Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 7/12/2008 17:49'(GMT+7)

Bài 1: Vòng luẩn quẩn của kinh tế hộ

Đành phải ly hương

Xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nằm gọn trong vùng lúa. Những ruộng lúa như tràn cả vào cổng nhà chị Lã Thị Thơm, ở đội 4 xã này. Hai vợ chồng có hơn 2 sào ruộng, mỗi sào ở một xứ đồng khác nhau. Tính chung các công việc, từ làm đất, gieo mạ, cấy, gặt… mỗi vụ chỉ cần làm mươi buổi là xong. Sau khi trừ chi phí, cả vụ lúa chỉ mang về khoảng 300.000 đồng. Các khoản chi của gia đình này trông cả vào khoản tiền nhỏ nhoi đó. Chỉ trồng lúa thì không thể “trồng” người. Tính mãi, vợ chồng chị Lã Thị Thơm quyết định ra Hà Nội, đi gom đồng nát, để lại quê hai đứa con nhỏ nhờ ông bà chăm sóc, dù đứa nhỏ mới cai sữa.

Ông Phan Ngọc Phán, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Thượng cho biết, bà con ở độ tuổi lao động của xã đều đã ra thành phố cả! Đất chật người đông, mỗi nhân khẩu ở xã này được chia 1,1 sào đất nông nghiệp. Tỉnh Nam Định cũng đã có nhiều chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhưng trong điều kiện đất đai hạn hẹp, ông Phán nhận ra rằng: hầu hết các Nghị quyết, Quyết định của trên đều không thực tế và thiếu tỉnh khả thi, bởi để sản xuất có hiệu quả thì không thể dùng mãi những biện pháp cũ. Nhưng biện pháp mới thì chưa ai chỉ ra được! Ông Phan Ngọc Phán nói: “Với điều kiện đất đai, lao động như thế này, dù có làm đến 3-4 vụ/năm cũng vậy thôi. Dồn điền đổi thửa theo Nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ, trước kia 5-7 mảnh giờ dồn lại thành 2-3 mảnh; năng suất cũng chỉ tăng thêm được tí chút thôi, chứ không vượt qua được đói nghèo. Anh em chúng tôi thường nói với con cháu, thôi cố gắng thoát khỏi tỉnh Nam Định này. Con cái tôi ở hết ngoài Hà Nội rồi!” 

Bài toán năng suất

Trong thời kỳ từ năm 1986-2006, các chính sách mới xác lập vị trí số một của kinh tế hộ nông dân ở nông thôn, với qui mô sản xuất phổ biến là nhỏ lẻ, manh mún như trên. Trong những năm gần đây, thị trường bước đầu làm tăng quy mô tích tụ đất sản xuất của một số hộ nhưng rất chậm. Trên phạm vi cả nước, số hộ nông dân có diện tích đất dưới 0,5 ha vẫn chiếm trên 70%. Quy mô đất sản xuất hạn hẹp đã hạn chế phát triển cơ giới hoá và áp dụng công nghệ mới.

Trong 20 năm qua, vai trò đầu tư hiện đại hoá sản xuất và phát triển khoa học-công nghệ chỉ đóng góp khoảng 10% cho tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, năng suất của nhiều loại cây trồng thấp hơn đáng kể so với mức trung bình thế giới. Một số cây trồng như lúa, cà phê đã đạt năng suất cao so với thế giới, nhưng là tăng “theo chiều rộng” bằng đầu tư thêm vật tư, lao động để đổi lấy hiệu quả kinh tế. Cụ thể, đầu tư vật tư nông nghiệp và số lượng lao động đóng góp trên 26% và 22% tổng mức tăng trưởng GDP nông nghiệp. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, trong hai thập niên qua, tốc độ tăng giá vật tư đầu vào trên 16%, cao hơn 6% so với tốc độ tăng giá đầu ra.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cùng nhiều chuyên gia khác đã nhìn thấy cái ngưỡng của nông nghiệp Việt Nam: “Nói về nông nghiệp cổ truyền thì phát triển lên nữa là khó. Năng suất sớm muộn cũng sẽ chạm đến trần, quay vòng đất cũng sẽ chạm đến trần, và cách tốt nhất để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp không phải là đưa thêm lao động nông nghiệp vào mà là rút lao động ra, tăng quy mô sản xuất và tiến hành cơ giới hoá. Chỉ cách đó mới giảm giá thành và tăng năng suất được.”

Trên thực tế, tăng trưởng nông nghiệp đã bắt đầu chậm lại rõ rệt. Giai đoạn 1995-2000, tốc độ tăng GDP nông nghiệp là 4% thì giai đoạn 2000-2005, giảm xuống còn 3,7%, năm 2007 chỉ đạt 2,3%.

Nguồn thu nhập chính của hộ nông dân chủ yếu từ nông nghiệp, do vậy mức thu nhập chung của các hộ này vẫn còn thấp. Năm 2006, thu nhập bình quân hộ nông dân (một hộ có 4 người) chỉ đạt trên 500 nghìn đồng/tháng. Đây chính là yếu tố tạo nên khoảng cách về thu nhập, làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ cũng đang lo ngại thực sự trước sự phân hoá xã hội đang ngày một khắc nghiệt hơn. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phân tích: “Nếu chúng ta chia dân số của chúng ta làm 5 nhóm, mỗi nhóm là 20%. Cho đến nay, nhóm 20% giàu đã gấp 8,4 lần nhóm 20% nghèo. Còn nếu lấy 10% giàu so với nhóm 10% nghèo, quan hệ ấy khoảng gần 13 lần. Đây là một con số chúng ta không mong muốn. Trong khi ấy, khoảng cách giàu nghèo lại có xu hướng tăng thêm.”

Trong thời kỳ toàn cầu hoá, nông sản phải cạnh tranh ngay trên sân nhà. Chỉ có những người sản xuất giỏi, có quy mô sản xuất đủ lớn mới có hy vọng trụ vững trên thị trường. Có thể thấy, nhu cầu tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng qui mô sản xuất đã đến. Đây là triển vọng lớn nhưng không dễ thực hiện vì:

Thứ nhất, các hộ tiểu nông, với thu nhập thấp và đứng trong nhóm người nghèo, chưa có đủ sức mạnh để tự tái sản xuất mở rộng theo hướng trang trại hay nông hộ với quy mô ngày càng mở rộng.

Thứ hai, công nghiệp và đô thị không thu hút có hiệu quả lao động thừa từ nông thôn. Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ chỉ giải quyết được khoảng 35% nhu cầu việc làm mới. Số lao động còn lại chủ yếu dồn vào lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm khoảng 600 nghìn người, bằng một nửa số lao động tăng thêm.

Thứ ba, trong tổng số hơn 44 triệu lao động hiện nay của cả nước, có tới 75% là lao động tạm thời, không ổn định. Tích tụ ruộng đất ở nông thôn rất khó thực hiện vì những người di cư ra ngoài, với thu nhập không ổn định, không muốn bán, nhượng hẳn đất của mình cho người khác. Trong khi đó, những người sản xuất giỏi, có thể trở thành các chủ trang trại lại không có đủ đất để sản xuất.

Theo một nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL, sản xuất lúa muốn đạt hiệu quả cao, phải mở rộng quy mô. Một hộ trồng lúa vượt mức hạn điền 3ha sẽ đạt hiệu quả cao gấp 5-6 lần các hộ quy mô sản xuất nhỏ hơn 1 ha. Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năng suất lao động tổng thể của các ngành nghề sản xuất trong hộ nông dân có dưới 0,25 ha đất thấp hơn hộ có trên 2 ha đất đến 2,5 lần.

Như vậy, để tiến lên sản xuất nông nghiệp hàng hoá, yêu cầu tất yếu là phải tích tụ ruộng đất qui mô lớn. Để nông dân tích tụ được đất đai, vốn liếng, mở rộng qui mô sản xuất, đủ sức cạnh tranh trong toàn cầu hoá, cần phải đổi mới mô hình tổ chức sản xuất hiện nay của họ. Lối làm ăn cá thể cần phải thay thế bằng phương thức hợp tác sản xuất kinh doanh, nói cách khác là hợp tác xã (HTX).

Tuy vậy, do những vẫn đề của lịch sử, đặc biệt là giai đoạn trước năm 1986, HTX- một mô hình tổ chức sản xuất rất tiên tiến không chỉ trong nông nghiệp, lại trở thành nỗi ám ảnh của nông dân. Đây là nội dung chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài viết tiếp theo: “Hợp tác xã đã thực là Hợp tác xã?”./.

Lê Phúc, Tuyết Yến, Minh Khánh, Hương Lan (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất