Chủ Nhật, 10/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 11/4/2009 15:52'(GMT+7)

Doanh nghiệp tìm cách vượt “bão”

Thủy sản Việt Nam đã tìm lại được con đường vào thị trường Nga

Thủy sản Việt Nam đã tìm lại được con đường vào thị trường Nga

Nhờ tìm được cách dung hòa giữa giá và chất lượng hay những quyết sách đầu tư cho công nghệ một cách hợp lý, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể xúc tiến xuất khẩu, thậm chí còn mở trở lại những thị trường vốn rất khó tính. Đó là những tín hiệu tích cực trong bức tranh xuất khẩu hiện nay.

Chất lượng và giá

Sau 3 tháng “đóng cửa”, Nga - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam vừa chính thức mở cửa trở lại với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương, Trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra vào Nga, cho hay, Nga sẽ ký nhập 7.000 tấn cá tra. 10 doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia hợp đồng này. Ngoài ra, có 30 doanh nghiệp khác đủ điều kiện xuất khẩu sang Nga. Theo ông Minh, không chỉ cá tra, Nga cũng là thị trường lớn tiêu thụ tôm và các hàng thủy sản khô khác. Theo Bộ NNPTNT, năm 2008, cả nước xuất hơn 640.000 tấn cá tra thì riêng Nga đã chiếm 120.000 tấn. Vì vậy, mở cửa lại được thị trường này không chỉ đem về kim ngạch, niềm vui cho doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn cho hàng chục ngàn người nuôi cá tra (chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Song để “thông” được thị trường quan trọng này, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đã phải đầu tư rất nhiều vào khâu chất lượng. Điều này đòi hỏi nhận thức đúng đắn của mỗi doanh nghiệp. Bởi có những thời điểm có những doanh nghiệp, để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, đã áp dụng “hạ sách” đó là hạ giá bằng mọi cách mà bỏ qua yếu tố chất lượng. Kết quả là uy tín của hàng thủy sản Việt Nam giảm sút.

Thực tế, giá vẫn luôn là yếu tố quan trọng để có được các hợp đồng xuất khẩu hiện nay. Tuy nhiên, thay vì giảm chất lượng, các doanh nghiệp chọn giải pháp giảm chi phí, bớt lãi, cốt có công việc để duy trì sản xuất, nuôi công nhân. Để nối lại thị trường xuất khẩu đã bị sụt giảm 25% vào cuối năm 2008, Công ty cổ phần thực phẩm Thuận Phát đã chấp nhận giảm giá sản phẩm. Bà Trương Mai Anh, TGĐ công ty cho biết, nhờ phương án “lùi một bước” này mà công ty vừa ký được hợp đồng 60 container 40 feet (100.000 sản phẩm/container) vào Nga. Bên cạnh việc giảm giá thành sản phẩm như Thuận Phát, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang đã mở rộng  thị trường tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Phi. Theo ông Võ Phước Hưng, trợ lý tổng giám đốc công ty: “Sẽ có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm thay vì xuất hàng thô”.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nhờ những nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có sự phục hồi. Tháng 2, xuất khẩu cá tra đã tăng 25,8% về sản lượng và 28,4% về giá trị, đưa tổng giá trị kim ngach xuất khẩu 3 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 2,1% về lượng và 1,5% về giá trị.

Đặc biệt thị trường Mỹ, giá xuất khẩu cá tra đã tăng mạnh (từ 2,80 USD/kg năm ngoái lên 3,16 USD/kg thời điểm đầu tháng 3). Mức giá này hiện cao hơn so với giá xuất khẩu vào thị trường châu Âu 28,5%. Đây là mức giá tốt nhất so với các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Mặt khác Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa công nhận thêm 5 doanh nghiệp có mức thuế thấp (từ 0 - 0,52%), do vậy dự báo năm 2009 xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ tăng mạnh.

Đầu tư công nghệ

Giải pháp mà Công ty cổ phần Đông Hưng (KCN Tân Đông Hiệp A, Dĩ An) lựa chọn trong bối cảnh hiện nay là đầu tư công nghệ. Mặc dù trong thời gian tới tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, tạm hoãn lại một số kế hoạch, nhưng Đông Hưng vẫn tiếp tục chọn con đường hướng về phía trước trong cơn “sóng gió”, đó là giữ thị trường xuất khẩu, duy trì sản xuất, tạo thu nhập để ổn định lao động của mình. Doanh nghiệp này đang đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng và lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất và chủ động tìm kiếm hợp đồng dài hạn với khách hàng. Đông Hưng chấp nhận hạ giá thành để tìm cách giữ chân và chăm lo, bảo đảm quyền lợi, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 3.000  công nhân. Với số hợp đồng xuất khẩu lớn, đơn hàng ký dài hạn, hiện Đông Hưng vẫn giữ được thị phần, tiếp tục ổn định sản xuất.

Ông Phạm Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay không ít doanh nghiệp dệt may chọn giải pháp tập trung đầu tư, nâng cao công nghệ sản xuất. Bởi đây là giai đoạn đầu tư rẻ, yếu tố chất lượng sản phẩm, giá cả sẽ quyết định các đơn hàng.

Cuối tháng 3 vừa qua, Nhà máy xi măng Cẩm Phả (thuộc Vinaconex) đã xuất khẩu lô hàng 12.500 tấn xi măng sang thị trường Mozambique (Châu Phi). Đây là lần đầu tiên một nhà máy xi măng của Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn ra thị trường nước ngoài.

Ông Hoàng Anh Tuấn, TGĐ Nhà máy xi măng Cẩm Phả cho biết, để khởi động được chuyến hàng lớn đầu tiên tới thị trường Châu Phi, công ty đã áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để sản xuất xi măng, đảm bảo về chất lượng tốt và ổn định cũng như môi trường không gây bụi và tiết kiệm chi phí nhiên liệu đầu vào...

Được biết, trong thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi đặc biệt là Nam Phi, Nam Mỹ, Châu Âu với sản lượng hàng triệu tấn xi măng và Clinker. Có thể thấy, bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tìm ra cho mình nhiều cách “vượt khó”.

(Theo DĐDN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất