Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 28/1/2009 18:18'(GMT+7)

Tây Bắc mời gọi!

Mùa xuân Tây Bắc (Ảnh minh hoạ)

Mùa xuân Tây Bắc (Ảnh minh hoạ)

Với tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khai thác chế biến khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu và hợp tác khu vực, Tây Bắc là địa bàn đang triển khai quy hoạch trên quan điểm hợp tác phát triển: “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Viện Nam với Trung Quốc bao gồm hành lang: Lào Cai - Hà Nội -Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Hiệu ứng từ chiến lược chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các tỉnh Tây Bắc trong những năm gần đây đã tạo được bước chuyển biến tích cực. Với trên 300.000 tấn lương thực sản xuất tại chỗ, các tỉnh đã cân đối được nhu cầu lương thực, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 15%/năm. Nhiều trang trại nuôi cá hồi, cá tầm có quy mô phát triển tốt. Các vùng chuyên canh tập chung nuôi trồng chế biến chè, dược liệu, cây ăn quả, cây cảnh… đã được quy hoạch đồng bộ. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đang triển khai dự án trồng và chế biến cao su trên diện rộng nhằm tạo hướng đi mới cho địa bàn Tây bắc. Những năm qua, toàn vùng đã khởi công xây dựng trên 100 công trình thuỷ điện với tổng công suất 1.600 MW, đưa vào vận hành các nhà máy Tuyển quặng Apatít Cam Đường, tổ hợp đồng Sinh Quyền, Nhà máy gang thép (Lào Cai). Trên 400km đường vành đai biên giới và hàng ngàn km đường liên huyện, liên xã trên địa bàn được đầu tư mở rộng. Lưới điện quốc gia phủ kín hầu hết đến các xã vùng cao đặc biệt khó khăn là một thành công rất lớn tạo tiền đề cho đầu tư phát triển. Doanh thu trong các ngành dịch vụ du lịch tăng bình quân 15%/năm, cho thấy chỉ số tiêu dùng xã hội khu vự này đang có bước chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện. Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ cũng đã nhận được cam kết hỗ trợ 300 triệu USD của các tổ chức quốc tế mở rộng. Các nguồn đầu tư xã hội từ nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước đã làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội và đưa lại nhiều thành công của vùng Tây Bắc.

Hàng loạt các lợi thế và tiềm năng Tây Bắc có được nhất là các lĩnh vực thuỷ điện; công nghiệp khai thác khoáng sản, du lịch sinh thái. Khu vực biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc rất thuận lợi cho việc thiết lập quan hệ kinh tế với các nước tiểu vùng sông Mê Kông bằng việc mở rộng hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang giữa các tỉnh biên giới Trung Quốc với Việt Nam. Sát cánh với các nhà đầu tư, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tây Bắc như: Hỗ trợ tín dụng; miễn, giảm tiền sử dụng đất; hỗ trợ cước phí vận chuyển nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng KCN và miễn giảm thuế thu nhập ở mức tối đa… là những điều kiện đảm bảo sự phát triển lâu dài và ổ định cho các nhà đầu tư.

Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn về điều kiện môi trường, địa lý, cơ sở hạ tầng, dân cư phân tán … nhưng đổi lại, Tây Bắc là nơi có tiềm năng lớn về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là trữ lượng khoáng sản. Kết quả thăm dò sơ bộ cho thấy trữ lượng cao lanh, đá vôi, apatit, đồng, sắt, kim loại màu… ở Tây Bắc rất lớn. Cùng với chủ chương ưu tiên đầu tư cho các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, các tỉnh cũng đẩy mạnh chiến lược phát triển du lịch văn hoá sinh thái và nghỉ dưỡng trên quy mô liên kết vùng nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng - thế mạnh của vùng, kết quả đạt được chưa tương xứng. Kinh tế phát triển còn chậm, địa bàn Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn nhiều lúng túng, chưa đem lại hiệu quả cao, chiến lược phát triển thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vẫn ở tình trạng yếu kém. Tây Bắc vẫn cần sự đầu tư tổng lực từ các nguồn vốn của nhà nước, cộng đồng xã hội, đặc biệt là đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đồng thời giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn môi trường, cơ hội đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc.

Cần có kế hoạch tập chung phát triển thuỷ điện, công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch sinh thái và văn hoá dân tộc. Chú trọng quan hệ thương mại với các nước láng giềng, Chính phủ luôn coi trọng và đã có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho khu vực này đổi mới, vươn lên. Nhiều tổ chức quốc tế đã ủng hộ chủ trương này bằng cách vận động đầu tư, hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ODA... đó là cơ hội tốt để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Vùng, các dự án trọng điểm đang ưu tiên thu hút vốn đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trương Văn Đoan: Bài toán đặt ra cho Tây Bắc nói chung và các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng là đạt được mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư. Thế nhưng, cho đến nay, nỗ lực này chưa thu được kết quả như mong đợi. Trong lúc làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu thế phát triển mạnh, năm 2007 là 21,3 tỷ USD (tăng trưởng 73% so với năm 2006). Năm 2008 đạt con số ngoạn mục trên 60 tỷ USD. Ngược lại, khu vực Tây Bắc (ngoại trừ hai tỉnh Lào Cai, Phú Thọ đã đạt một số thành tựu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài), các tỉnh khác hầu như chưa có sự chuyển biến đáng kể. Với mong muốn biến khu vực Tây Bắc trở thành một địa chỉ sôi nổi về đầu tư và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đấy mạnh tốc độ phát triển của vùng.

Thực tế, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư so với tiềm năng, lợi thế cuả các tỉnh Tây Bắc trên thực tế còn một khoảng cách rất lớn. Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng của từng địa phương hay toàn khu vực thì phải thu hút được tối đa nguồn lực đầu tư xã hội cả những năm trước mắt và lâu dài. Với kỳ vọng đạt được bước tăng trưởng đột biến trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bằng chiến lược thu hút đầu tư mang tính liên kết, đồng bộ cho toàn vùng, Tây Bắc cần đổi mới tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, các cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, đồng thời đưa ra những phương án hoạch định cho các dự án đầu tư trọng điểm cần thu hút vốn đối với nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước. Phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp năng lượng, khai thác và chiến biến khoáng sản, phát triển kinh tế cửa khẩu, khai thác thuỷ điện, sảm xuất vật liệu xây dựng… không chỉ là tiềm năng, thế mạnh mà còn là các lĩnh vực nhận được nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư tín dụng.

Xét ở góc độ vĩ mô, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt doanh nghiệp trên địa bàn Tây Bắc) đang được hưởng lợi ích từ chính sách phát triển kinh tế thống nhất và đồng bộ của Đảng và Nhà nước và những quyết sách tương đối quyết liệt của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án trọng đầu tư trọng điểm, cải cách thủ tục hành chính. Vấn đề kêu gọi đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc là chủ trương đúng đắn vừa mang tính chất giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư vừa thể hiện chính sách công khai, minh bạch và nhất quán giúp cho nhà đầu tư yên tâm theo đuổi chiến lược kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc đối với doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Tây Bắc giai đoạn hiện tại chính là thiếu vốn và sự bất ổn định của thị trường. Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư hiệu quả, cần có chính sách thiết thực hơn nhằm hỗ trợ cho cuộc sống của đồng bào ở những khu vực triển khai dự án không chỉ là vấn đề đền bù, giải toả. Đối với doanh nghiệp, việc tiếp cận các nguồn vốn, các tổ chức tín dụng đã khó nhưng sử dụng đồng tiền vay vào mục đích đầu tư như thế nào cho hiệu quả ở những tỉnh miền trung du và miền núi khó khăn như Tây Bắc là không đơn giản./.

Lưu Đức - Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất