Kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm nay đang trở thành "bài toán khó" đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) trong bối cảnh Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) chưa đồng ý ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) với Oa-sinh-tơn liên quan tới việc duy trì khoảng 10.000 lính Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014.
Không phải là “cây gậy thần”
Nói là khó bởi lẽ cho đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Ha-mít Ca-dai vẫn chưa đồng ý ký BSA với Mỹ, trong khi đang xúc tiến đàm phán bí mật với lực lượng Ta-li-ban.
Trong cuộc gặp các tướng lĩnh và quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng tại Nhà Trắng hôm 5/2 vừa qua, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố sẽ không đàm phán với Ta-li-ban, nhưng hoan nghênh mọi cuộc đàm phán giữa người Áp-ga-ni-xtan với nhau để mang lại hòa bình cho đất nước và người dân. Ông B.Ô-ba-ma cũng tính đến khả năng sẽ không để lại bất kỳ binh lính Mỹ nào tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014.
Cho tới thời điểm này, Tổng thống B.Ô-ba-ma vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào liên quan đến BSA. Tuy nhiên, có một quan điểm chung trong các tướng lĩnh Mỹ là nếu Tổng thống H.Ca-dai không chịu ký BSA thì Mỹ sẽ rút toàn bộ quân như đã từng làm với I-rắc cách đây hơn hai năm. Một số quan chức Nhà Trắng thừa nhận việc rút toàn bộ binh sĩ hay để khoảng 10.000 quân ở lại Áp-ga-ni-xtan đều là những bài toán khó đối với Tổng thống B.Ô-ba-ma, người cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến này nhưng lại không muốn bỏ mặc Áp-ga-ni-xtan rơi vào tình trạng như I-rắc hiện nay. Tại Lầu Năm Góc, thay vì ép Tổng thống B.Ô-ba-ma bằng các phương án khác nhau, các tướng lĩnh Mỹ đang tìm cách tái cấu trúc lực lượng để cho phép ông chủ Nhà Trắng có thêm thời gian đưa ra quyết định. Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Can Le-vin (Carl Levin) cũng cảnh báo, Tổng thống H.Ca-dai sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu Mỹ rút toàn bộ quân và Áp-ga-ni-xtan rơi vào tình trạng giống như I-rắc hiện nay.
Trước đó, Tổng thống H.Ca-dai đã nhắc lại điều kiện tiên quyết cho việc ký BSA với Mỹ, theo đó Ca-bun chỉ ký BSA chừng nào Oa-sinh-tơn chấm dứt các chiến dịch lùng sục trong dân chúng, ủng hộ tiến trình hòa bình với lực lượng Ta-li-ban và bảo đảm một cuộc bầu cử minh bạch vào tháng tư tới. Ông H.Ca-dai cũng nhấn mạnh, Mỹ và Pa-ki-xtan có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình cho nước này. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố nước này không có "cây gậy thần" để giải quyết ngay lập tức các vấn đề của Áp-ga-ni-xtan.
Vết rạn nứt khó hàn gắn
Mối quan hệ Mỹ và Áp-ga-ni-xtan xấu đi kể từ khi Tổng thống H.Ca-dai từ chối ký BSA như đã cam kết với Mỹ. Thỏa thuận này liên quan đến sự hiện diện quân sự của Mỹ vào cuối năm 2014, thời điểm Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Nếu được ký kết, BSA sẽ cho phép 12.000 binh lính nước ngoài, trong đó có khoảng 8000 lính Mỹ, tiếp tục đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 để làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh, quân đội Áp-ga-ni-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như ngăn chặn Ta-li-ban trở lại nắm quyền. Mỹ hiện góp 57.000 binh lính trong Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan (ISAF) và đang lên kế hoạch giữ lại từ 8000 - 10.000 quân tại nước này sau năm 2014. Chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma muốn ký BSA trong năm 2013, nhưng Tổng thống H.Ca-dai kiên quyết từ chối, muốn để việc này cho người kế nhiệm sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng tư tới.
Bầu không khí thiếu niềm tin giữa hai bên còn thể hiện ở chỗ, trong tuyên bố đưa ra nhân chuyến thăm Ấn Độ tháng 12 năm ngoái, ông H.Ca-dai cáo buộc Mỹ “nói một đằng, làm một nẻo” trong vấn đề Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống H.Ca-dai cũng nhấn mạnh, sự cần thiết phải đàm phán với Ta-li-ban như một phần trong tiến trình hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan nhưng nói rõ rằng, “đây phải là lực lượng Ta-li-ban gồm những người Áp-ga-ni-xtan chứ không phải những kẻ liên quan đến các tổ chức khủng bố nước ngoài”. Trong khi đó, Oa-sinh-tơn cũng một lần nữa nhắc lại rằng, nếu thỏa thuận BSA không được ký kết, Mỹ sẽ phải rút toàn bộ lực lượng gồm 44.500 binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2014, cảnh báo việc rút quân có thể gây ra tình trạng mất ổn định tại quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá này.
Vết rạn nứt trong quan hệ Oa-sinh-tơn - Ca-bun ngày một lớn hơn khi thời gian gần đây Tổng thống H.Ca-dai thường xuyên có những chỉ trích gay gắt đối với Oa-sinh-tơn. Trong buổi tiếp các phóng viên tại Phủ Tổng thống ngày 25/1 vừa qua, Tổng thống H.Ca-dai đã miêu tả trung tâm giam giữ Ba-gram do quân đội Mỹ điều hành như "công xưởng sản xuất Ta-li-ban”, nơi mà những người vô tội bị bắt giam và sau đó bị tra tấn, bị lăng mạ và họ học được lòng căm thù đất nước". Ông nhấn mạnh: "Tôi sẽ không ký BSA cho tới khi Mỹ khởi động tiến trình hòa bình và hòa bình được đảm bảo ở Áp-ga-ni-xtan". Các phát biểu của ông H.Ca-dai được cho là "mang giọng điệu chống Mỹ", khiến vết rạn nứt trong quan hệ hai nước càng trở nên khó hàn gắn hơn./.
Bình Nguyên (QĐND)