Chủ Nhật, 28/4/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 8/9/2023 14:51'(GMT+7)

10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nền giáo dục Lai Châu đã có những bước tiến vững chắc

Trường Tiểu học số 1 (thành phố Lai Châu) nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong ảnh: Học sinh kiểm tra chất lượng cuối học kỳ. (Ảnh: Báo Lai Châu)

Trường Tiểu học số 1 (thành phố Lai Châu) nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong ảnh: Học sinh kiểm tra chất lượng cuối học kỳ. (Ảnh: Báo Lai Châu)

Xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển của tỉnh. Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về“đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 26/12/2014 về thực hiện Nghị quyết số 29 với mục tiêu“Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân”… Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa Nghị quyết sát hợp với thực tiễn địa phương để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện.

Từ thực trạng của tỉnh với 75 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và việc học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở xa trường, có nguy cơ nghỉ học dẫn đến tỷ lệ chuyên cần giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020”, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND, ngày 10/12/2018 quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các xã vùng II không được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Cơ sở vất chất trang thiết bị cho các trường được đầu tư đồng bộ. Quy mô trường lớp được sắp xếp, quy hoạch, xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống các trường mầm non, phổ thông cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 7.201 phòng học, tăng 817 phòng; tỷ lệ kiên cố đạt 76% tăng 18,6% so với năm 2013; có 194 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 58,43%; 73,1% trường được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; tỉnh đã duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đảm bảo, chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt, giảm nhanh sự chênh lệch khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 99,9%, THCS 94,3%, THPT 54%.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc bổ sung, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ, giáo viên. Các chế độ thu hút, đãi ngộ cho giáo viên, giảng viên được quan tâm. Qua đó đã hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện có 11.627 người (cán bộ quản lý 934, giáo viên 8.726, nhân viên 1.967). Công tác xây dựng đảng và phát triển đảng viên trong các cơ sở giáo dục được chú trọng. 341/341 trường học có chi bộ (tăng 75,7% so với năm 2013); có 6.632/11.627 cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên (đạt 57%, tăng 37,4% so với năm 2013), trong đó đội ngũ nhà giáo là đảng viên 5.964/9.660 đạt 61,7%, tăng 37,4%. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng trước khi triển khai thực hiện các chương trình giáo dục.

Các nhà trường đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Quan tâm giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức trách nhiệm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Sử dụng hiệu quả bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống” dành cho học sinh phổ thông trong các hoạt động dạy, học theo hướng tích hợp trong môn đạo đức cấp Tiểu học, môn giáo dục công dân cấp Trung học cơ sở và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với đặc điểm của đơn vị.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa và phương pháp giáo dục mới theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh, đảm bảo hài hòa đức - trí - thể - mỹ. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học; đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập. Chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học dành cho học sinh.

Việc dạy ngoại ngữ, tin học được triển khai theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, đảm bảo năng lực sử dụng của người học. Tiếp tục triển khai Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”, tập trung xây dựng nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chú trọng rèn kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, nhất là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, kỹ năng sử dụng tin học cơ bản. Quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, tin học về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Số lượng, chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học từng bước được nâng lên.

Việc hình thành hệ thống các trường chuyên nghiệp đã góp phần giải quyết được thực trạng thiếu nguồn nhân lực tại chỗ những năm đầu sau chia tách và thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở. Các trường đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Giai đoạn 2013 - 2022, toàn tỉnh đã đào tạo cho 64.708 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp 3.729 người; đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 60.979 người. Tỷ lệ  học sinh tốt nghiệp THCS, THPT hai hệ vào học nghề đạt 100%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36,4% (năm 2013) lên 55,97% (năm 2022). Trong đó có trên 80% số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Từ năm 2013 đến tháng 4/2023, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 99 đơn vị sự nghiệp giáo dục. Sau sắp xếp có 341 đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 332 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo và 9 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 100% xã, phường, thị trấn đều có các trường mầm non, tiểu học, THCS; mỗi huyện có từ 2 đến 4 trường THPT. Sáp nhập 3 đơn vị trường (Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú, Trung cấp Y tế và Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu) thành Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và Nhân dân về giáo dục đã được nâng lên. Giáo dục - Đào tạo đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh và mỗi địa phương. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết được cụ thể hóa và triển khai tích cực, 11/11 chỉ tiêu được xác định theo Chương trình hành động số 69-CTr/TU đều đạt và vượt, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nguồn lực tài chính cho giáo dục và đào tạo được đảm bảo và tăng lên hàng năm; các nguồn lực xã hội đã được huy động và phát huy hiệu quả tốt. Có 101.416 gia đình học tập; 1.602 dòng họ học tập; tôn vinh, khen thưởng 308 gia đình học tập, 209 dòng họ học tập, 153 cộng đồng học tập, 157 đơn vị học tập tiêu biểu…

Qua triển khai thực hiện đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, giúp huy động tối đa học sinh đến lớp, huy động được các lực lượng tham gia vào việc xây dựng trường học theo hướng đạt chuẩn, giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ những hạn chế. Nhận thức một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ quản lý, giáo viên về Nghị quyết chưa sâu sắc nên thiếu chủ động, tích cực trong thực hiện. Nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên gặp khó khăn, đặc biệt đối với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Chất lượng giáo dục tuy được nâng lên song còn thấp so với khu vực và cả nước; việc giáo dục kỹ năng cho học sinh hiệu quả chưa cao. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa làm tốt công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng đào tạo ở một số nghề chưa cao; nội dung, hình thức đào tạo chưa phong phú, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở một số địa phương, ngành nghề trong tỉnh.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và để giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng con người Lai Châu phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thời gian tới, Lai Châu tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế và thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 29-NQ/TW với những giải pháp trọng tâm sau:

 Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng các nội dung cốt lõi của Nghị quyết và chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy các cấp thực hiện Nghị quyết. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ được mục tiêu, những nhiệm vụ cơ bản và trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 69-CTr/TU của Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh về giáo dục và đào tạo...

Hai là, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc dạy và học; vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đạt chuẩn, đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn. Đầu tư hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Hình thành môi trường giáo dục, môi trường học tập rộng khắp; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Ba là, huy động tối đa các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho giáo dục. Tạo thành nếp nghĩ thường xuyên: “sự nghiệp giáo dục là của toàn dân”, “chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của mọi lực lượng, tầng lớp trong xã hội”. Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho giáo dục, cần huy động sức lực, trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý, những người tâm huyết, trách nhiệm để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hình thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. (Ảnh: Báo Lai Châu)

Các đồng chí: Lê Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu, Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. (Ảnh: Báo Lai Châu)

Bốn là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định rõ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu ngành giáo dục, của từng cơ sở giáo dục về chất lượng giáo dục. Thực hiện miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Năm là, tiếp tục quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Khen thưởng, động viên khích lệ kịp thời những mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua góp phần lan tỏa ngày càng sâu rộng trong xã hội.

Thành tựu đạt được sau 20 năm chia tách, thành lập là rất tự hào, song giáo dục và đào tạo Lai Châu còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Để giáo dục và đào tạo Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, góp phần tạo nguồn lực cho sự nghiệp phát triển của tỉnh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc phải hiểu rõ trách nhiệm, chung tay, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp và cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra góp phần xây dựng Lai Châu ngày càng phát triển./.

Lê Đức Dục
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu

 

          

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất