Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 22/7/2018 15:15'(GMT+7)

Các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3

Mực nước tại sông Hoàng Long tiếp tục dâng cao. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Mực nước tại sông Hoàng Long tiếp tục dâng cao. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

* Quảng Ninh chủ động phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đang tích cực, chủ động tổ chức giám sát và hỗ trợ các địa phương bị ngập lụt do mưa lớn tại huyện Ba Chẽ, Tiên Yên và một số địa phương, trong công tác phòng chống dịch bệnh sau sự cố mưa lũ bởi ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. 

Tại huyện Ba Chẽ, mưa lớn kéo dài trong ngày 19/7 đã gây ngập lụt 230 hộ ở thị trấn; 40 hộ, 2 trường học và Trạm Y tế ở xã Nam Sơn; 2 hộ ở xã Đạp Thanh; nhiều giếng đào và bể chứa nước bị ngập, thiếu nước sạch cục bộ. Huyện Tiên Yên cũng xảy ra tình trạng ngập lụt tại một số khu dân cư tại khu vực thị trấn. Hiện tình hình dịch bệnh hiện chưa có vấn đề bất thường tại cả hai địa phương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp bổ sung 10.000 viên Aquatab để khử khuẩn nước ăn và 5 lít hóa chất diệt côn trùng Hanpec cho huyện Ba Chẽ trong đợt này. 

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lớn và chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết trong những ngày tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương có mưa lũ quét qua tích cực cùng nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ. Các trạm y tế cơ sở duy trì phục vụ công tác tiêm chủng thường xuyên theo đúng kế hoạch, bắt đầu từ ngày 21/7. 

Lực lượng y tế cơ sở đã trực tiếp thực hiện việc pha hóa chất Cloramin B và khử khuẩn cho người dân ở các địa phương có mưa lũ, tránh việc để xảy ra ngộ độc; giám sát chặt chẽ các bệnh dịch có thể xảy ra sau mưa lũ như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, tiêu chảy, sốt xuất huyết... để kịp thời điều trị, khoanh vùng ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan.

* Ninh Bình tập trung đảm bảo an toàn hệ thống đê Hoàng Long 

Sáng 22/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa trên thượng nguồn đổ về kết hợp với mưa trên địa bàn những ngày qua đã khiến mực nước sông Hoàng Long tiếp tục dâng cao, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bình quân 450mm. Vào lúc 7 giờ sáng 22/7, mực nước tại bến Đế đạt 4,11m, cao hơn mức báo động III. Tỉnh Ninh Bình đã huy động lực lượng bảo đảm an toàn hệ thống đê Hoàng Long, tránh gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Sáng 22/7, trên địa bàn tỉnh không còn mưa, trời bắt đầu hửng nắng. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa trên diện rộng tại tỉnh. Ngày 21/7, mực nước tại bến Đế đạt 3,55 m, vượt báo động II 0,05m, đến 7 giờ sáng 22/7, mực nước tại bến Đế đạt 4,11 m, cao hơn mức báo động III 0,11m, cứ mỗi tiếng sẽ tăng lên 0,01m và đạt đỉnh vào 12 giờ trưa 22/7 (do mực nước tại Hưng Thi (Hòa Bình) giảm. 

Ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh, chủ yếu trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn như: Dò mang tường bể xả trạm bơm Gia Viễn, dò mang phía hạ lưu tràn Lạc Khoái; tràn cục bộ tuyến đê bao Hoa Tiên xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn; tràn đê bao sông Bôi các xã Gia Thủy, Gia Lâm, huyện Nho Quan. Với mực nước như hiện nay, tỉnh Ninh Bình vẫn đảm bảo an toàn tại tất cả các tuyến đê, đặc biệt là đê tả và hữu sông Hoàng Long. 

Sáng 22/7, tại tràn Lạc Khoái xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã huy động hàng chục người cùng phương tiện tiến hành khắc phục tạm thời sự cố dò mang phía hạ lưu tràn. Lực lượng đã dùng hàng trăm m2 bạt cùng hàng trăm bao cát che chắn phía chân tràn, nhằm hạn chế tình trạng nước thẩm thấu qua tràn, giảm thiệt hại, đồng thời tính đến phương án khắc phục sự cố lâu dài. 

Trước tình trạng mưa lũ như hiện nay, tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện của Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Mặc dù xác định mực nước đỉnh lũ vẫn ở trong ngưỡng an toàn, nhưng tỉnh vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngu cơ cao sảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác tuyến đê, các điểm xung yếu; triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xảy ra lũ khẩn cấp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

Mặt khác, tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ. Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo vận hành 238 máy/82 trạm bơm, mở 8 cống dưới đê và 22 cống hồ nhằm chống úng, giảm thiệt hại do mưa, lũ.

* Yên Bái tìm thêm 2 người mất tích vẫn còn sống đưa về nơi an toàn 

Đến ngày 22/7, lực lượng chức năng tham gia cứu hộ cứu nạn tại vùng lũ tỉnh Yên Bái vừa tìm thêm 2 người dân ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn bị mất tích vẫn còn sống và đưa về nơi an toàn. Hiện số người mất tích chưa tìm thấy trên địa bàn tỉnh Yên Bái giảm xuống còn 6 người. 

Trong ngày 21/7, các lực lượng cứu hộ cũng đã di dời khẩn cấp 169 hộ đến nơi an toàn. Hiện nay các hộ gia đình đang ở nhờ nhà người thân, tại các nhà văn hóa thôn, trường học và Trạm y tế xã. 

Tỉnh Yên Bái cũng đã cấp phát gần 6 tấn gạo hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn do mưa lũ; hỗ trợ 54 hộ tại 9 xã với số lượng gần 4 tấn gạo cho 266 khẩu. Vận chuyển 3 tấn gạo và 200 thùng mì tôm lên xã Nậm Mười, Sùng Đô. Bộ Quốc phòng đã quyết định cấp phát cho tỉnh Yên Bái 6 tấn lương khô, 20 bộ nhà bạt, 10 máy phát điện và máy bơm nước. 

Nhiệm vụ trọng tâm trong ngày hôm nay của tỉnh Yên Bái là tiếp tục tìm kiếm người mất tích, động viên giúp đỡ các gia đình bị nạn, ổn đời sống nhân dân vùng lũ. Tỉnh sẽ nỗ lực tiếp cận hết tất cả các xã bị cô lập, khôi phục giao thông, khẩn trương khắc phục môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau lũ. 

Tỉnh Yên Bái và các địa phương tổ chức thành nhiều tổ công tác đi xuống tận thôn, bản để hỗ trợ an sinh xã hội; chuyển nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các thôn, xã; tiếp tục chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức đưa máy bơm, máy phát điện vào các xã đang bị chia cắt; tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ và phân bổ hỗ trợ kịp thời cho nhân dân đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan./. 

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất