Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 16/9/2016 9:2'(GMT+7)

Gian nan công tác xóa đói giảm nghèo ở Yên Sơn, Cao Bằng

Nằm trên dãy núi cao nên diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ có 200 ha, trong đó có 11,3 ha cấy được lúa, còn lại là đất rẫy khô cằn. Một số xóm chỉ độc canh cây ngô như Cốc Trà, Cốc Lùng, Ngàm Vạng,..nhưng cũng chỉ trồng được 1 vụ và sử dụng giống ngắn ngày. Trồng vào mùa lạnh nên ngô bị lép, năng suất không cao. Vì thế tỷ lệ hộ nghèo của xã còn tới 67%, nhiều thôn xóm 100% đều là hộ nghèo.

Xóm Khao Hạ - một trong những xóm được coi là khá giả nhất xã Yên Sơn nhưng cũng chỉ có 2 trong tổng số 35 hộ thoát nghèo, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo. Cả xóm có 4 ha đất canh tác được. Thiếu đất sản xuất người dân phải sang xã khác mua đất nương rẫy để canh tác. Anh Triệu Tòn Ghển - Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Ở xóm này nhà nào cũng phải sang xã khác mua hoặc thuê đất. Mỗi hộ cũng chỉ nuôi được một đến hai con trâu, bò để phục vụ sản xuất. Muốn chăn nuôi nhiều nhưng không có vốn, đặc biệt nhiều bà con có tâm lý ngại vay vốn vì lo sợ không trả được.

Một nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói ở Yên Sơn là do hủ tục. Nơi đây, nạn tảo hôn và sinh con thứ 3 vẫn còn phổ biến. Theo thống kê của UBND xã Yên Sơn, từ năm 2011 đến nay có 3 cặp kết hôn cận huyết thống sinh ra con đều bị tật nguyền; 48 cặp tảo hôn. Từ nhiều năm nay, việc xóa đói, giảm nghèo luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở. Nhiều giải pháp để giúp xã giảm nghèo đã được thực hiện nhưng hầu hết đều chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, Nông Đình Quy buồn bã: Năm 2008 chương trình 30a hỗ trợ người dân 80 con bò sinh sản nhưng do trên cao thời tiết quá lạnh bò bị chết rét, nay chỉ còn 21 con. Năm 2009, dự án thí điểm trồng 1 ha cây dược liệu Đương Quy, Bạch Truật nhưng người dân không quan tâm chăm sóc nên dự án thất bại. Đến năm 2015 có dự án thí điểm mô hình trồng lạc hàng hóa được 40 ha nhưng sau khi kết thúc dự án, không còn hỗ trợ giống, phân bón,.. người dân lại lắc đầu không trồng tiếp. Nguyên nhân chính là do người dân không có vốn mua giống, kĩ thuật chăm sóc kém và đầu ra không ổn định,..nên bà con bỏ dần.

Mặc dù hằng năm, các hộ nghèo ở đây vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, vốn, giống cây trồng, vật nuôi. Người dân ở đây cũng thường xuyên được định hướng, hướng dẫn, vận động để phát triển kinh tế...nhưng do trình độ dân trí thấp, tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước nên việc tiếp thu kiến thức mới để áp dụng vào phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế. Chăn nuôi thì manh mún, sản phẩm trở thành hàng hóa còn hiếm và thu nhập không đáng kể.

Theo ông Nông Văn Chung - Bí thư Đảng ủy xã Yên Sơn, giai đoạn 2015 - 2020 xã đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 25 triệu đồng/ha, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng 16%, chăn nuôi tăng từ 5- 8%, tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 4% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người trên 5 triệu đồng/người/năm. Để đạt được những mục tiêu này Yên Sơn đang tận dụng các nguồn vốn, tích cực tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với địa hình. Việc triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã đã bước đầu có những tín hiệu tích cực. 6 tháng đầu năm 2016, đã có 40 hộ dân đăng kí nuôi dê, 31 hộ đăng kí trồng cây trúc sào, chuyển đổi sang trồng các giống ngô lai, lạc mới cho hiệu quả kinh tế cao. Xã cũng đang tích cực phối hợp cùng các cấp, ngành nghiên cứu trồng lại cây dược liệu, đưa các cây gỗ có giá trị kinh tế để trồng rừng, vận động người dân đưa lợn đen vào chăn nuôi với quy mô lớn.

Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về công tác xóa đói giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất. Tích cực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt để từ đó phát huy nội lực, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Quân Trang/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất