Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 13/4/2009 7:43'(GMT+7)

Bài học về bảo vệ, quảng bá thương hiệu

Tại Hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa ở An Giang vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng đề án sản xuất và tiêu thụ cá basa, đưa cá basa trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Đây là một định hướng đúng đắn góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, song song với việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến và xuất khẩu basa cần chú ý bảo vệ thương hiệu cho loài cá này.

Điển hình là vụ “thông tin sai về cá basa Việt Nam” trên một số tờ báo của Ai Cập vừa qua. Liên tiếp trong 2 tuần (từ ngày 16 đến 28/3), báo chí Ai Cập đăng các thông tin cho rằng, cá basa Việt Nam sống trong môi trường nước ô nhiễm, sản phẩm cá basa có dư lượng chất kháng sinh có thể gây hại cho người tiêu dùng...

Các bài báo này đăng tải trên tờ báo chính thống Kim Tự Tháp bằng tiếng Ả rập, tờ Công báo Ai Cập bằng tiếng Anh và một số trang điện tử của Ai Cập. Thực hư chưa rõ, nhưng khiến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Ai Cập hoang mang, lo lắng. Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội quyết định tạm đình chỉ nhập khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam vì lo ngại mặt hàng này ảnh hưởng tới người tiêu dùng…

Tại sao lại có những thông tin sai về sản phẩm cá basa của Việt Nam? Có rất nhiều lời giải thích. Người cho rằng, đó là do các doanh nghiệp nhập khẩu cá basa của Ai Cập cạnh tranh và tung tin thất thiệt. Có người nói rằng, do các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trông cá ở Ai Cập muốn người dân mua cá nội... Thông tin khác lại cho rằng do cá basa nhập khẩu đột nhiên giảm giá và bán thấp hơn cá nuôi trong nước gây nên sự nghi ngờ…

Nỗi lo lắng và nghi hoặc về cá basa chỉ được xua tan khi các cơ quan liên quan của Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương có Công hàm kèm theo các thống số kỹ thuật chứng minh cá basa an toàn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gửi Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội và các cơ quan liên quan phía bạn…

Ngay sau đó, Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội khôi phục việc cấp giấy chứng nhận nhập khẩu cá basa của Việt Nam vào Ai Cập sau 5 ngày tạm đình chỉ. Bộ Nông nghiệp và Khai hoang, Bộ Y tế, Cơ quan Thú y và kiểm dịch Ai Cập sau đó cũng khẳng định cá basa Việt Nam an toàn 100% trên báo chí Ai Cập. Cá basa của Việt Nam được minh oan sau 2 tuần “chìm nổi”.

Ai Cập đang được xem thị trường tiềm năng với hàng thuỷ sản Việt Nam, trong đó có cá basa. Chỉ mới thâm nhập thị trường Ai Cập 3 năm nay, từ lúc kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 4,5 triệu USD, đến năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cá basa của Việt Nam vào Ai Cập đạt 63 triệu USD.

Cùng với lượng tiêu thụ tăng, cá basa Việt Nam thực sự có thương hiệu tại thị trường Ai Cập và một số nước Trung Đông. “Basa” trở thành món ăn hàng ngày của người dân Ai Cập. Còn giờ đây!… Sau những thông tin tiêu cực về cá basa Việt Nam, dù phía Ai Cập đã cải chính nhưng người tiêu dùng Ai Cập và một số nước Trung Đông vẫn còn e ngại.

Anh Edat Tonba, nhân viên quản lý khu nghỉ dưỡng Sheraton Lux nói:“Tôi ăn cá basa 5 năm nay không làm sao. Cá basa sạch, giá rẻ, là một thực phẩm ngon. Nhưng tôi đọc trên báo thấy những thông tin không tốt về sản phẩm này nên tôi không ăn nữa. Để lấy lại hình ảnh cá basa, Việt Nam cần có những chứng chỉ quốc tế công nhận sản phẩm này an toàn và chất lượng đăng tải trên báo chí Ai Cập”.

 Ảnh hưởng rõ nhất là tại các chợ cá đầu mối và siêu thị lớn tại Ai Cập. Hình ảnh người dân tấp nập bên tủ cá basa đông lạnh không còn. Tại chợ cá đầu mối Ô-bua cách trung tâm thủ đô Cairo 40 km không thấy bày bán cá basa. Các ông chủ ở đây chỉ lấy cá basa từ kho đông lạnh khi có khách hỏi.

Ảm đạm hơn tại chợ cá Gida, các ông chủ ngày nào còn niềm nở giới thiệu cho khách về cá basa ngon, chất lượng, giá rẻ thì giờ cả ngày chỉ có vài người đến hỏi mua. Nếu như trước đây bán được từ 40 đến 50 kg cá basa thì bây giờ họ chỉ bán được 10kg mỗi ngày... Nhiều cửa hàng e dè nhập cá vì sợ khó tiêu thụ.

Thông tin “cá basa Việt Nam an toàn 100%” do chính các bộ ngành của Ai Cập khẳng định khiến người tiêu dùng lẫn nhà nhập khẩu Ai Cập vui mừng. Nhưng các nhà nhập khẩu vẫn muốn thông tin về cá basa tiếp tục được tuyên truyền trên báo chí Ai Cập để người tiêu dùng hết hoang mang.

Ông Aden Mohmet, Tổng Giám đốc công ty Dream- một trong số các công ty nhập khẩu cá basa của Việt Nam với số lượng lớn nói: “Chúng tôi đã yên tâm về sản phẩm cá basa. Tôi nhập mỗi tháng 14 container basa thịt trắng và đỏ. Tuy nhiên, số lượng người mua hiện đã giảm. Cần phải mất 2 hoặc 3 tháng nữa mức độ tiêu thụ mới trở lại như trước.

 Cũng theo ông Aden Mohmet, thông tin cải chính vừa qua rất ít, mới chỉ có ¼ trang báo. Chúng tôi muốn có cả một trang báo nói rõ về nguồn gốc, quy trình nuôi và sản xuất cá basa, cùng với việc khẳng định các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam an toàn và chất lượng từ các quan chức Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế Ai Cập. Tôi cũng muốn Đại sứ quán và Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đăng bài trên báo Kim Tự Tháp (Al Ahram) vào ngày thứ 6 quảng bá cá basa và các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam an toàn”.

Xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Ai Cập chỉ chiếm hơn 5% so với tổng kim ngạch của mặt hàng này. Nếu không xảy ra những thông tin sai trên báo chí Ai Cập vừa qua, năm nay, quy mô xuất khẩu thuỷ sản và cá basa của Việt Nam vào thị trường này hoàn toàn có thể tăng gấp đôi năm 2008, bởi Ai Cập là một thị trường đầy tiềm năng, với hơn 80 triệu dân.

Để thực hiện định hướng của Chính phủ “đưa cá basa trở thành mặt hàng xuất khẩu chính” cùng với việc mở rộng thị trường, các doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ ngành liên quan cần tăng cường thông tin quảng bá về cá basa, cung cấp những tin liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường, trên bao bì sản phẩm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần cung cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu Ai Cập những thông tin khoa học, khách quan về sản phẩm cá basa. Đừng để “đền được vạ thì má đã sưng”!/.

(Theo: VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất