Thái Bình hiện có 1,15 triệu lao động hiện
đang làm việc, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 1,06 triệu người,
chiếm trên 92%. Những năm qua, tỉnh đã áp dụng nhiều chương trình tạo
việc làm, mở ra hướng đi mới cho lực lượng lao động đông đảo ở nông thôn
nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, bài toán việc
làm cho lao động nông thôn Thái Bình vẫn gặp nhiều khó khăn.
* Hiệu quả từ hoạt động dạy nghề
Nếu như trước đây, nông dân Trần Văn Sơn (xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ) loay hoay mỗi khi máy bừa của gia đình bị hỏng, thì nay anh đã có thể tự sửa chữa những lỗi thông thường, chủ động được thời gian và tiết kiệm được chi phí so với thuê người sửa chữa. Năm 2015, anh Sơn được tham gia lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp do Trung tâm Khuyến công - tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) tổ chức. Cùng với các nghề may, điện dân dụng, thủ công mỹ nghệ… thì nghề sửa chữa máy nông nghiệp là một trong những nghề mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình hành động nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như: Đề án xuất khẩu lao động, triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động thuộc các hộ gia đình chính sách, hộ bị thu hồi đất, lao động đặc thù…. Trong 5 năm (2011 - 2015), khoảng 160.100 lao động được tạo việc làm mới, trong đó 80% trong số này là lao động nông thôn, bình quân đạt trên 32.000 lao động/năm.
Cụ thể, tạo việc làm mới và tăng thêm tại địa phương cho trên 118.000 lao động, việc làm ngoài tỉnh cho trên 29.400 người và xuất khẩu lao động 12.300 người. Chủ yếu tạo việc làm mới thông qua con đường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (với 550.000 lao động), thu hút lao động vào các khu, cụm công nghiệp và làng nghề (với trên 219.000 lao động); qua hình thức vay vốn hỗ trợ việc làm cho gần 19.000 lao động nông thôn. Ngoài ra, tỉnh Thái Bình thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thu hút nhiều doanh nghiệp tuyển dụng và lao động tham gia tuyển dụng, bình quân mỗi phiên giao dịch có 59 doanh nghiệp và trên 2.100 lao động tham gia tìm kiếm việc làm. Bình quân mỗi năm tỉnh Thái Bình có khoảng 3.000 người đi xuất khẩu lao động.
Điển hình nhất là hoạt động đào tạo nghề theo Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề trên 50 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình đã khảo sát nhu cầu lao động tại chỗ và triển khai dạy 30 nghề cho lao động nông thôn. Một số mô hình thí điểm đã khẳng định được hiệu quả và có khả năng nhân rộng tại một số địa phương như: Nghề trồng ớt (huyện Quỳnh Phụ), nghề đúc, dát đồng mỹ nghệ (huyện Kiến Xương), nghề may thời trang (TP. Thái Bình)…
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Bình phấn đấu đào tạo nghề cho 120.000 lao động, trong đó hỗ trợ học nghề cho 70.910 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án, riêng nghề nông nghiệp là 24.500 người, nghề phi nông nghiệp 46.410 người; tập trung ưu tiên cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng và con của họ, người tàn tật, hộ bị thu hồi đất canh tác.
* Nhiều khó khăn
Mặc dù tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động để tạo việc làm mới cho lao động địa phương, song đến nay tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực nông thôn vẫn còn 0,55%, trên 45% lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, lực lượng lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là lao động nữ, lao động trung tuổi từ 45 đến 59 tuổi. Ngoài ra, còn một phần lực lượng thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề, thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa sử dụng hết thời gian lao động. Thực tế, lao động tại khu vực nông thôn còn khoảng 35% thời gian nhàn rỗi. Vì vậy, giải quyết việc làm không chỉ tạo việc làm mới mà còn giúp lao động tận dụng thời gian nông nhàn.
Theo ước tính của ngành lao động tỉnh Thái Bình, trong khoảng 5 năm tới, số lao động khu vực nông thôn tiếp tục tăng thêm khoảng 50.000 người, cùng với khoảng 40.000 người thiếu việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cộng với số lao động chưa sử dụng hết quỹ thời gian lao động thì toàn tỉnh Thái Bình sẽ có khoảng 200.000 người có nhu cầu việc làm. Trong khi điều kiện kinh tế chưa phát triển tương xứng, cung lao động vượt quá cầu khiến quá trình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Thái Bình gặp sức ép lớn.
Mặt khác, công tác đào tạo nghề vẫn còn bất cập, nhiều nông dân được học nghề xong lại không gắn bó với nghề đã được học dẫn đến lãng phí, hiệu quả chưa cao. Thực tế tại xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) là một trong những địa phương được lựa chọn dạy nghề cho lao động nông thôn về sinh vật cảnh. Theo ông Bùi Đình Tốt, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang, trong số 35 người tham dự khóa học thì đến nay chỉ còn vài ba người có thu nhập và gắn bó với nghề này. Nguyên nhân là do thị trường sinh vật cảnh những năm gần đây không còn sôi động, thời gian chăm sóc cây cảnh đến khi cho thu nhập khá lâu nên nông dân không “thiết tha” với nghề đã được học.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là bài toán khó với nhiều địa phương, nhất là đối với tỉnh nông nghiệp có số lượng lao động nông thôn chiếm tới 92% lực lượng lao động như tỉnh Thái Bình. Hướng tới cải thiện và nâng cao đời sống lao động nông thôn, tạo việc làm bền vững cho lực lượng này, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiếp tục hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của thị trường, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đặc biệt là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án tích tụ ruộng đất đồng bộ, phấn đấu chuyên nghiệp hóa khoảng 50.000 lao động nông nghiệp, số lao động còn lại rút sang hoạt động lĩnh vực phi nông nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2030./.
Thu Hoài/TTXVN