(TG)- Bộ Y tế đang hoàn thiện Dự thảo đề án thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia để trình Thủ tướng trong năm 2018. Một trong những điểm mới của dự thảo là từ năm 2020, bác sỹ muốn hành nghề phải trải qua kỳ thi sát hạch do Hội đồng Y khoa Quốc gia giám sát.
Theo
dự thảo này, HĐYKQG sẽ có chức năng chính là tổ chức kỳ thi sát hạch
năng lực chuyên môn của người hành nghề trong lĩnh vực y tế. Đây là yêu
cầu mới so với trước đây, bên cạnh thông tin về việc bác sĩ cần phải
kiểm tra chuyên môn 2 năm/lần mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nội dung
này cũng đang được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh
sửa đổi, sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.
Hành
nghề khám chữa bệnh (KCB) đòi hỏi người hành nghề phải có cả năng lực
chuyên môn cả về lý thuyết và thực hành, cũng như đạo đức nghề nghiệp do
công tác KCB liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người
bệnh. Việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB là biện pháp bắt buộc để kiểm
soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp
đã được đào tạo.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) dựa trên Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế cùng một số quy định liên quan.
Theo đó, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp.
Hồ sơ bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do bộ trưởng Bộ Y tế hoặc giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp; giấy xác nhận quá trình thực hành; sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác, phiếu lý lịch tư pháp, hai ảnh 4 x 6 cm.
Tuy
nhiên, theo Bộ Y tế, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay chủ yếu
xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng,
chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ
sở KCB mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ
thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Vì vậy, chưa
đánh giá được người hành nghề có đủ năng lực chuyên môn thực sự để đạt
được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB hay
không.
Việc
tổ chức kỳ thi quốc gia độc lập thông qua Hội đồng y khoa sẽ giúp các
cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất
lượng người hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Từ đó,
lựa chọn được đội ngũ nhân lực y tế thực sự có chất lượng nhằm nâng cao
chất lượng KCB, đem lại an toàn cho người bệnh, hạn chế những hậu quả,
tai biến có thể xảy ra trong công tác KCB. Qua đó, sẽ giúp tạo niềm tin
cho người dân đối với hệ thống y tế trong nước.
Theo
Bộ Y tế, hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã thành lập HĐYKQG và tổ
chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề, đây là
một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề KCB. Mô hình này đã được
áp dụng ngay tại các nước chậm phát triển và đang phát triển trên thế
giới. Hiện nay, duy nhất chỉ có Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Brunei
là không thi chứng chỉ hành nghề. Trừ Brunei 100% bác sĩ là từ nước
ngoài vào, thì Việt Nam là 1 trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành
nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Trong
điều kiện hội nhập quốc tế, Việt Nam cần phải có những quy định về cấp
chứng chỉ hành nghề để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để các cá nhân hành nghề của các nước đến
Việt Nam để tham gia vào hoạt động KCB và ngược lại, người hành nghề của
Việt Nam có thể ra nước ngoài, nhân lực KCB của Việt Nam có thể tham
gia hội nhập ngày càng nhiều hơn với các nước trong khu vực cũng như
trên thế giới.
TG