Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 9/9/2008 22:16'(GMT+7)

Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo ở Quảng Nam

Thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo, ngay từ đầu năm 2003, tỉnh đã thành lập Ban quản lý quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho người nghèo.

Bảo hiểm y tế cho người nghèo là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 "về khám, chữa bệnh cho người nghèo" của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.



Các ngành chức năng đã điều tra, khảo sát lập danh sách đối tượng để cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Ngành Y tế chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ tốt chủ trương như: củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đến nay, 100% số xã có trạm y tế, 100% thôn, bản có nhân viên y tế; thông qua các Chương trình y tế, Chương trình 135 để nâng cấp, xây dựng và tăng cường trang thiết bị cho y tế cơ sở; thường xuyên đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia và phân phối, cung ứng thuốc đến tận các vùng sâu, vùng xa ... Tất cả nhằm giúp người dân nghèo yên tâm, tin tưởng và được đối xử công bằng trong việc khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế.

Với phương thức thực thanh thực chi thông qua thẻ KCB 139 tại 06 huyện miền cao (cấp 10.000đ/người/năm) và mua thẻ BHYT cho người nghèo tại 11 huyện đồng bằng với mệnh giá thay đổi qua từng năm (năm 2003 là 50.000đ/người/thẻ đến 2008 là 130.000đ/người/thẻ), năm 2003, Ban quản lý Qũy đã tiến hành mua 130.000 thẻ BHYT cho người nghèo (theo tiêu chí nghèo cũ), những năm sau, đã có 100% nhân khẩu nghèo trong các hộ nghèo và 100% người dân ở các xã đặc biệt khó khăn (theo tiêu chí hộ nghèo mới) được mua thẻ BHYT. Từ năm 2003 đến năm 2008 đã có trên 1 triệu lượt người nghèo đã được cấp thẻ với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Riêng năm 2008 là 40 tỷ đồng. Số lượng người KCB bằng thẻ BHYT tăng đều theo từng năm mặc dù số thẻ cấp ra theo từng năm có giảm. Năm 2007, số lượt khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cho người nghèo bằng thẻ BHYT tăng gấp 5 lần so với năm 2003, phương thức thực thanh thực chi cũng gia tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm trước.

Nhờ được thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân đã nhận thức được những lợi ích từ thẻ bảo hiểm y tế 139 mang lại, nên khi xảy ra đau ốm họ đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế với số lượng ngày càng tăng cao. Tất cả các đối tượng 139 khi được cấp thẻ BHYT đến khám chữa bệnh ở các tuyến không phải chịu bất kỳ một khoản chi phí nào. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm các huyện miền núi đã tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa từ 2 đến 3 đợt. Mặt khác, ngành Y tế tỉnh thường xuyên phối hợp với công tác y tế quân sự địa phương, huy động các lực lượng quân y tham gia vào công việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; hệ thống quân dân y từ tỉnh đến huyện, xã được củng cố và hoàn chỉnh. Các cán bộ quân dân y đã chủ động tổ chức phối hợp đi khám điều trị kịp thời cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...

Quảng Nam hiện có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (16 huyện và 02 thành phố) với 236 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 53 xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc chương trình 135; 13 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc chương trình 257. Dân số là 1.464.000 người/333.942 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 102.910 người/19.085 hộ sinh sống tại 69 xã trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ hộ đói nghèo còn cao, năm 2003 là 16,98% (54.979 hộ/323.805 hộ theo tiêu chí cũ) và năm 2006 là 26,65% (Theo tiêu chí mới). Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân cũng còn nhiều hạn chế, do hạ tầng cơ sở còn thấp kém, đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Cùng với việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, ngành y tế Quảng Nam đã có nhiều đổi mới trong công tác khám chữa bệnh cho người nghèo đó là việc tăng cường kỹ năng giám định cho các giám định viên để vừa phục vụ người bệnh và chống lạm dụng trong việc khám chữa bệnh; đưa công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tới hơn 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn (kể cả 139 ở các huyện miền núi cao) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong việc khám và điều trị. Đây là kết quả đáng mừng, thể hiện sự thay đổi về số lượng và chất lượng trong công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, đem lại lợi ích và niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, việc KCB miễn phí cho người nghèo vẫn còn những khó khăn nhất định:

- Một số cấp ủy đảng và chính quyền cấp xã chưa quan tâm đến sức khỏe, quyền lợi của người nghèo, không phối hợp với các ban ngành để cấp thẻ KCB kịp thời cho người nghèo.

- Một bộ phận hộ nghèo, người nghèo chưa nắm rõ được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc được hưởng chăm sóc sức khỏe miễn phí theo Nghị quyết 139 của Chính phủ. Người dân nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Kinh phí quỹ KCB cho người nghèo chưa huy động được từ cộng đồng và các tổ chức khác, chủ yếu dựa trên nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương cấp.

- Việc lập danh sách đối tượng tại các địa phương cơ sở còn nhiều thiếu sót, thậm chí đề nghị sai đối tượng được thụ hưởng.

- Việc phối hợp của ngành, các cơ sở y tế để triển khai việc KCB bằng chế độ BHYT cho người nghèo còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khi bệnh nhân chuyển viện tuyến trên, tuyến ngoài tỉnh chưa kịp thời.

- Việc lập danh sách người nghèo theo tỷ lệ hộ nghèo của các huyện, thành gửi về thường chậm và không rõ ràng gây trục trặc và chậm trễ cho việc phát hành thẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám và điều trị bệnh của nhân dân khi cần thiết.

Trong thời gian tới công tác KCB cho người nghèo "cần phải có sự phối hợp đồng bộ, tháo gỡ từng bước để chủ trương KCB cho người nghèo được thực hiện đúng người, đúng đối tượng, đặc biệt là không được bỏ sót đối tượng thực sự nghèo. Không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện mà chủ trương này phải quán triệt ở từng cấp chính quyền cơ sở".

Phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu thực hiện tốt công tác xã hội hoá y tế để xoá đói giảm nghèo. Ban quản lý quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Quảng Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh để Bảo hiểm y tế cho người nghèo thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho tất cả người nghèo. Điều đó sẽ tạo ra động lực mới giúp người nghèo yên tâm lao động sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Phạm Thị Điểm





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất