Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 28/1/2009 18:18'(GMT+7)

Xuất khẩu vào Nhật Bản: Phải biết “nhập gia tùy tục”

Hoa cây cảnh là một trong những mặt hàng xuất khẩu rất mạnh của VN vào thị trường Nhật Bản (Ảnh minh hoạ).

Hoa cây cảnh là một trong những mặt hàng xuất khẩu rất mạnh của VN vào thị trường Nhật Bản (Ảnh minh hoạ).

Triển vọng lớn

Các chuyên gia của Bộ Công Thương khẳng định: “Triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản vẫn còn rất lớn trong tương lai. Nhật Bản vẫn sẽ là đối tác đầu tư, thương mại lớn của Việt Nam”. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nhật Bản sẽ tăng trưởng ổn định ở mức cao trong những năm tới do quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cho nhau. Từ năm 2003 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm (đạt khoảng 12,5 tỷ USD trong năm 2007). Hết năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt khoảng hơn 15 tỷ USD (vượt mục tiêu hai nước đề ra).

Việt Nam và Nhật Bản đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (EPA nhằm tự do hóa thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế trên diện rộng. Khi EPA được ký kết và có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nhật Bản chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao và có khả năng đạt mức 20 tỷ USD trong vài năm tới, cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu hai bên dự kiến cũng sẽ chuyển dịch theo hướng tích cực, hỗ trợ và bổ sung cho nhau tốt hơn. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản theo hướng đa dạng hơn, nhất là nhóm hàng nông - lâm - thủy sản có thể được giảm thuế gần 90%, hàng công nghiệp được giảm thuế trên 90% khi vào Nhật Bản.

Nhiều yêu cầu khắt khe

Đặc điểm nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản đòi hỏi rất cao về chất lượng, độ bền, độ tin cậy, tính tiện dụng, sinh thái và bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tính an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, người Nhật Bản cũng luôn rất nhạy cảm với giá cả tiêu dùng, với những thay đổi thị hiếu theo mùa, thời trang và màu sắc... đòi hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam phải có tính phong phú, đa dạng. Khi liên kết buôn bán làm ăn, người Nhật rất coi trọng việc phải đảm bảo thời gian giao hàng đúng hẹn. Nếu chậm trễ, cơ hội bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam cho người Nhật Bản sẽ bị mất vì họ không chịu bị thất hứa lần thứ hai.

Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để tận dụng triệt để những cơ hội quá trình hợp tác giữa hai nước sẽ mang lại để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Trên thực tế, công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Nhật Bản của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn chưa bài bản. Việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản về vệ sinh an toàn thực phẩm (đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm tươi sống) của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao.

“Nhập gia phải tùy tục”

Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), người Nhật Bản quan niệm sản phẩm là thước đo văn hóa tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa sang thị trường Nhật Bản hiệu quả cần phải biết “nhập gia tùy tục”. Tức là, phải nghiên cứu kỹ phong tục, tập quán tiêu dùng, sở thích, niềm tin, mức độ chi trả của người tiêu dùng; đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường, hệ thống phân phối, chấp hành nghiêm quy chế nhập khẩu... Để hiểu biết văn hóa tiêu dùng của người Nhật Bản và hợp tác thành công với các doanh nghiệp Nhật, một điều không kém phần quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu biết tiếng Nhật càng sâu càng tốt.

Ông Ken Arakawa, Cố vấn cao cấp của Jetro cho rằng, khi xâm nhập thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt tốt thị hiếu tiêu dùng của người Nhật để đưa sang những sản phẩm thiết thực; các nhà sản xuất Việt Nam cần phản ứng nhanh, nhạy với các khuynh hướng tiêu dùng của người Nhật theo kiểu “cung tạo ra cầu”; cần phải linh hoạt trong việc định giá sản phẩm; phải duy trì chất lượng sản phẩm ổn định.

Jetro là cơ quan của Chính phủ hoạt động phi lợi nhuận trực thuộc Bộ Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản có 38 văn phòng ở Nhật và 80 văn phòng đại diện ở 58 nước chuyên làm nhiệm vụ xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Nhật với các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, Jetro có 2 văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Nhật Bản; hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam, cung cấp thông tin khách hàng và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tới các đối tác nhập khẩu của Nhật Bản thông qua hỏi đáp thương mại. Để giới thiệu sản phẩm của mình cũng như muốn tìm kiếm các khách hàng Nhật Bản tiềm năng để tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam nên tranh thủ các nguồn thông tin về thị trường Nhật Bản thông qua các chương trình xúc tiến quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Nhật Bản và hỗ trợ phát triển kinh tế thị trường Việt Nam... của Jetro là vô cùng hữu ích./.

Ngọc Quỳnh - Bộ Công thương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất