(TG) - Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới
đã đề ra mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân
mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Vì sao lại “duy trì”
chứ không không thúc đẩy mức sinh giảm nhanh như trước đây,
và làm thế nào để đạt được mục tiêu này?
Gần 60 năm qua, nhờ kiên
trì đẩy mạnh kế hoạch
hóa gia đình (KHHGĐ)
mức sinh của Việt Nam đã giảm
rất nhiều. Vào những năm 60
của thế kỷ trước, trung bình
mỗi bà mẹ sinh khoảng 7 con,
nay chỉ có 2 con, người ta gọi là
đạt “mức sinh thay thế”. Sinh đẻ
từ hành vi mang tính tự nhiên,
bản năng đã chuyển sang hành
vi có kế hoạch, văn minh; từ bị
động sang chủ động; từ số lượng
nhiều, chất lượng thấp sang số
lượng ít, chất lượng cao; từ sinh
đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ
có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây
thực sự là một trong những biến
đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt
Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Kết quả này đã, đang và sẽ tác
động mạnh mẽ, sâu rộng theo
hướng tích cực đến sự phát triển
bền vững của nước ta. Ghi nhận
thành tựu này, ngay từ năm 1999, Liên hợp quốc đã trao Giải
thưởng Dân số cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục đẩy
mạnh KHHGĐ, mức sinh sẽ giảm
sâu hơn, dưới ngưỡng “thay thế”.
Kinh nghiệm nhiều nước cho
thấy, sau khi đạt được mức “mỗi
cặp vợ chồng chỉ có 2 con”, nếu
vẫn tiếp tục duy trì chính sách
giảm sinh sẽ phải đối mặt với
tình trạng dân số giảm, già hóa
trầm trọng, thiếu lao động… từ
đó, tác động tiêu cực đến sự phát
triển bền vững của đất nước.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 21
của Hội nghị lần thứ sáu, Ban
Chấp hành Trung ương khóa XII
về công tác dân số trong tình
hình mới, đã nhấn mạnh chủ
trương “chuyển trọng tâm chính
sách dân số từ KHHGĐ sang dân
số và phát triển” và xác định mục
tiêu không phải “giảm nhanh
mức sinh” như trước đây mà là
“Duy trì vững chắc mức sinh thay
thế (bình quân mỗi phụ nữ trong
độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy
mô dân số 104 triệu người” vào
năm 2030.
Để đạt mục tiêu này, theo
tính toán của các nhà khoa học,
luôn luôn phải có từ 13 triệu đến
14 triệu cặp vợ chồng trong độ
tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp
tránh thai (năm 2016 con số này
là 12,7 triệu). Không đáp ứng
được nhu cầu này, hoặc mức
sinh bùng nổ, hoặc nạn phá thai
sẽ tăng lên. Theo chủ trương
mới, KHHGĐ chỉ không còn là
“trọng tâm” của chính sách dân
số chứ không phải là “từ bỏ
KHHGĐ”, nhất là khi 2/3 dân số
nước ta sống ở nông thôn, tỷ lệ
lao động nông nghiệp cao, nghĩa
là vẫn còn cơ sở kinh tế - xã hội
để mức sinh có thể tăng lên.
Mặt khác, số cặp vợ chồng trong
độ tuổi sinh đẻ vẫn tăng dần
nên nhu cầu KHHGĐ sẽ ngày càng lớn. Vấn đề là cần tổ chức
KHHGĐ theo phương thức mới.
Tính chung trên phạm vi cả
nước, Việt Nam đã đạt mục tiêu
“mức sinh thay thế” một cách
vững chắc, nhưng do trình độ
phát triển không đều nên giữa
các tỉnh, mức sinh chênh lệch
khá lớn. Hàng chục năm nay
vẫn tồn tại 3 nhóm tỉnh: Nhóm
có mức sinh cao, thường là các
tỉnh thuộc miền núi, Tây Nguyên
và Bắc Trung Bộ. Nhiều tỉnh mức
sinh giảm rất sâu, như các tỉnh
thuộc vùng Đông Nam Bộ. Nhóm
còn lại, gồm các tỉnh đang duy
trì được mức sinh thay thế. Vì
vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW chỉ
rõ phương hướng sẽ thực hiện:
“giảm sinh ở những tỉnh, thành
phố có mức sinh còn cao; duy
trì kết quả đã đạt được ở những
tỉnh, thành phố đạt mức sinh
thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ
chồng nên sinh đủ 2 con ở những
nơi có mức sinh thấp”. Điều này
có nghĩa là, chương trình KHHGĐ
ở nước ta phải làm sao cho mức
sinh giữa các tỉnh, thành phố
nhích lại gần nhau, gần mức
sinh thay thế. Theo đó, công tác
KHHGĐ phải được cụ thể hóa
theo từng nhóm tỉnh, thành phố;
phải có sự phân biệt về mục tiêu,
nội dung truyền thông, phương
thức cung cấp phương tiện, dịch
vụ tránh thai cho phù hợp với kết
quả về mức sinh mà mỗi tỉnh đã
đạt được, chứ không đồng nhất
như trước đây.
Đối với các tỉnh chưa đạt
mức sinh thay thế, mục
tiêu của KHHGĐ vẫn phải
hướng đến giảm sinh.
Đặc biệt, các tỉnh có
mức sinh cao thì
giảm sinh nên là
một mục tiêu của
kế hoạch phát
triển kinh tế - xã
hội hằng năm của
địa phương. Công
tác truyền thông,
giáo dục, tư vấn về
KHHGĐ phải được đẩy
mạnh. Việc cung cấp
phương tiện, dịch vụ tránh
thai cần đa dạng hóa, trong đó
có thể cấp phát miễn phí hoặc
bán rẻ những đối tượng thuộc
diện nghèo để đảm bảo “mọi
phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
đều được tiếp cận thuận tiện với
các biện pháp tránh thai hiện
đại”. Đối với nhóm tỉnh này,
vẫn cần có chính sách khuyến
khích cả vật chất và tinh thần
cho những người thực hiện tốt
công tác KHHGĐ.
Ở các nước phát triển, tình
trạng sinh đẻ rất ít, thậm chí
không sinh con đã phổ biến.
Hiện tượng này ở Việt Nam
đã xuất hiện ở một số ít địa
phương. Năm 2016, bình quân
mỗi phụ nữ chỉ sinh 1,46 con;
đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh
con số này là 1,24 con. Mức sinh
như vậy thấp hơn nhiều so với
các nước vốn có mức sinh thấp
nhất thế giới, như: Nhật và
Đức. Cần lý giải nguyên nhân,
làm rõ hậu quả và thực hiện
nhiều giải pháp để những địa
phương có mức sinh thấp như
vậy “sinh đủ 2 con”. Rõ ràng, ở
những tỉnh này, KHHGĐ không
còn là mục tiêu để giảm sinh mà chỉ để giúp những ai muốn
giãn cách các lần sinh hoặc
không muốn sinh quá 2 con.
Các biện pháp thực hiện công
tác KHHGĐ cũng cần thay đổi.
Truyền thông, một mặt, phải
làm rõ hậu quả của sinh muộn,
sinh 1 con hoặc không sinh con
đối với chất lượng cuộc sống
của từng người, từng gia đình;
sự phát triển bền vững của địa
phương và đất nước. Mặt khác,
cần chuyển sang những chủ
đề mới, như: tận dụng cơ hội
cơ cấu dân số vàng, thích ứng
với già hóa dân số, giảm thiểu
mất cân bằng giới tính khi sinh,
di cư và đặc biệt là nâng cao
chất lượng dân số. Việc cung
cấp phương tiện, dịch vụ tránh
thai cần được “thị trường hóa”
và chấm dứt mọi chính sách
khuyến khích giảm sinh trước
đây. Ngược lại, cần xây dựng, đa
dạng hóa hệ thống dịch vụ, hỗ
trợ gia đình, đặc biệt là hệ thống
nhà trẻ, mẫu giáo; chế độ đối với
cặp vợ chồng lao động khi sinh con... nhằm giảm bớt gánh nặng
nuôi dạy và chăm sóc trẻ.
Đối với những tỉnh đã
đạt mức sinh thay thế,
mục tiêu của công tác
dân số là “duy trì kết
quả” này, nghĩa là
không để mức sinh
giảm xuống hoặc tăng
lên. Các giải pháp
nhằm đạt được mục
tiêu này tương tự như
nhóm có mức sinh
thấp. Bên cạnh đó, cần
tránh tư tưởng chủ quan,
tránh những thay đổi đột
ngột trong công tác KHHGĐ.
Cần chú ý rằng, mức sinh giảm
ở nước ta không chỉ do sự tiến
bộ kinh tế, xã hội mà còn do tác
động mạnh mẽ của chính sách,
chương trình dân số - KHHGĐ.
Do đó, bất kỳ sự buông lỏng nào
trong công tác dân số đều có thể
làm mức sinh tăng lên.
Mức sinh luôn biến động theo
thời gian và theo địa phương. Vì
vậy, để có cơ sở ra những quyết
định phù hợp, đúng đắn cho
vấn đề KHHGĐ, điều tiên quyết
là hằng năm, các tỉnh, thành
phố cần được cập nhật số liệu
chính xác về dân số nói chung,
tình trạng KHHGĐ và mức sinh
nói riêng. Điều này có nghĩa là
cần tăng cường và nâng cao chất
lượng công tác thống kê dân số
- KHHGĐ.
Với việc ban hành Nghị quyết
21, sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, chúng ta tin tưởng
rằng, không chỉ trên phạm vi cả
nước mà mỗi tỉnh, thành phố
của Việt Nam cũng sẽ đạt được
mức sinh thay thế, cơ cấu dân
số vàng vẫn được duy trì, góp
phần đảm bảo phát triển bền
vững gia đình và đất nước./.
BS. Mai Xuân Phương