Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 13/8/2013 22:38'(GMT+7)

Cái khó bó cái kỳ vọng

(Ảnh minh họa: CAND)

(Ảnh minh họa: CAND)

Việc ra đời VAMC đang mở ra nhiều kỳ vọng giải quyết được “cục máu đông” nợ xấu tại hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn còn băn khoăn cho rằng, giữa bối cảnh khó khăn hiện nay “cái khó sẽ bó cái kỳ vọng”…

Băn khoăn nguồn vốn và cơ chế

Với khoản nợ xấu trên hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng, được coi là "mảnh đất tiềm tàng" và đầy dư địa để Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, băn khoăn của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đây là một định chế tài chính mới, dù được gửi gắm nhiều kỳ vọng, nhưng việc mua bán nợ xấu là vấn đề rất phức tạp, không hề đơn giản và điều quan trọng vẫn là nguồn tiền vốn?

Lo ngại lớn nhất là nguồn vốn để VAMC hoạt động đã được lý giải, là mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tổ chức tín dụng đã bán nợ xấu hàng năm vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu bằng 20% giá trị mệnh giá trái phiếu. Khi hết thời hạn nếu nợ xấu không được VAMC xử lý thì tổ chức tín dụng phải mua lại khoản nợ xấu bằng chính trái phiếu đặc biệt. Trường hợp nợ xấu được xử lý, tổ chức tín dụng được nhận lại một phần khoản tiền thu được từ việc bán nợ và trả lại trái phiếu cho VAMC. Số trái phiếu đặc biệt này khi cần các tổ chức tín dụng có thể mang lên cầm cố tại NHNN để được tái cấp vốn.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: Thực chất có phải NHNN dùng nguồn tiền phát hành thông qua nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn để mua lại nợ xấu? Mức cầm cố sẽ là bao nhiêu và lãi suất cho vay tái cấp vốn được áp dụng như thế nào với những trái phiếu có lãi suất 0%? Ngoài ra do phụ thuộc vào hạn mức cho vay tái cấp vốn, kế hoạch cung ứng tiền, nếu hạn mức, hết kế hoạch rồi thì NHNN có cho vay không? Và cho vay có ảnh hưởng đến lạm phát không?... là những băn khoăn đang đặt ra với VAMC.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, những ngân hàng có nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại, điều này có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế khi tiền được NHNN "bơm" cho các tổ chức tín dụng để trám lỗ hổng nợ xấu. Mặt khác, giá trị của trái phiếu đặc biệt này khi nó có lãi suất 0% thì có ý nghĩa hay không? Bởi về nguyên tắc đã là trái phiếu thì phải có lãi. Bên cạnh đó, nợ xấu của doanh nghiệp (DN) tuy đã sạch nhưng muốn vay vốn ngân hàng thì DN vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định như lập dự án, thuyết trình và đặc biệt là phải có tài sản đảm bảo. Không có tài sản đảm bảo thì không thể vay được. Như vậy VAMC ra đời nhưng vẫn không giải quyết triệt để vấn đề khơi thông vốn cho DN.

Cần công bằng, minh bạch

Một trong những băn khoăn nữa cũng được đưa ra là VAMC được miễn cả hai loại thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Vấn đề đặt ra là các DN hoạt động tương tự có được miễn hay không? Nếu ưu ái cho VAMC thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN nói chung và với các DN trong cùng lĩnh vực hoạt động xử lý nợ. Điều không chỉ cả cộng đồng DN mà cả với các cơ quan quản lý cần là sự bình đẳng, công bằng trong nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Bên cạnh đó, liệu hoạt động của VAMC có “dẫm chân” lên hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trong khi cả hai DN này đều là DN đặc biệt của Nhà nước? Vấn đề này được ông Phạm Thanh  Quang - Tổng giám đốc DATC ckhẳng định, “không có chuyện dẫm chân lên nhau, hoạt động của hai DN có những đặc thù riêng. Mặt khác, hiện nay thực trạng nợ xấu quá lớn, một mình DATC không thể làm xuể”.

Nhưng với một cơ chế đặc thù thì điều khiến nhiều người băn khoăn là làm sao để tránh tình trạng phát sinh lợi ích nhóm cũng như đảm bảo tính công bằng. Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, thì VAMC sẽ mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo hai phương án: Một là, mua bằng giá trị ghi sổ dư nợ gốc đã được khấu trừ dự phòng; Hai là, mua theo giá trị thị trường trên cơ sở thoả thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại. Nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Nhưng chẳng hạn, một ngân hàng có khoản nợ xấu 100 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ nợ lãi và 70 tỷ nợ gốc. Khoản nợ này được xếp vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 (đã được trích lập dự phòng). Khoản nợ đó tương ứng với tài sản thế chấp là miếng đất có giá trị 100 tỷ. Nếu bán với giá 100 tỷ vào thời điểm hiện tại sẽ không có người mua, bởi thị trường có thể giao dịch là 60 tỷ. Vậy sẽ phát sinh ra tình huống ngân hàng bán khoản nợ này cho VAMC với giá sau khi đã thẩm định 50 tỷ. Nhưng VAMC không trả bằng tiền mặt mà phát hành trái phiếu tương đương với 50 tỷ sau đó bán đấu giá để thu về 60 tỷ. Rất có thể xảy ra tình huống người mua tài sản ấy lại chính là con nợ có tài sản thế chấp, tất nhiên là qua một đại diện khác. Như vậy từ 100 tỷ, con nợ chỉ phải trả 60 tỷ, VAMC có lợi còn ngân hàng không bị ảnh hưởng vì đã trích lập dự phòng.

Dù được kỳ vọng lớn về giải quyết nợ xấu, nhưng “VAMC không phải là cây đũa thần” giải quyết được mọi vấn đề. Bởi, quá trình giải quyết nợ xấu sẽ còn lệ thuộc nhiều vào tình trạng thị trường nói chung và thị trường tài sản nói riêng. Chỉ khi sản xuất kinh doanh tươi tốt lên và niềm tin xã hội đã phục hồi thì huyết mạch tài chính mới cải thiện. Tuy nhiên, lạc quan hơn, trong hoạt động VAMC sẽ chạm đến và đặt vấn đề cho các quyết sách đột phá giúp kinh tế nước nhà có điều kiện hồi phục nhanh và thoát lên vững.

VAMC chỉ là một bước ban đầu, để giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay và chúng ta cần biện pháp hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đặc biệt, phải hình thành thị trường mua bán nợ, khơi thông nguồn lực, ai sẽ là người mua lại nợ xấu và mua ở những người đang có khoản nợ xấu. Một điều quan trọng nữa là phải hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế, cho doanh nghiệp để tự họ có thể hồi sinh và việc đó không phụ thuộc thuần tuý vào công ty mua bán nợ này…/.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra mắt ngày 26/7/2013. Dù đây là mô hình công ty lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, và nhiều người kỳ vọng VAMC sẽ giúp giải quyết được các món nợ xấu, thông được “cục máu đông” cho nền kinh tế, tuy nhiên, không phải các khoản nợ xấu đề được mua, mà phải có điều kiện, đặc biệt đó là nợ xấu… tốt.

VAMC là doanh nghiệp (DN) đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Vốn điều lệ của công ty là 500 tỷ đồng. Công ty được thực hiện các hoạt động như: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay... Dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu, với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%, thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt.

Quỳnh Chi
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất