Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 7/3/2016 10:22'(GMT+7)

Bài toán đơn thuốc "hoa hồng": Đừng để "gậy ông đập lưng ông"

Người dân chờ xếp hàng mua thuốc. (Ảnh: TTXVN)

Người dân chờ xếp hàng mua thuốc. (Ảnh: TTXVN)

Quy định hiện nay cũng chưa cho phép các công ty nước ngoài phân phối dược phẩm tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy họ đang trực tiếp phân phối thông qua các công ty dược trong nước qua nhiều đầu mối, trung gian, vì vậy giá thuốc bị đội lên cao.

Không thể phủ nhận hiệu quả điều trị của thuốc biệt dược, tuy nhiên, nếu như các bác sỹ quá lạm dụng hay luôn bị một bàn tay vô hình của từ “phần trăm hoa hồng” chi phối thì những người bệnh vốn đã đáng thương khi lâm vào cảnh bệnh tật lại thêm kiệt quệ về tài chính vì đang phải gánh thêm một số tiền không hề nhỏ…

Bác sỹ quyết định


Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho hay, thuốc biệt dược gốc hiện nay số thuốc thì ít nhưng số tiền mà người bệnh phải chi trả thì rất nhiều. Chẳng hạn như biệt dược kháng sinh, biệt dược tim mạch… thuốc điều trị ung thư có giá tới mấy chục triệu hay thuốc điều trị viêm gan, đột quỵ, một liều đều rất đắt.

Theo ông Tiên, thực tế thị trường dược phẩm vẫn hình thành các sân chơi, “sân của anh nào thì anh ấy đá.” Sân chơi của các doanh nghiệp dược nước ngoài là những loại thuốc biệt dược, thuốc đắt tiền, thuốc cao cấp. Những loại thuốc này người dân rất chuộng bởi nó chữa bệnh nhanh, chữa được những bệnh hiếm, bệnh khó.


Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Chẳng hạn như Meropenem là kháng sinh thế hệ mới, thuốc biệt dược gốc Meronem 1g giá khoảng 830.000 đồng/lọ, thuốc generics Tiapanem giá khoảng 340.000 đồng/lọ. Ceftriaxone là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, biệt dược gốc Rocephine 1g giá khoảng 140.000 đồng/lọ, thuốc generic Ceort của Ấn độ giá khoảng 60.000 đồng/lọ.

Sofosbuvir là thuốc điều trị viêm gan C mới được phát minh, còn hạn bản quyền. Biệt dược gốc Sovadi 400mg bán tại Mỹ là 1.000 USD/viên. Sản phẩm generic MyHep của Ấn Độ (Chính phủ Ấn độ ép công ty Gilead phải nhượng bản quyền) đã được nhập về Việt Nam bán với giá khoảng dưới 500.000 đồng/viên.

Phân tích về việc sử dụng thuốc, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, sử dụng thuốc cho bệnh nhân do người bác sỹ quyết định. Thuốc biệt dược chắc chắn kiểm nghiệm được tốt hơn, tuy nhiên, trong điều trị, lúc này thì vai trò của người thầy thuốc là vô cùng quan trọng. Bệnh nào thì dùng thuốc đó đó là quyền của người bác sỹ. Các doanh nghiệp dược họ chỉ biết sản xuất ra sản phẩm, thử nghiệm xong bàn giao cho bác sỹ điều trị và điều trị ra sao là quyền của người bác sỹ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội dược học Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, về mặt hàng thuốc chữa bệnh, đôi khi người dân lại hay cho rằng “tiền nào của nấy.” Bệnh nhân nghĩ rằng thuốc càng đắt thì chất lượng càng tốt.

“Điều này theo tôi chưa chắc đã đúng hết. Ở đây chúng ta chỉ chống những cái cực đoan, nếu giá đặc biệt mà hoàn toàn rẻ thì rõ ràng không thể có thuốc chất lượng tốt , nhưng nếu như lạm dụng chuyện đó để làm giá thuốc quá tăng thì cũng không được,” bà Phong Lan giải thích.

Về vấn đề đơn thuốc hoa hồng, theo phó giáo sư Dũng: “Tình trạng này chắc chắn có, vì quảng cáo là điều tất nhiên. Quảng cáo là tốt, một số công ty dược họ có rất nhiều cách quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mặt đối mặt giới thiệu sản phẩm thuốc, tiếp cận bằng trình dược viên. Như vậy làm sao mình biết được trình dược viên họ nói gì, nên khó kiểm soát được. Chúng ta chỉ kiểm soát được họ đưa thông tin lên báo, đưa lên đài kiểm soát nội dung, còn hiện tại người ta có một kênh khác là người trình dược viên đi giới thiệu sản phẩm và Luật cho phép người trình dược viên đi, công ty nào cũng có.”


Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng thăm khám một bệnh nhi. (Ảnh: TTXVN)

“Và khi người trình dược viên họ đến tiếp xúc với bác sỹ, thì không ai biết có việc gì xảy ra giữa họ trao đổi với nhau. Tôi đố ai cấm được họ tiếp xúc với nhau. Do đó, việc đơn thuốc hoa hồng không thể quản lý nổi. Nghề nào cũng thế, không chỉ riêng nghề dược. Bởi những thỏa thuận ngoài luồng, tiền họ đưa không chạy theo đường ngân hàng mà đưa thẳng tiền mặt, không tiền thì quà… nên rất khó kiểm soát,” phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.

Vòng “kim cô” khó bỏ?

Theo ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), điểm mới đặc biệt trong Dự thảo Luật dược sửa đổi chính là bổ sung 1 Chương về dược lâm sàng, trong đó quy định nội dung hoạt động dược lâm sàng, quyền, nghĩa vụ của dược sỹ làm công tác dược lâm sàng, điều kiện bảo đảm để triển khai hoạt động dược lâm sàng và tổ chức triển khai hoạt động dược lâm sàng.

Trong số 7 hoạt động dược lâm sàng, nội dung tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn và giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý là những nội dung cơ bản… Đặc biệt, trong dự án Luật Dược sửa đổi có quy định, dược sỹ có quyền nhắc nhở, yêu cầu các bác sỹ xem xét lại đơn thuốc. Đây là quy định nhằm kiểm soát việc kê đơn của các bác sỹ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên thẳng thắn: "Luật dược sửa đổi mới có quy định về dược sỹ lâm sàng, một số nước trên thế giới đã làm nhiều, nhưng Việt Nam giờ mới áp dụng. Vai trò của người dược sỹ lâm sàng sẽ theo dõi để cho các bác sỹ không được kê đơn thuốc một cách không hợp lý. Bởi có trường hợp người bác sỹ có khi vì hoa hồng hay vì cái nọ, cái kia cứ xoáy vào kê đơn một số thuốc nhất định, trong khi có thể thay bằng các thuốc khác giá cả hợp lý hơn."

Như vậy, vai trò của dược sỹ lâm sàng là góp phần tham gia hội đồng thuốc của bệnh viện và kiến nghị các bác sỹ trong việc kê đơn thuốc để sử dụng thuốc có hiệu quả nhằm có lợi cho bệnh nhân và đỡ tốn tiền cho bệnh nhân.

Thực tế hiện nay vẫn còn kẽ hở để bác sỹ kê đơn thuốc hoa hồng, ông Tiên khẳng định: Đây là vấn đề y đức, Luật pháp không thể quy định được bởi tất cả tiền họ có nhận ở chỗ khác chứ không công khai, người khác không biết được. Điều này này giống như nhận phong bì của bệnh nhân.

Do đó, đây là vấn đề y đức, thái độ tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc. Luật pháp chỉ quy định được quy chế kê đơn trong luật khám chữa bệnh, có nghiêm cấm việc trục lợi khi kê đơn. Tuy vậy, trong thực tế thì nó muôn hình vạn trạng. Theo ông Tiên, đây là một trong những điều y đức của ngành y nâng lên dần lên cùng với xã hội, còn phát hiện ra trường hợp nào thì chúng ta đã xử lý.

“Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng, rất khó khăn để chúng ta phát hiện ra, bởi nó ngấm ngầm. Bác sỹ kê thuốc ở chỗ này nhưng lại nhận tiền ở chỗ khác, tối họ mang tiền đến nhà bác sỹ đưa thì ai biết được. Dược sỹ lâm sàng góp phần làm cho việc kê đơn thuốc hợp lý và cấm trục lợi khi kê đơn thuốc. Còn nếu bảo đưa ra biện pháp nào cụ thể thì đây là một vấn đề nan giải, cực kỳ khó khăn,” ông Nguyễn Văn Tiên chỉ rõ.


Một tấm biển yêu cầu trình dược viên không được đứng ở khu vực này tại nhà thuốc một bệnh viện. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng quan điểm trên, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng khẳng định rất khó quản lý và không thể chấm dứt được đơn thuốc hoa hồng. Ngành y phải làm sao để đảm bảo các yếu tố khác lên thì chấm dứt hiện tượng đó. Chẳng hạn như cho các doanh nghiệp cạnh tranh thật thoải mái, nếu doanh nghiệp cứ biếu bác sỹ thì họ phải chi phí thêm tiền đó, đồng nghĩa với giá thành thuốc phải cao lên, và khi giá thuốc của họ cao không bán được và họ lại tiếp tục phải đi theo con đường đó. Do vậy, cái vòng “kim cô” luẩn quẩn của đơn thuốc hoa hồng đó mãi tồn tại.

Theo phó giáo sư Dũng, về phía người bác sỹ, nếu họ cứ lấy tiền của doanh nghiệp dược để kê đơn thuốc thì chắc chắn người bác sỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc kê đơn đó. Chắc chắn người bác sỹ đó sẽ kê loại thuốc đó nhiều hơn, khi họ kê một loại thuốc nhiều hơn và nghĩ về lợi nhuận nhiều hơn thì khả năng khỏi bệnh của bệnh nhân sẽ kém. Đáng lẽ phải kê thuốc khác nhưng vì lợi nhuận, người được kê nó không hại ngay trước mắt mà sẽ hại lâu dài về sau vì chính người bác sỹ đó sẽ chữa bệnh kém hơn và trước sau người ta cũng biết và chính người bác sỹ đó sẽ mất khách và không được người khác tôn trọng.

Bác sỹ Dũng chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một câu: Xã hội này đừng có vội vàng, tự người bác sỹ phải hoàn chỉnh mình. Bởi khi trong đầu anh luôn nghĩ len lỏi thì những anh ấy trước sau cũng phá vỡ. Có thể anh có lợi trước mắt và mất lợi lâu dài, mất lợi lâu dài là điều quan trọng hơn, lúc đó chính là “gậy ông đập lưng ông.”

Giá thuốc luôn luôn là vấn đề nóng bỏng được nhiều người dân quan tâm. Với những người bệnh phải mua thuốc mới thấm thía chi tiền như “đứt từng khúc ruột” như thể những đồng tiền không cánh mà bay dù đã có thẻ bảo hiểm y tế, bởi đa phần những đơn thuốc người bệnh cầm ra ngoài mua bảo hiểm y tế không chi trả.

Ông Trần Tuấn - Trưởng Ban thường trực Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Vận động Chính sách Y tế dựa vào bằng chứng Khoa học (EBHPD) cho hay, tình hình giá thuốc tại Việt Nam hiện nay chưa được kiểm soát, nó thể hiện một sự lúng túng trên toàn hệ thống và diễn ra trong nhiều năm. Vì khó như vậy nên cuối cùng người dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Vì vậy, theo ông Trần Tuấn, giá thuốc được kiểm soát tốt nhằm cân bằng lợi ích của ba bên trong sự phát triển xã hội gồm: cân bằng lợi ích của nhà nước, lợi ích của các doanh nghiệp (nhà sản xuất thuốc và phân phối thuốc), thứ ba là lợi ích của người sử dụng. Ba thế chân kiềng này phải có được đại diện của mỗi bên trong vấn đề đàm phán về giá thuốc và quản lý về giá thuốc, để người dân “không bị móc túi”./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất