Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 25/12/2008 21:58'(GMT+7)

Bài toán cũ chưa có lời giải mới

Thực trạng trên đã được nêu ra trong buổi làm việc sáng nay (24-12), giữa Bộ Nông nghiệp& PTNT với UBND TP. Hà Nội và một số bộ, ngành liên quan về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Nguyên Đán, kế hoạch hành động hướng tới 1000 năm Thăng Long.

Sản xuất bánh kẹo như thế này có đảm bảo VSATTP?

Vào dịp cuối năm, vấn đề VSATTP lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Đối với Hà Nội, khi địa bàn đã được mở rộng, việc quản lý chất lượng rau, củ, quả (RCQ) và các mặt hàng tươi sống được coi là một trong những thách thức lớn của các bộ, ngành liên quan.

Tháng Tết càng nóng bỏng

Càng gần Tết Nguyên Đán, VSATTP lại nóng bỏng, đặc biệt nhóm mặt hàng thực phẩm: RCQ và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, bởi sức tiêu thụ các mặt hàng này sẽ tăng mạnh trong tháng Tết.

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng Tết Hà Nội có thể sẽ tiêu thụ hết 13.000 tấn thịt lợn (tăng khoảng 3 tấn so với các tháng khác trong năm); thịt gia cầm khoảng 4.000 tấn (tăng 1.000 tấn so với cacS tháng khác trong năm). Đặc biệt, lượng RCQ được dự báo mức tiêu thụ trong tháng Tết sẽ lên đến khoảng 80.000 tấn. Cũng trong tháng Tết, lượng tiêu thụ kẹo trên địa bàn Hà Nội khoảng 12.000 tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, “Đây là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, được bày bán ở khắp các nơi, từ siêu thị, đến các chợ chính, chợ cóc, vỉa hè... Vì vậy chất lượng rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, vào thời điểm giáp Tết, hàng lậu, hàng giả lại tràn về thị trường Hà Nội khá nhiều, trong khi đó lực lượng chuyên ngành còn mỏng, do đó không thể kiểm tra, kiểm soát triệt để được”..

Cũng theo bà Mai, từ tháng 11 đến nay, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra xử phạt 65 vụ việc vi phạm về chất lượng VSATTP, với số tiền xử phạt là 140 triệu đồng, cùng với 280 triệu đồng hàng hóa tiêu thụ, tập trung vào những mặt hàng, như: bim bim, hoa quả ngâm, ô mai...

Bên cạnh đó, con số thống kê từ Sở Y tế Hà Nội trong công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực ATVSTP cho thấy, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra hơn 42.000 cơ sở, phát hiện 2.015 cơ sở vi phạm, cảnh cáo 1.437 cơ sở, đình chỉ 187 và 391 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 247 triệu đồng. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao ở tuyến quận, huyện cũng mới đạt 65%.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp& PTNT Hà Nội đã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, trong số 47 mẫu thức ăn chăn nuôi được kiểm tra, chỉ có 9 mẫu đạt yêu cầu hàm lượng ghi trên nhãn mác bao bì, còn lại là vi phạm. Ngoài ra, kết quả kiểm tra 285 cơ sở kinh doanh thuốc thú y cũng phát hiện 53 cơ sở vi phạm, trong đó vi phạm chủ yếu về việc kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc quá hạn... Kết quả kiểm tra các mẫu thịt gia súc cho thấy, tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn cao do việc giết mổ mất vệ sinh. Hiện nay, việc giết mổ trên địa bàn Hà Nội chủ yếu bằng phương pháp thủ công, thậm chí giết mổ được thực hiện trên vỉa hè, tại hộ gia đình, hơn thế việc vận chuyển đến điểm tiêu thụ lại không có xe chuyên dụng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Lương Lê Phương nhận định: “Vấn đề giết mổ hiện nay của Hà Nội rất đáng lo ngại. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với UBND TP. Hà Nội cùng một số bộ, ngành liên quan liên tục kiểm tra đột xuất các điểm giết mổ lớn, các chợ đầu mối trong tháng Tết”.

Còn thiếu cơ chế

Trong dịp Tết, việc vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP rất phức tạp. Tuy không phải là những vi phạm mới mẻ, nhưng việc xử lý đến bây giờ vẫn còn gặp khó khăn. Thậm chí, với những mặt hàng thực phẩm tươi sống, lực lượng chuyên ngành còn có tâm lý “ngại kiểm tra, ngại xử lý”. Bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết: “Nhiều khi phát hiện hàng hóa vi phạm lại lo không có nơi giữ hàng để chờ kiểm tra, kết luận, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, nên lực lượng thanh tra, kiểm tra cũng ngại không muốn bắt giữ các nhóm hàng này”.

Càng tháng Tết càng lo ngại VSATTP

Theo Trung tá Hà Thế Hùng- Phòng cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội) cho biết: “Việc xử lý trong lĩnh vực vi phạm ATVSTP chế tài còn nhẹ, mức xử phạt thấp, việc xử phạt lại phải chờ đợi người hay cơ quan chức năng có thẩm quyền mới xử phạt được, trong khi kho bãi bảo quản hàng vi phạm không có”. Ông Hùng dẫn chứng, thời gian trước, đoàn kiểm liên ngành thu giữ 10 tấn giò có hàn the, do không có kho bảo quản phải đi thuê kho. Kết quả sau 2 năm số hàng đó vẫn chưa được giải quyết, riêng số tiền điện để bảo quản đã lên tới 104 triệu đồng. Bên cạnh đó, vì không có kho để thu giữ hàng nên phải để lại, rất dễ bị đánh tráo hàng. Thậm chí, đoàn liên ngành đã tiến hành niêm phong hàng hóa nhưng họ vẫn tìm cách tháo dỡ niêm phong để đánh tráo hàng. Mặt khác, chi phí để kiểm tra, xét nghiệm các mẫu hàng cũng không phải là ít. Một bó rau muống có giá 3.000 đồng, để kiểm nghiệm các yếu tố an toàn mất 3,5 triệu đồng (chưa kể kiểm tra hoạt chất dioxin).

Trên thực tế, Hà Nội vừa là địa bàn tiêu thụ số lượng hàng hóa lớn, vừa là nơi sản xuất, kinh doanh và cũng chính là địa điểm hàng hóa từ biên giới tập kết về để phân luồng đi các nơi khác. Do đó, hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch trên địa bàn rất đáng lo ngại. Bà Nguyễn Thị Như Mai bức xúc: “Sự chỉ đạo vào cuộc của các ngành: Công Thương, Nông nghiệp, Y tế và Công an chỉ là sự tăng cường, không thể giải quyết triệt để được, do đó cần phải có trách nhiệm vào cuộc của chính quyền các địa phương. Thực tế một số địa phương còn chưa quan tâm đến vấn đề VSATTP, thậm chí, đoàn kiểm tra liên ngành có giấy mời chính quyền địa phương, nhưng họ chỉ tham gia lấy lệ, không nhiệt tình. Chúng ta đã có khẩu hiệu quá nhiều, nhưng chính sách, cơ chế lại quá ít. ATVSTP là sức khỏe của người dân, là bảo vệ giống nòi. Vì vậy, cần phải được quan tâm đúng mức”.

Tình hình sẽ được cải thiện?

Ông Bùi Công Khẩn, Cục trưởng Cục VSATTP (Bộ Y tế) cho rằng, cần tạo ra một lực lượng xã hội tham gia quản lý vấn đề VSATTP, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hay hiệp hội của các ngành hàng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Mặt khác, UBND TP. Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với 4 Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT và Công an đảm bảo VSATTP hướng tới 1.000 năm Thăng Long. Nên sớm xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh, coi đó là cuộc vận động mà các bộ, ngành cần có sự tham gia tích cực hơn.

Ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng: ATVSTP là vấn đề bức xúc trên địa bàn thành phố hiện nay. Ngày 22-12 vừa qua, TP. Hà Nội đã tiến hành khởi công Trung tâm y tế dự phòng, với diện tích trên 4.000 ha. Tương lai, Trung tâm này sẽ được đầu tư trang thiết bị hiện đại để giúp việc phân tích nhanh chóng hơn. Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các chợ đầu mối, các điểm giết mổ nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ra vào Thủ đô.

Đức Hải ( Hanoimoi.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất