Mưa lũ cũng làm 5.123 ngôi nhà bị ngập nước; hơn 3.800ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập, đổ; 5.680m đường giao thông bị sạt lở; 80 lồng cá bị thiệt hại; 852,7ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn; 58 cột điện bị đổ, gãy, 1 trạm biến thế bị hư hỏng; 12 cột cáp treo bị đổ gãy; 1.869m tường rào bị đổ; 6.096 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 87.742 con gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Hiện nay, mực nước sông Thao, sông Bứa xuống nhanh; mực nước sông Đà ít thay đổi do Thủy điện Hòa Bình tiếp tục xả lũ.
Tuyến đê tả sông Thao thuộc các xã Y Sơn, Phụ Khánh (huyện Hạ Hòa) có nguy cơ bị tràn đã được xử lý chống tràn đảm bảo an toàn.
Tuyến đê tả sông Bứa đoạn K0-K3,5 thuộc các xã Tề Lễ, Quang Húc và tuyến đê hữa sông Bứa đoạn K1,5-K4; K5,5-K6,2; K8-K10,9 thuộc các xã Tề Lễ, Quang Húc, Hùng Đô của huyện Tam Nông bị tràn tổng chiều dài 9.600m, chiều sâu tràn khoảng từ 0,2m-0,8m. Mực nước sông lên quá nhanh, vượt tần suất thiết kế đê và chiều dài tuyến đê bị ngập quá dài nên lực lượng chức năng không thể chống tràn được.
Các nhà dân bị ngập chủ yếu nằm dọc theo tuyến sông Bứa thuộc các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông và dọc tuyến sông Thao phía ngoài đê thuộc các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba.
Hiện nay, nước sông Thao, sông Bứa xuống nhanh, các hộ dân đang quay trở lại dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi có cảnh báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản chỉ đạo gửi Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan về việc sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hạ du khi hồ chứa xả lũ và ứng phó với mưa lũ.
Tại một số địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hoàn lưu bão số 3, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành và địa phương đã xuống hiện trường kiểm tra và chỉ đạo phòng chống lũ, khắc phục thiệt hại.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị thường xuyên theo dõi, thông báo xả nước hồ chứa và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó; huy động mọi lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất và vùng trũng thấp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa ổn định đời sống.
Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh và các sở, ngành liên quan huy động lực lượng đến các vùng bị ảnh hưởng để hỗ trợ sơ tán người và tài sản của nhân dân; đảm bảo an ninh trật tự; khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã vận hành hết công suất các trạm bơm để tiêu úng, bảo vệ sản xuất.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ thượng nguồn lên nhanh kết hợp lưu vực các sông có độ dốc lớn, công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn. Một số tuyến đê chưa đảm bảo cao trình chống lũ theo thiết kế. Công tác tổ chức huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, phòng chống lũ ở một số địa phương còn lúng túng, triển khai chưa đồng bộ…
Để khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Theo VN+