiêu chí về điện; toàn tỉnh có 19 bưu cục và 70 điểm bưu điện văn hóa xã, sóng điện thoại di động phủ kín 112/112 xã.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các nhà trường. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 44 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 112/122 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 23/122 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non mức độ 1.

Công tác y tế được quan tâm, chất lượng khám - chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 66 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia và đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Tỷ lệ xã có bác sỹ tăng từ 41% năm 2008 lên 59,02% năm 2012; 100% thôn, bản có nhân viên y tế.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 65 chợ xã và trung tâm cụm xã, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong giao lưu hàng hóa nông sản.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, các phong trào thi đua yêu nước. Chính vì vậy, đời sống của dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Năm 2012, thu nhập bình quân của khu vực nông thôn đạt 12 triệu/người, tăng 4,7 triệu so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm qua các năm, đến năm 2012 còn 20,39%. Hết năm 2012, toàn tỉnh có 71,5% số hộ đạt “Gia đình văn hóa”, 16,4% khu dân cư và 75,7% cơ quan, doanh nghiệp đạt các tiêu chí về văn hóa.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, vai trò của các tổ chức đoàn thể ở nông thôn được tăng cường. Các tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn đã thường xuyên thực hiện việc đổi mới nội dung và cách thức sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Do đó, trong những năm qua, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn đạt trong sạch, vững mạnh đều đạt trên 60%.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 8%/năm; có 3.000ha đất canh tác nông nghiệp đạt thu nhập 70 triệu đồng/ha trở lên; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 165.000 tấn; ổn định lương thực bình quân đầu người đạt 555kg/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/năm; trồng mới bình quân 12.000ha rừng/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 71%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%; 100% huyện, thị xã có trung tâm thông tin, thể dục thể thao; 70% xã có nhà văn hóa; 100% xã có trạm thông tin truyền thanh hoạt động tốt; 66 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 80% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế và 100% xã có bác sỹ; 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có trụ sở đạt tiêu chuẩn và trạm xá được xây dựng mới; 12/112 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới; an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phấn đấu hàng năm tuyển quân đạt 100% theo quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Văn Khoát - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Mặc dù điểm xuất phát thấp, còn gặp nhiều khó khăn nhưng 5 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đạt được một số kết quả nhất định: Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển; tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp khá lớn, tạo ra nguồn lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có sự chuyển biến rõ rệt; trình độ dân trí vùng nông thôn được nâng lên, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều hộ dân có mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và có kinh tế khá giả; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân vùng nông thôn từng bước được nâng lên. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn...

Bí thư Tỉnh uỷ cũng chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đó là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn hạn chế; việc triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống tại một số địa phương còn chưa thật sự có hiệu quả…

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), phấn đấu thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra; tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới./.

Hương Dịu



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất