Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 7/12/2008 17:51'(GMT+7)

Bài 2: Hợp tác xã đã thực là hợp tác xã?

Hợp tác trở thành một nhu cầu và đòi hỏi tất yếu không chỉ ở nước ta mà còn khá phổ biến ở các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Kinh tế hợp tác theo đúng nghĩa của nó vừa bảo đảm quyền của nông dân với đất đai, vừa giúp họ có thể hợp lực lại để mở rộng qui mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường.

Trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, kinh tế hợp tác, hay HTX là mô hình tổ chức sản xuất rất được ưu ái phát triển.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, các HTX lại đang có chiều hướng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thây rằng, phần lớn các HTX hiện nay chưa hoạt động đúng với bản chất thực của kinh tế hợp tác.  

Xã viên được lợi gì khi vào HTX?

Trụ sở HTX nông nghiệp Lê Lợi nằm đối diện với UBND xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Mười năm trước đây, HTX này được chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 1996 với quy mô toàn xã. Theo Luật HTX sửa đổi, bổ sung năm 2003, xã viên HTX còn lại 66 thành viên. Để trở thành xã viên HTX, mỗi xã viên góp vốn 500 ngàn đồng. Riêng ba cán bộ trong Ban quản trị, vốn góp là 28 triệu đồng/cổ phần. Các dịch vụ kinh doanh chính của đơn vị này là tưới tiêu nước, cung ứng vật tư nông nghiệp, cung ứng giống cây trồng.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ nhiệm HTX cho biết, về các phương án sản xuất kinh doanh, Ban Quản trị HTX phải xin ý kiến Đảng uỷ, UBND xã. Được sự đồng ý của các cơ quan này, HTX mới huy động vốn, tìm nguồn hàng về bán cho bà con trong xã. Vấn đề đặt ra là, tại sao phương án sản xuất kinh doanh của HTX lại không được quyết định bởi chính các xã viên, những người chủ của HTX, mà lại phải xin ý kiến của Đảng uỷ và UBND? Ông Sơn giải thích: “Các hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX do Ban Quản trị quyết định là chính, sau đó đưa ra thống nhất thôi chứ còn 66 xã viên đóng góp có 500 ngàn đồng, mới được hơn 30 triệu thì ăn thua gì. Cái gì cũng có sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban, chứ mình không tự ý làm được. Trong Luật HTX thì không quy định như vậy. Để quyết định 1 phương án sản xuất, 1 dịch vụ nào đấy, về tổng thể, đông người sẽ khó quyết hơn. Khi lên giá hay xuống giá, bàn sẽ rất lâu, mất cơ hội. Vì vậy, xã viên HTX đã giao toàn quyền cho Ban Quản trị!”

Vậy xã viên HTX được lợi gì khi vào HTX? Đóng góp cổ phần 500 nghìn đồng, xã viên HTX chỉ khác những người không phải xã viên là được trả lợi tức 50 nghìn đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Bảy, một xã viên HTX này cho biết: “Đối với chúng tôi, là thành viên của HTX thì cũng không hơn gì người ngoài. Mua vật tư của HTX, giá cũng thế mà người ngoài mua cũng thế, như nhau. Mà chất lượng cũng không biết thế nào. Ví dụ, như cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp đang bị dân rất kêu vì phân giả, thuốc giả. HTX cũng phải lấy qua các công ty. Họ đưa thuốc về thì mình cũng chỉ biết lấy từ đó chứ cũng không biết đấy có phải là sản phẩm uy tín chất lượng hay không.” 

HTX chuyển đổi: chưa phải là HTX người nông dân mong đợi
Từ khi hoạt động theo Luật HTX năm 2003, năm nào, kết quả kinh doanh dịch vụ của HTX Lê Lợi cũng đạt lợi nhuận bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm, có năm đạt gần 190 triệu. Một nửa lợi nhuận này được chia cho các khoản như: Quỹ phát triển sản xuất, Quỹ khen thưởng, Quỹ dự phòng thiên tai và Quỹ phúc lợi. Phần còn lại mới chia theo tỷ lệ vốn góp! Cán bộ chủ chốt của HTX Lê Lợi vừa là người nắm cổ phần chi phối vừa nắm những vị trí lãnh đạo quan trọng trong xã. Phải chăng HTX này là đơn vị làm kinh tế của chính quyền xã?

Trong những năm qua, HTX Lê Lợi đã đạt được 4 giấy khen của huyện, 1 bằng khen của tỉnh, 2 bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam vì đã có thành tích suất sắc trong sản xuất nông nghiệp. Năm vừa qua, đơn vị này còn được chọn là đơn vị dẫn đầu khối Liên minh HTX tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, với cách thức hoạt động như vừa nêu, thì HTX nông nghiệp Lê Lợi lại không phải là hợp tác xã! Thực chất đây là tổ chức giống như doanh nghiệp, hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Theo Liên minh HTX quốc tế và Tổ chức Lao động Quốc tế , HTX là hiệp hội tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ.

Phương án sản xuất kinh doanh của HTX là phương án tổ chức hoạt động để đáp ứng nhu cầu chung của xã viên, được tất cả xã viên HTX bàn bạc dân chủ và đưa vào Điều lệ HTX. HTX hoạt động vì lợi ích xã viên. HTX giúp họ tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ của mình. Bản chất của HTX là: Xã viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX.

Theo kinh nghiệm quốc tế, điều quyết định thành bại của HTX là xác định rõ nhu cầu chung của xã viên. Sau đó, xã viên phải góp vốn vào để thực hiện phương án kinh doanh để thoả mãn được nhu cầu chung đó. Việc góp vốn vào HTX là bắt buộc đối với mọi xã viên.

Chúng ta hãy lấy những nguyên tắc cơ bản trên soi thử vào các HTX hiện nay ở Việt Nam.

Đến cuối năm 2006, cả nước có hơn 8.400 HTX nông nghiệp, trong đó có tới gần 6.300 đơn vị đã chuyển đổi; còn lại là các HTX thành lập mới.

Có một thực tế đáng buồn là các HTX chuyển đổi không phải là các tổ chức tự nguyện của các hộ kinh tế cá thể, mà là sản phẩm của các quyết định hành chính. Theo Bộ NN và PTNT, tham gia vào HTX chuyển đổi, phần lớn là xã viên của HTX cũ chuyển sang, không có đơn và vốn góp mới! Vốn từ tài sản cũ chuyển sang HTX mới được chia thành vốn góp của xã viên, chiếm tới 95% tổng vốn.

Còn theo Liên minh HTX Việt Nam, trên 90% các HTX này chủ yếu do các cấp uỷ, chính quyền cơ sở chỉ đạo, bố trí cán bộ, sắp xếp tổ chức! Nguyên tắc: “HTX là các tổ chức tự chủ, tự giúp đỡ, độc lập, được kiểm soát bởi các thành viên” đã bị phá vỡ! Xã viên, vì vậy, trở thành KHÁCH chứ không phải là người CHỦ của HTX!

TS. Chu Tiến Quang, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích: “Hiện nay, các ban quản trị chưa xuất phát từ tâm nguyện, ý chí của xã viên để quyết định hoạt động kinh doanh. Mặt khác, bản thân các thành viên trong ban quản trị được chỉ định vào vị trí đó theo con đường mang tính hành chính, nên anh ta lệ thuộc vào áp lực bên ngoài hơn là áp lực từ phía xã viên. Anh ta lo làm sao cân bằng áp lực đó hơn là chăm lo đến việc làm sao thúc đẩy kinh tế của các xã viên, làm sao tối đa hoá lợi ích kinh tế của xã viên. Tâm lý chung của các chủ nhiệm HTX là làm chủ nhiệm không phải để phát triển HTX mà để tạo ra một cái thành tích nào đó rồi từ đó làm cán bộ cho chính quyền xã. Hậu quả là xã viên không phải là chủ.”

Mặt khác, dịch vụ HTX cung cấp cho xã viên chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 0,24% tổng giá trị sản xuất của HTX. Điều này cho thấy, HTX chưa thoả mãn được nguyên tắc rất quan trọng về cung cấp dịch vụ cho xã viên. Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, HTX chuyển đổi không phải là HTX mà người nông dân mong đợi: “Những HTX ấy không đáp ứng được đúng nhu cầu của người nông dân. Tên là HTX đấy. Nhưng nó không phải là HTX, một là nông dân mong đợi, hai là, của yêu cầu trong cuộc sống trong giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hoá và toàn cầu hoá quyết liệt này”.

Còn Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng: “Quá trình chuyển đổi vừa rồi, từ HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới, cơ bản cả nước đã xong. Nhưng chỉ xong về hình thức chuyển đổi, xong về đăng ký hoạt động kinh doanh. Còn cái “không xong” là nội dung bên trong. Các HTX từ miền Trung đến đồng bằng sông Hồng là những “nặng nợ”, chưa xử lý xong. Hãy đừng tính rằng, cứ tăng bao nhiêu HTX là tốt. Như vậy là nặng về chủ nghĩa thành tích! Điều đó chúng ta cần phải sửa”. 

HTX thành lập mới – chưa đúng bản chất HTX

HTX là các tổ chức tự nguyện và mở với mọi thành viên mong muốn sử dụng dịch vụ của HTX. Tuy nhiên, các HTX thành lập mới, chưa thực sự “mở” cho đông đảo thành viên tham gia, thậm chí có HTX hạn chế tham gia thành viên mới. Thực tế cũng cho thấy xã viên hầu như không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX loại này. Đặc biệt, mức vốn góp sẽ quyết định quyền quản lý HTX của xã viên. Như vậy, loại HTX này lại gần giống với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vì đối với doanh nghiệp cổ phần, quyền biểu quyết sẽ dựa trên tỷ lệ vốn góp, trong khi đó, đối với HTX, quyền biểu quyết là bình đẳng, mỗi xã viên một phiếu.

Khi hướng vào phục vụ thị trường là chủ yếu, chứ không phải là xã viên HTX, các HTX này có biểu hiện xa rời mục tiêu tương trợ cộng đồng, chạy theo mục tiêu kinh doanh đơn thuần nên chưa phát huy được bản chất và lợi thế của HTX. Do vậy, TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, mô hình HTX thành lập mới theo Luật HTX năm 1996 và 2003 đều không thích hợp cho phát triển nông nghiệp-nông thôn: “Đây là loại hình HTX của người lao động. Tức là, một người rất khó tạo ra việc làm thì hợp tác với những người khác để tạo ra một tổ chức kinh tế để tạo ra việc làm và thu nhập. Đây là mô hình HTX theo Luật HTX năm 1996 và 2003. Theo tôi loại này không thích hợp cho nông nghiệp. Bởi HTX nông nghiệp mà đối tượng tham gia là nông dân với số lượng rất lớn; những nông dân này, với những hoạt động kinh tế riêng của mình, không thể vừa là người lao động vừa là người góp vốn trong HTX được”.

Rõ ràng, mô hình HTX hiện nay ở nước ta chưa thể hiện rõ bản sắc riêng khác hẳn với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp và cũng lại chưa thoát hẳn cái bóng của HTX kiểu cũ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lao động thường xuyên trong HTX chỉ chiếm 5% tổng lao động nông, lâm, ngư nghiệp. Quy mô vốn, doanh thu bình quân của 1 HTX chỉ bằng 4% một doanh nghiệp nông, lâm, thuỷ sản. Các hoạt động của HTX rất nghèo nàn, phần lớn là dịch vụ thuỷ lợi, cung cấp điện, khuyến nông. Chính vì thế, HTX chưa thực sự lôi cuốn xã viên và trở thành phong trào sâu rộng ở nông thôn, với già nửa số HTX ở mức trung bình và yếu.

Trong khi các HTX hoạt động theo Luật HTX hoạt động èo uột thì từ nhu cầu thực tế, người nông dân lại tự phát thành lập những tổ hợp tác hoạt động rất hiểu quả, gợi mở những hướng đổi mới các HTX hiện nay cho phù hợp hơn với đời sống. Đây là vấn đề sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo: “Sức sống của tổ hợp tác tự phát”./.

Lê Phúc, Tuyết Yến, Minh Khánh, Hương Lan (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất