Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 9/12/2008 21:45'(GMT+7)

Bài 3: Sức sống của tổ hợp tác tự phát

Nước ta đã có một thời kỳ dài áp dụng mô hình HTX kiểu cũ, trong điều kiện kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Tiếp đó, các HTX theo quy định của Luật HTX năm 1996 và 2003 chưa thoát khỏi tư duy cũ, lại bị lẫn với mô hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nhận thức về bản chất và địa vị pháp lý của HTX chưa đúng và chưa thống nhất là nguyên nhân của mọi nguyên dẫn đến tổ chức này không thể đáp ứng được sự kỳ vọng và trông đợi của người nông dân.

Trong khi đó, ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt ở ĐBSCL đã tồn tại từ lâu một loại hình kinh tế hợp tác gần gũi với mô hình HTX hiện đại và rất thành công ở các nước phát triển. Đó là các tổ hợp tác (THT). 

Ăn nên làm ra từ khi có tổ hợp tác

Trong bộ quần áo bà ba với tóc búi tó sau gáy, người đàn ông thấp nhỏ Trần Hoàng Minh (Tổ trưởng THT sản xuất lúa giống Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đang cùng các tổ viên “lướt” web, đọc thông tin của đơn đặt hàng từ tỉnh Kiên Giang, với số lượng lên tới hàng chục tấn lúa giống. Tuy nhiên, vì sản phẩm của tổ đều đã được đặt mua hết, nên yêu cầu này chỉ được xếp ở chế độ “chờ”.

Năm 2004, khi nông dân ĐBSCL bỏ thói quen lấy lúa thịt làm lúa giống, nguồn lúa giống chất lượng và sạch bệnh trong vùng trở nên thiếu trầm trọng. Với ý tưởng khai thác hiệu quả quỹ đất sản xuất hiện có, bằng việc tạo ra sản phẩm có giá trị cao, phù hợp với yêu cầu thị trường, 3 nông dân Trần Hoàng Minh, Võ Ngọc Bé và Lê Văn Hiền đã hợp tác với nhau sản xuất lúa giống. Chỉ sau 1 vụ, nhóm làm giống đã tăng lên 15 người. Khi đó, THT sản xuất lúa giống chất lượng cao Vĩnh Trạch được thành lập, có đăng ký với UBND xã này. Tổ quy định tạm thời không hợp tác về vốn. Mỗi thành viên sản xuất bằng vốn của mình. Tư liệu sản xuất thuộc sở hữu từng hộ.

Vậy vào THT, nông dân được lợi gì?

Hiện tại, cả tổ có 6 máy cày, 2 máy cấy và 4 lò sấy. Những nông cụ này được ưu tiên phục vụ trong nội bộ tổ, với giá rẻ hơn hẳn so với thuê mướn ở ngoài tới 15%. Còn nếu phục vụ ra ngoài tổ, giá sẽ theo cơ chế thị trường. Theo Tổ trưởng Trần Hoàng Minh, như vậy không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho tổ viên mà còn phát huy tinh thần tương thân tương ái thông qua giúp đỡ lẫn nhau trong phạm vi của tổ: “Chiếc máy tổ viên bỏ tiền ra mua nhưng làm cho tổ. Như vậy, bản thân người có máy cũng có lợi vì có diện tích làm ổn định, không bị ai cạnh tranh. Người không có máy cũng có lợi vì không phải đi thuê mướn ở ngoài, lại được giá rẻ hơn. Chiếc máy này cũng có thể phục vụ ở ngoài nữa, nhưng với giá cao hơn. Nghĩa là hai bên cùng có lợi. Có nhiều khi, một tổ viên thiếu giống thì các tổ viên sẽ bán cho nhau theo giá thoả thuận, rẻ hơn ở ngoài rất nhiều, nhiều khi bán chịu hoặc cho mượn.”

Anh Lê Văn Hiền, một tổ viên cho biết, thông qua THT, các thành viên tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất nhờ tổ chức cùng mua các yếu tố đầu vào sản xuất, cùng vận chuyển và bán sản phẩm,vv… Đơn cử như việc mua giống lúa nguyên chủng và siêu nguyên chủng, tất cả các thành viên trong tổ đều mua được từ các nhà cung cấp uy tín, với chất lượng đảm bảo và đặc biệt chỉ với giá bán buôn: “Hàng năm, các viện, trường và các trại giống cung cấp cho tổ những giống mới, giống đầu nguồn, nguyên chủng. Sau đó, anh Tư Minh mới phân phát cho các tổ viên. Vì vậy, giá thành sản xuất rất thấp. Rồi qua báo đài, các trang web, vào mỗi mùa vụ, người ta sẽ gọi điện đến tổ giống qua anh Tư Minh để đặt hàng. Bên cạnh đó, các công ty, như các công ty phân bón đến thấy tổ làm ăn có hiệu quả, người ta sẽ mạnh dạn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho tổ viên với giá gốc của công ty, tới cuối mùa vụ mới thu tiền.”

Vào mùng 2 hàng tháng, các thành viên trong tổ họp bàn dân chủ các công việc đã qua cũng như phương hướng tới. Vì có đông thành viên, nên tổ có nhiều cụm. Khi họp, đại diện các cụm thông báo tình hình sản xuất, về sâu hại, dịch bệnh; tổng hợp các ý kiến trong cụm và của khách hàng. Cuối mỗi vụ sẽ có những buổi họp phân tích mô hình làm ăn chưa hiệu quả và mô hình hiệu quả nhất. Các hộ làm giỏi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, giúp các thành viên khác học tập. Nhiều tổ viên đã thành thục kỹ thuật về trồng và chăm bón lúa giống nhờ các buổi học này.

Để trở thành thành viên của tổ, các tổ viên phải qua lớp đào tạo về chọn tạo giống. Trong quá trình sản xuất, tổ viên còn được trau dồi thêm kỹ thuật qua các buổi họp rút kinh nghiệm. Mặt khác, để giữ uy tín sản phẩm của tổ, tổ quy định rất khoát không được bán ra thị trường những sản phẩm không đạt chất lượng. Việc thăm đồng thường xuyên giữa các thành viên trong tổ giúp đảm bảo yêu cầu này. Chính vì vậy, từ hơn 63 hec-ta của các thành viên, hàng năm, tổ sản xuất lúa giống Vĩnh Trạch bán ra hơn 1.000 tấn lúa giống, với chất lượng đồng đều như nhau.

Nhờ vậy, sản phẩm của các hộ gia đình đã tránh được sự cạnh tranh không cần thiết. Vị thế của người nông dân trong giao dịch buôn bán cũng được nâng lên, giúp bảo vệ được lợi ích kinh tế khi tham gia thị trường. Tổ trưởng Trần Hoàng Minh, cho biết, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang vừa đặt vấn đề với tổ thu mua toàn bộ lúa giống của tổ sản xuất ra, với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua là 670 đồng/kg; Công ty cho vay 1 triệu 500 nghìn đồng/1 ha không tính lãi; Thuốc bảo vệ thực vật được công ty cung ứng theo giá gốc. Thế mà các thành viên trong tổ vẫn chưa đồng ý, vì khi hạch toán lại, lợi nhuận của tổ viên không được bằng trước.

Đến nay, số thành viên của THT sản xuất lúa giống Vĩnh Trạch đã tăng lên 36. Vào tổ, các hộ gia đình đều thấy có lợi hơn so với làm ăn riêng lẻ. Với doanh số của tổ trên 7 tỷ/năm, bình quân một ha cho lãi từ 30 đến 35 triệu đồng, cao hơn hẳn so với các hộ ở ngoài tổ, với mức lãi bình quân 15-20 triệu đồng/ha.

Mặt khác, trên tình thần hợp tác, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm được nâng cao, ngày càng đoàn kết, giúp đỡ nhau hơn, góp phần phát triển cộng đồng dân cư.  

THT, xét về bản chất, chính là HTX!

THT, nhất là các đơn vị được UBND xã, phường, thị trấn chứng thực, có phương án sản xuất kinh doanh, có vốn góp, xét về bản chất, chính là HTX, bởi tinh thần hợp tác giữa các thành viên là có thực thông qua tổ chức tự nguyện, tự chủ. Trong 5 năm qua, mỗi năm cả nước có tới 30.000 THT như vậy được thành lập mới. Vùng ĐBSCL là nơi tập trung nhiều nhất các THT. Đặc biệt, có đến 83% số THT có tài sản, vốn góp chung của cả nước tập trung ở khu vùng này. Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hồ Xuân Hùng nhận xét: “Tôi rất ủng hộ mô hình THT ở ĐBSCL vì tính tự nguyện nhiều hơn, xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người dân. Tôi cũng tự hỏi rằng, chẳng nhẽ chúng ta lại trở lại từ THT để rồi xây dựng HTX ?”

THT - có thể coi là HTX tự phát, là điểm sáng của kinh tế tập thể, một nhân tố mới cho phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần tổng kết và rút ra các bài học kinh nghiệm để đưa THT và HTX kiểu mới thực sự là tổ chức kinh tế hiệu quả, của nông dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Ra đời từ gần 200 năm nay, HTX đã và đang tiếp tục phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển. Đây là tổ chức do nông dân các nước này sáng tạo ra. Chính phủ chỉ có vai trò thừa nhận và tôn trọng sự phát triển của hình thức hợp tác này. Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển HTX lên Chính phủ, TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thấy rằng, THT của Việt Nam đang tiến rất gần với lý luận và thực tiễn phát triển HTX trên thế giới.

“Theo ý kiến cá nhân tôi thì 2 tổ chức này (THT và HTX) là một. Chúng ta có thể dần dần sáp nhập 2 tổ chức này làm một về mặt khung pháp lý. Theo định nghĩa pháp lý được quy định trong Luật HTX 2003 và Luật Dân sự, chúng ta thấy hoàn toàn tương tự nhau. Bản chất là giống nhau. Nó chỉ khác nhau về chi tiết, ví dụ số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, hai là đối tượng công chức và pháp nhân có tham gia được hay không. Trong thực tiễn, nếu bản chất đạt được: người xã viên, thành viên khi tham gia tổ chức ấy là người góp vốn để trở thành chủ sở hữu; và họ sử dụng sản phẩm hay dịch vụ… thì THT và HTX là một. Nếu so với thế giới, thì THT đang rất gần với lý luận và thực tiễn phát triển HTX trên thế giới”

Tuy nhiên đến nay, THT vẫn chưa có tư cách pháp nhân, chưa được quy định về quyền hạn và nghĩa vụ trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần. Do địa vị pháp lý chưa thật rõ ràng, nên THT gặp nhiều khó khăn trong giao dịch kinh tế và hưởng thụ các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Hơn 20 năm trước, từ “khoán chui” ở Vĩnh Phú, Hải Phòng... đã dẫn đến sự ra đời của phương thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp (chỉ thị 100 của Ban bí thứ năm 1981), sau đó là “khoán 10”. Bài học lịch sử này cho thấy, muốn kinh tế HTX thực sự “sống” được, cần tổng kết thực tiễn hoạt động của các HTX và THT hiện nay, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của thế giới để sớm hoàn thiện mô hình tổ chức sản xuất này./.

Lê Phúc, Tuyết Yến, Minh Khánh, Hương Lan.(VOV)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất