Thứ Năm, 21/11/2024
Khoa giáo
Thứ Bảy, 30/9/2023 7:0'(GMT+7)

Bài 2: Chuyển đổi số bằng cách làm bài bản

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham quan triển lãm chuyển đổi số tỉnh.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham quan triển lãm chuyển đổi số tỉnh.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái luôn có niềm tin dù là tỉnh miền núi khó khăn nhưng Yên Bái vẫn hoàn thành vượt mục tiêu về chuyển đổi số quốc gia. Với đặc điểm làm tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57%; toàn tỉnh có 59 xã vùng III (chiếm 34% số xã, phường, thị trấn), có 2 huyện đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và  Mù Cang Chải. Đây là hai huyện nằm trong 74 huyện nghèo của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 12,92%. Nói những khó khăn như vậy để thấy “Chuyển đổi số” là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái.

Các em học sinh tham gia lớp học chuyển đổi số.

Các em học sinh tham gia lớp học chuyển đổi số.

Mặc dù khó khăn, thách thức lớn đó song Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã bám sát tinh thần “Chuyển đổi số” nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của “Chuyển đổi số” đối với sự phát triển chung của tỉnh Yên Bái, coi chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian, cơ hội phát triển để đưa một tỉnh còn nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Hướng dẫn sử dụng thư viện số có người dân.

Hướng dẫn sử dụng thư viện số có người dân.

Xuất phát từ tinh thần và nhận thức như vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến năm 2030. Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Ngày 9/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025. Đây là các văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, có tính chất xuyên suốt, là định hướng lãnh đạo, là cách thức hành động của cấp ủy và chính quyền tỉnh về nhiệm vụ chuyển đổi số trong trung hạn. Các văn bản cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao độ của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh trong công tác chuyển đổi số; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để chuyển đổi số toàn diện theo phương châm “từ dễ đến khó”, từng bước đưa công nghệ số trở thành “thói quen” thường ngày của mỗi tổ chức và cá nhân.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành trên trên 70 văn bản quan trọng tạo lập được “con đường đi” về chuyển đổi số cho tỉnh giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Có thể nói, tuy Yên Bái hiện còn “đi sau” các tỉnh, thành khác về chuyển đổi số nhưng cơ chế, chính sách về chuyển đổi số đã “đuổi kịp, tiến cùng”, thậm chí có những chính sách đi trước, đi đầu cả nước như Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025.

Hướng dẫn người dân cài đặt YenBai-S

Hướng dẫn người dân cài đặt YenBai-S

Nghị quyết số 60 quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái như:  Mức thưởng đổi với sở, ngành, huyện thị, xã phường hoàn thành đạt chuẩn chuyển đổi số, chuyển đổi số nâng cao;  Hỗ trợ nâng cao năng lực chuyển đổi số với các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố; Hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, địa phương…

Theo đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đây là chính sách quan trọng, đặc thù và "nhân văn”, vừa giải quyết được khó khăn về nguồn nhân lực, kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức cống hiến cho công cuộc chuyển đổi số. Với hệ thống văn bản thống nhất, đồng bộ và có tính tiên phong, tỉnh đã tạo lập được "con đường đi” của chuyển đổi số cho giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. 

Để “Chuyển đổi số” đi vào cuộc sống, đến với người dân, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy lãnh đạo, thay đổi cách nhìn nhận, ứng dựng của chính cán bộ, đảng viên rồi mới đến nhân dân. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ngoài việc ban hành kịp thời các chủ trương, định hướng, văn bản mà còn kiến nghị thay đổi nhân sự làm công tác “chuyển đổi số” ở các cấp như: Sở, huyện và xã, phường… để có nguồn nhân lực thực thi chính sách một cách hiệu quả nhất.

Cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên tỉnh Yên Bái cài đặt ứng dụng YenBai-S.

Cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên tỉnh Yên Bái cài đặt ứng dụng YenBai-S.

Đầu tiên, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Thường trực Tỉnh ủy mạnh dạn thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, xin cán bộ từ Bộ về làm lãnh đạo Sở, đưa cán bộ là lãnh đạo Sở lên Bộ, đưa cán bộ cấp phòng ở huyện lên làm lãnh đạo Sở, đưa cán bộ Sở xuống huyện làm công tác chuyển đổi số.

Tiếp đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã đề xuất với Bộ Thông tin Truyền thông và Thường trực Tỉnh ủy cho phép điều chỉnh tên gọi của các phòng chuyên môn trực thuộc Sở để phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số, phân bố các nhiệm vụ, cơ cấu lại chức năng của các phòng. Ví như, Phòng Công nghệ thông tin trước đây được đổi thành Phòng Công nghệ và chính quyền số, Phòng Bưu chính Viễn thông đổi thành Phòng Hạ tầng và chuyển đổi số, Phòng Báo chí Xuất bản đổi thành Phòng Báo chí và xã hội số, Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông thành Trung tâm Chuyển đổi số…

Sau khi tiến hành các bước chuẩn bị nhân sự, ban hành chính sách về chuyển đổi số, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể phải quán triệt và nghiêm túc thay đổi nhận thức về công tác chuyển đổi số. Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải “rốt ráo” thực hiện tử việc nhỏ đến việc lớn liên quan đến chuyển đổi số như: Các cuộc họp được cung cấp bằng file mềm, tài liệu được quét mã QR, tổ chức các cuộc họp không có tài liệu giấy, họp trực tuyến… 

Tỉnh Yên Bái phối hợp với tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tổ chức hội thảo chuyển đổi số.

Tỉnh Yên Bái phối hợp với tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tổ chức hội thảo chuyển đổi số.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho các lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở.  Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội thi truyền thông về chuyển đổi số đến 100% cấp huyện.

Bên cạnh đó, Yên Bái đã triển khai thí điểm sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai tổng số: 1.292/2.910 (tương đương 44,4%) chi bộ, trong đó có 1.193 chi bộ trực thuộc, 99 chi bộ cơ sở; số tài khoản đã tạo là 28.239/50.772 (tương đương 55,6%) đảng viên tại 6 tổ chức đảng. Với cách làm khoa học, bài bản việc thí điểm nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử" được các đảng viên đón nhận và thực hiện thành công.

Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập Trung tâm Chuyển đổi số thể hiện quyết tâm trong hành trình chuyển đổi số. Năm 2022, Trung tâm Chuyển đổi số đã phát huy vai trò là đơn vị nòng cốt phục vụ chuyển đổi số của tỉnh; đã tư vấn, đào tạo kỹ năng số, triển khai nhiều giải pháp công nghệ số hiệu quả, kịp thời chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị và địa phương: Hệ thống phần mềm quản lý họp không giấy tờ, giúp tối ưu thời gian, hiệu quả trong việc tổ chức, điều hành các cuộc họp; phần mềm quản lý nhiệm vụ và đánh giá cán bộ đã giúp cho việc tối ưu quy trình giải quyết, theo dõi nhiệm vụ, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; nền tảng quản lý, theo dõi đánh giá hoạt động của tổ Chuyển đổi số cộng đồng đáp ứng được việc theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Với những cách làm và những bước triển khai phù hợp, các hoạt động này đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và rộng khắp. Khái niệm, tinh thần chuyển đổi số đã được truyền tải đến 100% các sở, ban, ngành của tỉnh, 9/9 huyện, thành phố, 173/173 xã, phường thị trấn và trong toàn thể đời sống xã hội của nhân dân, để từ đó, chính sách chuyển đổi số đi vào đời sống và phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Đánh giá về những kết quả mà tỉnh Yên Bái đã đạt được trong chuyển đổi số thời gian qua, đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng: “Chính vì chuẩn bị tốt nhân sự và ban hành chính sách kịp thời mà công tác này trong thời gian qua là rất cơ bản và mở ra những kỳ vọng mới cho nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Năm 2023, tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu “Trọng tâm bứt phá trong chuyển đổi số” theo đặc trưng riêng của tỉnh Yên Bái "Chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn", phấn đấu tăng 5 bậc xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, tốp 5 về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong chấm điểm cải cách hành chính quốc gia, hoàn thành chuyển đổi số toàn diện trên cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. 

“Nếu như năm 2022, tỉnh Yên Bái xác định là năm ‘tổng tiến công’ thì năm 2023 là năm ‘bứt phá’ về chuyển đổi số với những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, chuyển đổi số tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật đáng khích lệ như: 

Một là, sự thay đổi về nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ công chức, viên chức về chuyển đổi số (100% các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số); thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, thôn, tổ dân phố; thành lập Câu lạc bộ chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; tổ chức các chương trình, hội nghị về chuyển đổi số và sẵn sàng đưa vào thử nghiệm, ứng dụng những công nghệ số, nền tảng số mới. 

Hai là, người dân Yên Bái đã dần thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Người dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động phát triển mạnh (như: Giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa …). 

Ba là, các mô hình triển khai thí điểm chuyển đổi số đã đạt những kết quả và sẵn sàng áp dụng để nhân rộng trên toàn tỉnh. Tại các địa phương đã linh hoạt triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số với nhiều cách làm hay, sáng tạo (điển hình là huyện Văn Yên công nhận gần 9.000 người dân là công dân số, mô hình, mô hình “Ngày thứ 5 trực tuyến” của thành phố Yên Bái, thí điểm gán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè Shan Tuyết tại xã Suối Giàng…).

Có thể nói, chuyển đổi số ở Yên Bái đã và đang trở thành “phong trào” thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực; là một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, với những kết quả bước đầu khá tích cực và đáng khích lệ trên cả các mặt chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Trong đó, việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và mục tiêu phục vụ. Kinh tế số bước đầu được hình thành và ngày càng phát triển. Yên Bái đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về số lượng tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart (đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử). 

Bài học thành công của tỉnh Yên Bái cho thấy tỉnh miền núi khó khăn vẫn làm tốt chuyển đổi số. Mấu chốt là tư duy và quyết tâm chính trị của những người lãnh đạo./.

QÚY TRỌNG- THỪA XUÂN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất