Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 29/8/2013 23:39'(GMT+7)

Bài học về xây dựng nông thôn mới ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ

Đường giao thông ở Lý Nhơn.

Đường giao thông ở Lý Nhơn.

Xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên 15.815 ha với 1.544 hộ dân (5.923 nhân khẩu) sinh sống. Trước khi Đề án xây dựng nông thôn mới được triển khai, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã vẫn còn cao, đời sống văn hoá - xã hội nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế...

Quán triệt chủ trương của Thành uỷ và UBND TP. Hồ Chí Minh, ngay sau khi có Đề án xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ, UBND xã Lý Nhơn đã họp bàn, thống nhất trong Đảng bộ, ra Nghị quyết, huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã giai đoạn 2010 - 2012. Trong đó tập trung phấn đấu thực hiện có kết quả các tiêu chí liên quan đến Quy hoạch, Thủy lợi, Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Giao thông, Thu nhập, Cơ cấu lao động, Giáo dục, Chợ nông thôn...

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể; sự vào cuộc tích cực của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và các tầng lớp nhân dân, đến cuối năm 2012, xã Lý Nhơn đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của xã Lý Nhơn, tính đến cuối năm 2012 là là 805,126  triệu  đồng, trong đó kinh phí của Thành phố chủ yếu phục vụ cho các hạng mục phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và nâng cao trình độ dân trí, còn lại là nguồn vốn huy động từ sự đóng góp của nhân dân và cộng đồng (chiếm tỷ lệ 39%), tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Có được sự hưởng ứng tích cực của người dân chính là do công tác tuyên truyền đã đi trước một bước, phát huy tính hiệu quả trên cơ sở đi sâu đi sát, hợp tình hợp lý đến với mỗi hộ dân, đặc biệt là trong vận động hiến đất làm các công trình giao thông và huy động vốn vay phục vụ phát triển sản xuất...

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, trên toàn xã Lý Nhơn đã có 984 hộ dân nhiệt tình tham gia hiến đất với tổng diện tích hơn 248.000m2, trong đó có 375 lượt hộ hiến 100% diện tích đất có công trình đi qua (208.088 m2 - trị giá 20 tỷ đồng). Tổng giá trị các hiện vật kiến trúc, ngày công đóng góp của nhân dân đạt hơn 36 tỷ đồng. Điều đáng quý và trân trọng trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở Lý Nhơn, là có rất nhiều hộ dân tình nguyện hiến từ 30 - 100% giá trị đất có công trình đi qua mà không hoặc chưa đòi hỏi nhận tiền đền bù. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (ấp Lý Hòa Hiệp) hiến 11.106 m2 đất liên quan tới các công trình nâng cấp bờ kè sông Vàm Sát, đường Vôi Tiều Góc Tre... trị giá 1,5 tỷ đồng...  

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn xã đã hoàn toàn xoá xong nhà tạm (trước khi thực hiện Đề án xã còn 72 căn nhà tạm bợ); cơ cấu nông nghiệp chiếm 22,6%, phi nông nghiệp 19,2%; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 15,8 triệu đồng/người/năm (thời gian đầu) lên 37,2 triệu đồng/người/năm (tính đến cuối năm 2012), tăng gấp 2 lần trước khi triển khai Đề án, tăng 1,3 lần so với thu nhập bình quân chung của huyện. So với chuẩn nghèo của TP. Hồ Chí Minh (bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm),  thì hộ nghèo ở Lý Nhơn đến nay chỉ còn 13,86% tổng số hộ toàn xã.

Nhìn chung, với sự chung tay vào cuộc một cách có trách nhiệm, nhiệt tình, quyết tâm cao của cả hệ thống cấp uỷ, chính quyền và nhân dân, qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo của Lý Nhơn đã có những thay đổi to lớn, rõ nét, các công trình hoàn thành bắt đầu phát huy tác dụng; đường xá khang trang, sạch đẹp; nhiều ngôi trường, trạm xá, cầu, cống được xây dựng mới; quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư cây, con giống mới, hỗ trợ vốn xuất cho nông dân được đầu tư và thực hiện tích cực; đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội của nhân dân trên địa bàn được nâng cao...

 
 Trường học xây dựng mới ở xã Lý Nhơn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu thì việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lý Nhơn cũng còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giò và cấp uỷ, chính quyền xã Lý Nhơn xác định, coi đó là bài học kinh nghiệm cần khắc phục trong quá trình triển khai tiếp theo, đó là: Việc triển khai thực hiện Chương trình còn mới mẻ, thời gian ngắn, điều đó không tránh khỏi những lúng túng trong thực hiện; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về thực hiện 19 tiêu chí chưa đầy đủ, vì thế thiếu tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai nội dung và giải pháp thực hiện, còn trông chờ vào chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; việc cập nhật thông tin trong công tác xây dựng một số tiêu chí chưa đầy đủ, còn chủ quan, thiếu những số liệu thống kê cụ thể, rõ ràng...

Từ những thành công ở Lý Nhơn, một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới được rút ra:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, xác định đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ công tác tác tuyên truyền, vận động được thực hiện trước một bước với phương thức đa dạng, phong phú, sự phối hợp đồng bộ, tích cực và thường xuyên, nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị địa phương, thu hút sự quan tâm và nguồn lực đầu tư từ nhân dân và cộng đồng. Đại bộ phận người dân thông hiểu nội dung Đề án để chung tay góp sức cùng thực hiện. Những tiêu chí thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, môi trường, giải quyết việc làm...) ở Lý Nhơn đạt kết quả nhanh, được duy trì và ngày càng nâng cao đều có vai trò của công tác tuyên truyền, vận động.

Công tác tuyên truyền cũng đã kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về chính sách, chế độ và những thắc mắc của người dân...  

Thứ hai, nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thực tế cho thấy, ngay từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ, chính quyền và Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành phố và huyện Cần Giờ đã phối hợp tích cực, hiệu quả với địa phương trong việc phân công nhiệm vụ cho các phòng ban chuyên môn; sát sao, trực tiếp trong quá trình xây dựng kế hoạch, nội dung gắn với nhiệm vụ chính trị và đặc thù của địa phương, đơn vị.

Thứ ba, bám sát nhiệm vụ chuyên môn, lĩnh vực được phân công, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình triển khai, xã Lý Nhơn thường xuyên cử cán bộ, chuyên viên theo dõi địa bàn, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh, giúp cấp uỷ, chính quyền tháo gỡ những khó khăn. Ngay từ khi ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Lý Nhơn đã chú trọng vào việc đề ra các giải pháp, biện pháp thực hiện, trong đó tăng cương việc phân công, chỉ đạo, giám sát gắn với mỗi lĩnh vực, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị địa phương...

Cùng với việc tạo mọi điều kiện, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thông mới của huyện Cần Giờ cũng thường xuyên phối hợp với xã trong chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát những nội dung liên quan đến công tác tổ chức, triển khai và thực hiện các tiêu chí cụ thể...

Thứ tư, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ đảng viên. Điều này được Đảng bộ xã Lý Nhơn quán triệt và thực hiện nghiêm túc, vì thế đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên từ mỗi thôn, ấp đến cấp xã đã tích cực thể hiện rõ vai trò gương mẫu, nòng cốt, từ công tác vận động quần chúng đến cùng tham gia thực hiện, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm, nguồn lực, tích cực bàn bạc...

Bên cạnh công tác tuyên truyền được triển khai có hiệu quả, thì sự hưởng ứng, đồng thuận của đại bộ phận người dân trong xã có một phần bắt nguồn từ sự gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt, đây là nền tảng rất quan trọng trong quá trình thực hiện các tiêu chí trong Đề án xây dựng nông thôn mới ở Lý Nhơn./.
                                     
Phạm Hà Tĩnh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất