Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 15/9/2008 20:8'(GMT+7)

Bác sĩ sẽ phải qua sát hạch trước khi hành nghề

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Đề cập đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế- Bộ Y tế- cho biết: Tất cả bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên khi muốn hành nghề dù ở cơ sở y tế công hay tư nhân đều phải trải qua quá trình sát hạch về lý thuyết và thực hành mới được cấp Chứng chỉ hành nghề. Đây là một trong những điểm đáng chú nhất của dự án Luật Khám chữa bệnh sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2009.

Thực trạng khám chữa bệnh ở nước ta hiện nay còn khá lộn xộn, gây bức xúc không chỉ trong ngành y tế mà còn gây nhiều phiền toái cho người dân. Hiện nay, trong lĩnh vực KCB, chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý. Vì vậy việc xây dựng và sớm ban hành Luật KCB là rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người bệnh cũng như cán bộ y tế, đồng thời gắn bó chặt chẽ trách nhiệm và nghĩa vụ giữa bác sĩ và người bệnh, đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa y tế tư và công.

Sự bình đẳng giữa y tế công và y tế tư được quy định rõ ràng trước khi Luật KCB đi vào cuộc sống. Có nghĩa là, tất cả cơ sở y tế tư và công đều phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực mới được cấp giấy phép hoạt động. Trong khi đó hiện nay, các bệnh viện công chỉ cần có quyết định thành lập là nghiễm nhiên được họat động mà không cần có giấy phép hoạt động, cũng như việc đảm bảo các điều cần thiết trên.

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ dành ra một thời gian để cho các bệnh viện duy trì và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng một đơn vị nhằm đánh giá và công nhận tiêu chuẩn của các bệnh viện. Cũng cần phải nói thêm rằng, cho tới thời điểm này chưa có một bệnh viện công nào được đánh giá và xếp hạng theo các tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.

Đối với các cán bộ y tế hành nghề tại các cơ sở y tế công hoặc tư, Dự án Luật KCB cũng quy định rất rõ ràng, tất cả bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên khi muốn hành nghề dù trong cơ sở y tế công hay tư nhân thì cũng đều phải trải qua quá trình sát hạch về lý thuyết và thực hành mới được cấp Chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ này được công nhận và có hiệu liệu lực sử dụng trong phạm vi toàn quốc, cũng như tại một số nước có ký kết với Bộ Y tế Việt Nam về việc công nhận trình độ và chứng chỉ y tế của nhau.

Đặc biệt, chứng chỉ này chỉ có thời hạn trong vòng 5 năm, sau đó phải tiến hành sát hạch lại lý thuyết và thực hành. Quy định này nhằm đặt ra yêu cầu, trong quãng thời gian đó, người cán bộ y tế phải thường xuyên học hỏi và cập nhật kiến thức y học mới của thế giới nhằm nâng cao tay nghề chuyên môn và để không bị tụt hậu. Ngoài ra cũng để tránh tình trạng 70-80 tuổi vẫn hành nghề khám chữa bệnh như hiện nay.

Để việc cấp chứng chỉ và giám sát được bảo đảm, luật sư Quang cho rằng, nếu cấp ngay một lúc thì sẽ không thực hiện được vì hiện cả nước có trên 250.000 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên và con số này sẽ tiếp tục tăng hàng năm. Do đó, chúng tôi sẽ có một lộ trình thực hiện từng bước. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ thành lập ra một Hội đồng Y khoa do một Thứ trưởng làm Chủ tịch nhằm thực hiện việc đánh giá, theo dõi và cấp Chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế.

Đối với sinh viên các trường y, khi đi thực tập tại các bệnh viện phải có một người đỡ đầu bảo lãnh và khi tiếp cận các kỹ thuật phức tạp như: phẫu thuật, nội soi thì phải qua sát hạch tại bệnh viện đang thực tập để được cấp chứng chỉ thực hành mới được phép tham gia vào các kỹ thuật khó như trên. Chứng chỉ này không thay thế và không được phép dùng để thực hiện việc khám chữa bệnh ở ngoài cơ sở y tế mà sinh viên đó đang thực tập.

Minh Trang
(Tổng hợp theo SGGPĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất