Thứ Năm, 7/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 9/2/2014 17:22'(GMT+7)

Mối lo lớn của nước Mỹ từ cuộc nội chiến Xy-ri

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Giêm R.Cláp-pơ tuyên bố cuộc xung đột tại Xy-ri đã trở thành vấn đề liên quan mật thiết đến an ninh nội địa của nước Mỹ. (Ảnh: AFP)

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Giêm R.Cláp-pơ tuyên bố cuộc xung đột tại Xy-ri đã trở thành vấn đề liên quan mật thiết đến an ninh nội địa của nước Mỹ. (Ảnh: AFP)

Tuyên bố của ông G.Giôn-xơn cùng với những cảnh báo trước đó của một số quan chức Mỹ cũng như giới phân tích về việc Xy-ri đang trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, cho thấy lời cảnh báo rằng, những hệ lụy của cuộc chiến đang vượt ra ngoài biên giới Xy-ri, lan rộng ra cả khu vực và thế giới có khả năng thành hiện thực...

Không ngạc nhiên khi trong mấy ngày gần đây, các quan chức Mỹ liên tục có những phát ngôn vô tình hay hữu ý đề cập tới những nguy cơ mà cuộc xung đột ở Xy-ri đang tạo ra cho nước Mỹ. Trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình về Xy-ri bế tắc, chính quyền của Tổng thống Xy-ri An Át-xát đã bỏ lỡ hai thời hạn chót chuyển giao vũ khí hóa học, cuộc xung đột ở Xy-ri vẫn chưa thể chấm dứt đang tạo ra “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng các phần tử khủng bố. Nguy hiểm hơn, đã có những dấu hiệu cho thấy các phần tử cực đoan từng gây tội ác ở Xy-ri đang tiến hành các cuộc tấn công ở Ai Cập và có tham vọng tấn công cả nước Mỹ. Hồi tuần trước, phát biểu trước Quốc hội, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Giêm R.Cláp-pơ (James R. Clapper) cho biết, nhóm khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda là Jabhat Al-Nusra (còn gọi là tổ chức Mặt trận Al-Nusra) đang nung nấu tham vọng tấn công nước Mỹ. Các giới chức Mỹ và Ai Cập đều cảnh báo rằng, một số người Ai Cập chiến đấu ở Xy-ri đã trở về quê hương và thực hiện các hành vi nổi loạn.

Ông Giêm R.Cláp-pơ còn cho biết thêm, nhóm Jabhat Al-Nusra còn huấn luyện một lực lượng nòng cốt đang gia tăng về số lượng bao gồm những chiến binh từ châu Âu, Trung Đông, thậm chí cả ở Mỹ. Theo tờ “Thời báo Lốt An-giơ-lét”, các quan chức tình báo Mỹ ước tính có ít nhất 50 công dân Mỹ đang chiến đấu tại Xy-ri chống lại Tổng thống An Át-xát và rất có thể họ sẽ đưa khủng bố về Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, các chuyên gia chống khủng bố đang lần theo dấu vết những công dân Mỹ từng tham chiến tại Xy-ri.

Hoạt động nguy hiểm nói trên đã bắt đầu để huấn luyện những chiến binh trở về quê hương mình gây tội ác nhằm thực hiện tham vọng đưa cuộc thánh chiến Hồi giáo ra khỏi khu vực Trung Đông của Al-Qaeda. Theo ông Giêm R.Cláp-pơ, đây là mối đe dọa mới nhất nổi lên trong năm qua đối với an ninh nước Mỹ xuất phát từ cuộc xung đột ở Xy-ri. Mối đe dọa này trở nên nguy hiểm hơn bởi số lượng các chiến binh từ Xy-ri đang gia tăng nhanh chóng. Theo ông, các nhóm mạnh hơn đã được thiết lập như Al-Qaeda trên bán đảo A-rập ở Y-ê-men vẫn có khả năng nhiều hơn trong việc phát động những cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, nhưng đáng chú ý, ngày càng có nhiều chiến binh ở Xy-ri tham gia vào lực lượng này.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ ước tính trong số khoảng 75.000 đến 110.000 tay súng nổi dậy đang chống lại chính quyền Xy-ri, có khoảng 26.000 phần tử cực đoan và 7000 trong số đó là người nước ngoài đến từ khoảng 50 nước, bao gồm cả từ châu Âu. Có nhiều người phương Tây đang lui tới Xy-ri để tham gia vào cuộc xung đột. Ngoài ra, nhiều phần tử cực đoan cũng tích cực tuyển mộ các công dân phương Tây để lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động khủng bố.

Đây là vấn đề đe dọa nghiêm trọng tới an ninh nội địa của Mỹ, buộc các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ sẽ phải tăng cường hợp tác chặt chẽ để sớm phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ đe dọa an ninh trong nước, theo ông Giêm R.Cláp-pơ.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ không phải quan chức cấp cao duy nhất bày tỏ mối quan ngại về việc các chiến binh khủng bố gia tăng sự hiện diện ở Xy-ri và đe dọa tới an ninh của Mỹ. Tại một cuộc họp riêng với các thành viên Quốc hội ở Hội nghị An ninh Mu-ních tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri cũng công khai nói về việc hình hành một liên minh chống lại Al-Qaeda vì đây là mối đe dọa trực tiếp với nước Mỹ. Nhà phân tích cấp cao Nô-a Bon-xây (Noah Bonsey) thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế có trụ sở ở Bây-rút (Li-băng) đánh giá tuyên bố của ông Giôn Ke-ri là một sự nhìn nhận thực tế.

Thực thế này cho thấy, sau khi trùm Bin La-đen bị tiêu diệt, mối đe dọa khủng bố từ Al-Qaeda vẫn khiến các giới chức Mỹ phải đau đầu. Ngoài ra, nó còn chứng tỏ mạng lưới khủng bố toàn cầu này vẫn tồn tại và phát triển theo một dạng thức tinh vi, nguy hiểm hơn trước, chứ không phải đã rệu rã như dự đoán trước đây của nhiều người.

Theo các chuyên gia, viễn cảnh các chiến binh trở về từ Xy-ri thực hiện tấn công chính quê hương mình - nước Mỹ - có thể làm thay đổi lập trường nghiêng về phía quân nổi dậy của Oa-sinh-tơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri vào lúc này. Nếu không, cuộc tàn sát ở Xy-ri, Ai Cập hay Trung Đông có ở mức độ nào đi chăng nữa cũng không thay đổi được những toan tính chính trị của Oa-sinh-tơn./.

Mai Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất