Thứ Bảy, 26/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 14/4/2016 15:45'(GMT+7)

Bạc Liêu khai thác tiềm năng, lợi thế để cất cánh

Thành phố Bạc Liêu

Thành phố Bạc Liêu

Hòa cùng niềm vui chung với đồng bào cả nước mừng kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu tự hào và vững tin với tin vui: sau khi tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát huy nội lực, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, kinh tế của Bạc Liêu có nhiều khởi sắc. Năm 2015, sản lượng lúa thu được trên 1 triệu tấn, đạt 103% kế hoạch; tổng diện tích tôm thả nuôi đạt trên 120 ngàn ha đạt 100% kế hoạch năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 440 triệu USD.

So với những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (1975) kinh tế - xã hội của Bạc Liêu đã có bước tiến dài, chỉ số năng lực canh tranh (CPI) đang tiến bộ rất nhanh, thuộc tốp trung bình khá của cả nước; khu vực thành thị và nông thôn Bạc Liêu đều có những thay đổi lớn. Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 28,08% năm 2005 đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 3% theo tiêu chí mới; có 90% trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia... 

Đạt được những kết quả này, theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái, đó là nhận diện đúng thực lực, những khó khăn vướng mắc, từ đó tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ quyết tâm để tạo được bước đột phá, trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bạc Liêu vươn lên, có vị trí xứng đáng. Trong những việc phải làm, trước hết là phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị thành phố và các trung tâm huyện; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế…cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới, trên cơ sở đó xây dựng các dự án cụ thể để kêu gọi thu hút đầu tư. 

Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ Trung ương để đưa Bạc liêu vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch phát triển vùng đối với một số dự án lớn mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản; phát triển năng lượng; cảng biển... Tỉnh huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ để đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn cho giai đoạn 2015-2020. Bạc Liêu đang tập trung các nguồn lực để kêu gọi thu hút đầu tư thực hiện 15 công trình dự án trọng điểm đến năm 2020, trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng với 6 dự án. 

Về quy hoạch sản xuất vùng ven biển (Nam Quốc lộ 1A), phía ngoài đê biển sẽ tiếp tục trồng thêm rừng gắn với khai thác có hiệu quả đất bãi bồi, nhất là du lịch, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh võ. Khu vực trong đê, tỉnh quy hoạch diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp quy mô trên dưới 15.000 ha và sẽ ưu tiên đầu tư các nguồn lực đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo nuôi tôm đạt hiệu quả; số diện tích còn lại sẽ nuôi quảng canh, kết hợp với trồng rừng và làm du lịch theo mô hình nuôi sinh thái cho hiệu quả, bền vững mà một số nơi đang làm. Những nơi vẫn còn trồng lúa, trồng hoa màu có hiệu quả như ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) thì khoanh bao lại để phát triển lúa và hoa màu. Như vậy vùng Nam Quốc lộ 1A là vùng phát triển đa dạng, tăng thêm diện tích rừng, đảm bảo môi trường, sản xuất theo hướng bền vững, hiệu quả. 

Về công nghiệp, vừa qua Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao các Bộ và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát, lập báo cáo để trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch quốc gia các dự án lớn, trên cơ sở đó lập dự án để đầu tư như: Khu kinh tế biển Gành Hào song song với việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Trà Kha. 

Về du lịch, Bạc Liêu đã, đang và sẽ lập nhiều dự án du lịch tầm cỡ để kêu gọi đầu tư, trong đó sẽ khai thác tối đa tiềm năng biển xây dựng các khu nghỉ dưỡng như đã khởi công ở phường Nhà Mát thành phố Bạc Liêu; khu du lịch vui chơi giải trí gắn với các giai thoại về Công tử Bạc Liêu để thu hút khách du lịch... 

Đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hệ thống cống phân ranh mặn ngọt để ổn định nguồn nước cho các vùng quy hoạch chuyên lúa, chuyên tôm, lúa - tôm, gắn với đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. 

Trong khuôn khổ của pháp luật về đất đai, tỉnh có biện pháp phù hợp để tạo ra nguồn vốn từ khai thác quỹ đất và nhà ở để đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn bên ngoài, tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn ODA để đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên cho phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế - xã hội.

Bạc Liêu là một vùng truyền thống cách mạng rất hào hùng, truyền thống văn hóa. Bạc Liêu có 3 trong số 4 cuộc nổi dậy điển hình của nông dân Nam bộ chống đế quốc, phong kiến; 2 lần giành chính quyền trọn vẹn từ tay giặc không cần tiếng súng; từ xa xưa, Bạc Liêu nổi tiếng về giàu có, là một trong Nam kỳ lục tỉnh. Bạc Liêu là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang - bài ca gốc của vọng cổ Nam bộ, cũng như nhiều bài bản trong sân khấu cải lương được sử dụng ngày nay cũng do người Bạc Liêu sáng tác. 

Mỗi người con của Bạc Liêu luôn hãnh diện, tự hào về quê hương, nhưng điều quan trọng nhất là phải suy nghĩ, tìm tòi để khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh đưa Bạc Liêu cất cánh./. 

Cao Thăng/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất