Đầu năm học 2022 - 2023 toàn quốc có 14.668 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (gồm 12.381 trường tiểu học, 2.104 trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở, 183 trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông, 55 trường quốc tế, 161 trường trực thuộc Sở; 14.297 trường công lập, 370 trường tư thục) (giảm 78 cơ sở giáo dục so với năm học 2021 - 2022) với 15.517 điểm trường (giảm so với 635 điểm trường); tỷ lệ bình quân 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ điểm trường/cơ sở giáo dục tiểu học là 1,07, trong đó nhiều cơ sở giáo dục tiểu học có từ 3 đến 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng, khu vực miền núi).
Trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo quy định của Bộ GDĐT, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học. Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 70%; phòng học bán kiên cố đạt 28,2%; phòng học tạm, mượn chiếm1,8%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 1.509 phòng; về cơ bản giữ ổn định so với năm học trước.
Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Năm học vừa qua, toàn quốc có tổng số học sinh tiểu học là 9.232.716 (tăng 476.095 học sinh so với năm học trước); tổng số lớp là 287.415 (tăng 4.447 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 32, ổn định so với năm học trước. Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế số học sinh tăng nhưng các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định tại Điều lệ trường tiểu học. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.
Các địa phương đã làm tốt công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi, đầu năm học 2022-2023 đã đạt tỉ lệ này là 1.786.889/1.792.613 (đạt 99,7%). Việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, do đó số học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học là 105.734, chiếm tỉ lệ 1,19% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã phối hợp, chỉ đạo từng cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, hoàn cảnh mỗi gia đình, tâm sinh lý mỗi học sinh để tham mưu, thực hiện các giải pháp nhằm đưa các em ngoài nhà trường quay trở lại lớp và giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học sau hè, năm học vừa qua, số lượng học sinh tiểu học bỏ học chiếm tỉ lệ 0,05%.
Về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học: Các địa phương đã không ngừng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hướng đến đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng theo chuẩn.
Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy học học tích cực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3; tạo điều kiện để tất cả giáo viên, cán bộ quản lý (bao gồm các trường công lập và tư thục) được tham gia các đợt tập huấn năng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước bối cảnh đổi mới giáo dục tiểu học.
Các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo; mỗi thầy giáo, cô giáo thực sự là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường thực hiện giảm áp lực sổ sách không cần thiết cho giáo viên.
Năm học 2022, toàn quốc có 404.799 giáo viên tiểu học tăng so với năm học trước là 3.753 giáo viên, tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41. Nhìn chung, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Các địa phương tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên trong đó chú trọng đến giáo viên các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn Tiếng Anh, Tin học.
|
Các Sở GDĐT đã chỉ đạo phòng GDĐT các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất các nhà trường, trên cơ sở đó tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định của Bộ GDĐT(1).
Các Sở GDĐT đã chỉ đạo rà soát nhu cầu, đăng ký và triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3; mua sắm thiết bị dạy học hiện đại, phòng học thông minh trang bị cho phòng học lớp 3 theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, ngân sách địa phương và từ nguồn xã hội hóa, nhiều trường đã được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại như: ti vi thông minh, máy chiếu, bảng thông minh,… để triển khai các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều trường đã huy động các nguồn lực mua sắm thiết bị dạy học cho các phòng học để tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp như là giải pháp tương hỗ khi các điều kiện dạy học trực tiếp gặp khó khăn. Đồng thời, kế thừa những thiết bị dạy học này để vận dụng vào quá trình tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của từng địa phương, nhà trường trong năm học.
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tại địa phương thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội trong quá trình phát triển giáo dục tại địa phương.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo các chuyên đề về các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, lựa chọn SGK, phổ cập giáo dục... đối với cấp tiểu học tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Quảng Trị, Quảng Nam,.... Kết quả cho thấy công tác triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học tại địa phương diễn ra nghiêm túc, đạt chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như:
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới ở cấp tiểu học.
Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường(2). Một số địa phương thực hiện việc dồn dịch trường, điểm trường chưa thực sự hợp lý nên sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn, tình trạng dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, quy mô một số trường có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt quá quy định; một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng SGK, trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương còn gặp nhiều khó khăn...
Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Để thực hiện tốt 12 nhiệm vụ trọng tâm trên, trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 bảo đảm an toàn trường học và chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học.
Hai là, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT,ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) đối với lớp 5; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương; tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ năm học.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 trong năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 5 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phấn đấu bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và hướng đến thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Năm là, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Trần Thị Ái
Nguyễn Thanh Hà
Ban Tuyên giáo Trung ương
(1) Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông; Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 04/3/2019 ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; Thông tư số 43/2020/TT-BGDĐT ngày 03/11/2020 ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2.
(2) Nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn khá lớn, để đáp ứng cần đầu tư: Bổ sung khoảng 16.400 phòng học cấp tiểu học để bảo đảm 1 lớp/phòng; bổ sung khoảng 100.000 phòng học bộ môn; kiên cố hóa khoảng 90.000 phòng học; khoảng 176.456 bộ thiết bị dạy học tối thiểu tiểu học.