Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 13/8/2013 11:7'(GMT+7)

Một số quan điểm của Đảng về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, với nhận thức sâu sắc về đặc điểm của nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, tạo tiền đề để giải quyết hàng loạt các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, đưa nông thôn nước ta tiến lên trình độ văn minh, hiện đại.

Chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của Đảng ta được hình thành và phát triển khá sớm trong quá trình đổi mới đất nước. Từ Hội nghị Trung ương bảy (khoá VII), Đảng ta đã xác định những nội dung cơ bản của CNH, HĐH. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996) mở đầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đã quyết định và chỉ đạo phải coi trọng và đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) nêu rõ: “Con đường CNH, HĐH của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt”. Đối với nông nghiệp, nông thôn, “tăng cường sự chỉ đạo và huy động các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn"(1). Đặc biệt Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX ra quyết định về Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 – 2010. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4-2006) chủ trương tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Đại hội cũng khẳng định “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân”(1). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Trên cơ sở tích tụ đất đai, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học); bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn”(2).

Như vậy, qua các kỳ Đại hội và các Nghị quyết của Đảng, có thể thấy sự phát triển trong tư duy lãnh đạo của Đảng qua mỗi thời kỳ: từ phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để ổn định tình hình kinh tế - xã hội (1991); đến CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân (2006). Phát triển nông – lâm – ngư nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn (2011)… Việc xác định vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình hiện đại hóa đất nước là thực tế khách quan. Với tỷ lệ lớn cư dân nông thôn Việt Nam hiện nay, không có sự giàu có của nông dân thì không có sự giàu có của đất nước, không có hiện đại hóa nông thôn thì không có HĐH quốc gia.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH đất nước; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu tổng quát và lâu dài của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn được Đảng ta xác định là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

Giai đoạn 2011-2015: Đảng ta xác định phải phục hồi tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp; phát huy dân chủ cơ sở, huy động sức mạnh cộng đồng để phát triển nông thôn; tăng thu nhập và giảm đáng kể tỷ lệ nghèo. Tạo chuyển biến rõ rệt phát triển kinh tế hợp tác, hiệp hội, phát triển liên kết dọc theo ngành hàng, kết nối giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh; phát triển doanh nghiệp nông thôn. Hình thành kết cấu hạ tầng căn bản phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Phấn đấu giá trị gia tăng bình quân 5 năm đạt 2,6 – 3%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp năm 2015 chiếm 40 – 41% lao động xã hội. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 – 2 lần so với năm 2010(3). Cải thiện căn bản môi trường và sinh thái nông thôn tập trung vào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi, phòng chống thiên tai.

Giai đoạn 2016-2020: Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, vững bền; hình thành một số ngành sản xuất kinh doanh mũi nhọn của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển đổi theo nhu cầu thị trường. Phát triển chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Công nghiệp, dịch vụ và kinh tế đô thị phối hợp hiệu quả với sản xuất và kinh doanh nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Chuyển phần lớn lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp, lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý, gắn kết trong các loại hình kinh tế hợp tác và kết nối với thị trường. Nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn lên 2,5 lần so với hiện nay(4). Quy hoạch dân cư, quy hoạch lãnh thổ nông thôn gắn với phát triển đô thị, công nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đảng đã xác định quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiên nay phải tập trung vào các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương. Tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp. Sớm khắc phục tình trạng manh mún về đất canh tác của các hộ nông dân, khuyến khích việc dồn điền đổi thửa, cho thuê, góp vốn cổ phần bằng đất; phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ gắn với hình thành các ngành nghề, làng nghề, hợp tác xã, trang trại, tạo ra những sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao.

Trên cơ sở tích tụ đất đai, đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học); bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hoá, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn. Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Giữ vững diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và tăng giá trị xuất khẩu gạo. Mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng các loại rau, màu, cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế. Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp với công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, phát triển lâm nghiệp toàn diện, bền vững, trong đó chú trọng cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tăng diện tích trồng rừng và độ che phủ rừng trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân có thể sống, làm giàu từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hình thành các tổ hợp trồng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến lâm sản và phát triển các vùng rừng chuyên môn hoá bảo đảm đáp ứng ngày càng nhiều hơn nguyên liệu trong nước cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giấy. Thực hiện tốt chương trình bảo vệ và phát triển rừng; đổi mới chính sách giao đất, giao rừng, bảo đảm cho người làm nghề rừng có cuộc sống ổn định và được cải thiện. Phát triển rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến lâm sản có công nghệ hiện đại.

Thứ ba, phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản đa dạng theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường; coi trọng hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh là chủ yếu đối với thuỷ sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn; gắn nuôi trồng với chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ với ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tìm kiếm ngư trường, đánh bắt và hiện đại hoá các cơ sở chế biến thuỷ sản. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Coi trọng khâu sản xuất và cung cấp giống tốt, bảo vệ môi trường, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, công tác thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ kỹ thuật khác ở nông thôn. Chuyển giao nhanh và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng các khâu giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến.

Thứ tư, khẩn trương xây dựng các quy hoạch phát triển nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống no đủ, văn minh, môi trường lành mạnh. Hình thành các khu dân cư đô thị hóa với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ như thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, cụm công nghiệp, trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ. Quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển. Phát huy dân chủ ở nông thôn đi đôi với xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín dị đoan, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thứ năm, xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, trước hết ở các vùng sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, giao thông, các khu đô thị mới. Chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng lao động làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động làm công nghiệp và dịch vụ. Tạo điều kiện để lao động nông thôn có việc làm trong và ngoài khu vực nông thôn, kể cả ở nước ngoài. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; đầu tư mạnh hơn cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Thực hiện có hiệu quả bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp.

Thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn chính là từng bước phát triển nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, xóa dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Quá trình hoàn thiện và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến cơ bản tình hình đất nước và đã đạt những thành tựu rất quan trọng.

Tuy nhiên, nước ta là nước nông nghiệp, cơ sở nền tảng của nông nghiệp còn yếu, công CNH, HĐH còn ở giai đoạn đầu. Vì vậy, việc thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương khác nhau để triển khai và có kế hoạch thống nhất trong cả nước. Mục tiêu chính là thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp phát triển, gắn với kinh tế thị trường, hòa nhập vào quốc tế, điều hòa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, tăng nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, tạo cho nông dân có thu nhập cao hơn và cuộc sống khá giả hơn./.

TS. Hồ Xuân Quang - ThS. Ngô Thị Nghĩa Bình

Trường Đại học Quy Nhơn

-------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 88..

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 195196.

(3) Sđd, tr. 198.

(4)Sđd, tr. 123


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất