Ông Hưởng cho biết, đợt nắng nóng diện rộng bắt đầu từ ngày 30/6 ở Bắc Bộ và đầu tháng 7 nắng nóng gay gắt xuất hiện ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ từ các tỉnh Thanh Hóa trở vào Ninh Thuận, Bình Thuận, nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Nam Đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa , Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhiệt độ ở lều khí tượng tại Hà Nội là 39 - 40 độ vào ngày 2/7, nhiều nơi miền Trung vùng núi phía Tây thanh Hóa lên tới 40 độ, Huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) liên tục 2 ngày lên tới 40,4 - 40,5 độ C, khu vực Phủ Lý (Hà Nam) trên 40 độ.
Theo nhận định thì nắng nóng gay gắt 37 - 39 độ và đặc biệt gay gắt trên 39 độ ở Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ kéo dài thêm đến ngày 6/7, từ ngày 6/7, nắng nóng diện rộng vẫn xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng mức độ nắng nóng giảm bớt, sang ngày 7/7 có mưa dông diện rộng, kết thúc nắng nóng diện rộng ở Bắc và Trung Bộ.
Ông Hưởng cho biết, nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng gay gắt diện rộng là do xuất hiện vùng thấp nóng phía Tây và đợt này có thêm hiệu ứng gió phơn cùng với đó là tác nhân để gây nắng nóng gay gắt là phía Nam của Nhật Bản có cơn bão mạnh, cơn bão đó hút lượng lớn độ ẩm ở khu vực làm trời khô nóng hơn.
“Đợt nắng nóng này có đặc điểm khác các đợt nắng nóng trước là thời gian nắng nóng kéo dài rất dài, từ 9 giờ sáng nhiệt độ đã trên mức 35 độ và kéo dài đến 19 - 20 giờ tối. Như tại Hà Nội, có hôm lúc 19 giờ vẫn đo được nhiệt độ là 37 độ, gây cảm giác khó chịu, oi nóng”, ông Hưởng cho hay.
Chuyên gia khí tượng lưu ý, nắng nóng là thiên tai nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi. Với con người thì nắng nóng gây những hiệu ứng say nắng, tác động không tốt cho sức khỏe. Thời điểm nắng gay gắt nhất trong ngày là từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều, người dân nên hạn chế ra ngoài đường thời điểm đó để hạn chế tác động không tốt đối với sức khỏe.
Nếu bắt buộc phải ra ngoài đường thì nên đội mũ rộng vành, đeo kính, mặc đồ chống nắng. Những người lao động không nên ở ngoài trời quá lâu mà ở ngoài thời gian ngắn rồi vào nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung hoa quả, vitamin tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ông Hưởng cho biết, trong tháng 7 có từ 2 - 3 đợt nắng nóng thì đợt nắng nóng này là gay gắt diện rộng nhất của năm nay, sau đợt nắng nóng diện rộng này sẽ có đợt mưa dông, dự báo tháng 7 còn 1 - 2 đợt nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ nhưng cường độ không bằng đợt này và thời gian nắng nóng ngắn hơn.
Về mưa, từ 24 - 26/6 ở vùng núi phía Bắc có mưa lớn gây thiệt hại cho người dân trong thời gian tới, mưa lớn tiếp tục ở Bắc Bộ có thể là ngày 7 - 8/7 ở khu vực vùng núi trung du Bắc Bộ có đợt mưa nữa. Từ nay đến cuối năm thì lượng mưa cũng xấp xỉ trung bình nhiều năm và khả năng mưa kết thúc sớm ở Bắc Bộ và Nam Bộ
Về bão, áp thấp nhiệt đới thì năm nay tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển đông khoảng 12 - 13 cơn trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trung bình mọi năm là 5 - 6 cơn, năm nay khoảng 4 - 5 cơn, tức là thấp hơn trung bình nhiều năm.
Sau đợt mưa lớn vừa qua ở Bắc Bộ, đã nhanh chóng chuyển qua pha nóng, như vậy thời tiết có những thay đổi một cách bất thường thì người dân phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo. Chính quyền cũng cần nắm thông tin để lên kế hoạch ứng phó với thất thường của thời tiết.
Trả lời câu hỏi tại sao nhiều người dân đo được nhiệt độ ngoài trời cao hơn nhiệt độ dự báo của khí tượng? Ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, nhiệt độ dự báo của khí tượng đo được là đo trong lều khí tượng, lều này được làm bằng gỗ, tương đương nhiệt độ dưới bóng mát, còn nhiệt độ đo ngoài trời phụ thuộc vào bề mặt đệm.
“Ví dụ đo ở lều khí tượng 40 độ, nhưng nếu đo dưới mái tôn thì lên tới 60 - 70 độ, nhiệt độ đo được hoàn toàn phụ thuộc mặt đệm, với những mặt đệm khác nhau cho nền nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiệt độ trong lều khí tượng chênh không khí cạnh đó 3 - 4 độ”, ông Hưởng cho hay.
Trang Thu/Báo Tin tức