Người dân rốn lũ quét
tại xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương chưa quên nỗi kinh hoàng xảy ra trong
những ngày vừa qua. Lũ quét ập về lúc nửa đêm khiến người dân nơi đây
không kịp trở tay. Sau một đêm, nhà dân, trường học bị lũ cuốn tan
hoang.
Ông Vi Văn Tiến, bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh chưa hết bàng hoàng cho
biết: Đêm 14-9, gia đình tôi đang ngủ, bỗng đâu nước lũ dâng nhanh cuồn
cuộn đổ về làm ngập, cuốn trôi tất cả. Lũ đến nhanh, cả nhà chỉ kịp ôm
được mấy bộ quần áo chạy lên núi cao, khi quay về thì không thấy nhà chỉ
còn nền đất trống. Chị Nguyễn Thị Lan, bản Pà Tý, xã Yên Tĩnh đã dựng
lại được ngôi nhà tạm bị nước cuốn trôi trong trận lũ quét vừa qua cũng
nhớ lại: Hôm đó mưa lớn, nước xối xả chảy về kèm theo đất đá, bùn lầy và
cây cối... Chốc lát, dòng nước hung hãn đã cuốn toàn bộ ngôi nhà xuống
sông. May mắn là mọi người trong gia đình đều chạy thoát, không có ai bị
trôi.
Mưa lớn ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tạo thành trận lũ quét qua
Trường THCS xã Yên Tĩnh, vào lúc 2 giờ sáng 14-9. Trận lũ cuốn phăng
nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm của giáo viên và các em học sinh. Ông
Lo Khăm Kha, Trưởng phòng nông nghiệp Tương Dương (Nghệ An), cho biết
trước thời điểm lũ quét qua trường khoảng một giờ, hơn 60 em học sinh
nội trú được nhà chức trách di dời đến nơi an toàn. Trận lũ quét cũng
làm một cây xăng, khoảng gần 20 nhà dân ở xã Yên Tĩnh bị sụt lún, đổ
sập. Các bản Huồi Pai, Chà Lúm, Na Cáng của xã bị cô lập. Ngay khi có
tin lũ quét, lãnh đạo huyện Tương Dương đã điều động các lực lượng Công
an huyện Tương Dương, Ban Chỉ huy quân sự huyện... đã có mặt giúp dân
khắc phục hậu quả.
Quỳ Châu cũng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất
trong đợt mưa lũ vừa qua. Một cơn lũ quét từ xã Thanh Quân, huyện Như
Xuân, tỉnh Thanh Hóa quét qua địa bàn xã Châu Hội khiến cho 10/13 bản
của xã tan hoang. Người dân bản Đơn - xã Châu Hội vẫn chưa hết bàng
hoàng vì cơn lũ quét qua vào lúc hơn hai giờ sáng ngày 14-9. Cầu Tràn
trên tuyến đường duy nhất nối liền các bản của xã Châu Hội đã bị lũ cuốn
phăng, cắt đứt giao thông với hai bản Tằn 1 và Tằn 2. Không chỉ nhà
cửa, cơ sở hạ tầng mà 65 ha lúa mùa của người dân Châu Hội cũng bị nước
lũ vùi lấp. “Khi tôi đang say trong giấc ngủ thì bỗng nghe tiếng “ào”
phía dưới con suối nhà mình. Khi tỉnh dậy, tôi thấy nước đã tràn vào
nhà. Tôi vội đánh thức vợ con dậy và chạy lên trên đồi để thoát thân.
Nước lúc đó lên rất nhanh chừng khoảng 30 phút nước đã lên đến gần nóc
nhà. Từ khi tôi sinh ra và lớn lên đến nay, tôi chưa thấy một trận lũ
nào kinh hoàng đến vậy...”, anh Vi Văn Ngọc, bản Thanh Tân, xã Châu Nga,
huyện Quỳ Châu chưa hết bàng hoàng cho biết.
Ông Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, hai vợ
chồng anh Vi Văn Hải 42 tuổi ở xã Châu Nga đang buộc xe máy để tránh lũ
nhưng cơn lũ quá lớn đã cuốn trôi cả hai vợ chồng lúc bốn giờ ngày 14-9.
Chị vợ bị dòng nước tấp vào rễ cây nên cố leo lên bờ, sống sót. Anh Hải
bị mất tích, chỉ còn lại trên bờ một chiếc áo, một điện thoại di động
và chứng minh thư nhân dân.
Trước những thiệt hại lũ quét gây ra trên diện rộng, Chủ tịch UBND
tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
(BCH PCTT-TKCN) tỉnh Nghệ An đã có Công điện khẩn điện Chủ tịch UNND -
Trưởng BCH PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương khắc phục
hậu quả mưa lũ, đồng thời hỗ trợ thăm hỏi người dân.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An cho biết: Đến chiều 15-9, nhiều tuyến
đường và khu vực dân cư, nhất là ở các huyện miền núi vẫn đang trong
tình trạng ách tắc, cô lập do sạt lở đất đá hoặc ngập nước; trong đó,
Quốc lộ 48E bị ách tắc giao thông tại năm vị trí do sạt lở và nước ngập
có nơi lên đến 0,6m. Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông
nghiệp, nhà ở, công trình hạ tầng. Riêng nông nghiệp, có 7.400 ha lúa,
4.100 ha ngô và các loại hoa màu bị đổ, ngập nước, hư hỏng; 9.472 con
gia cầm, 143 con gia súc bị chết; trên 1.352 ha ao hồ đang nuôi thủy sản
bị ngập...
Tỉnh Nghệ An đã và đang yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay
công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ; triển khai phương án di dời dân
tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; bố trí lực
lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu
nạn; canh gác để hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm,
tràn, bến đò ngang, đò dọc... Tính đến chiều 15-9, các huyện đã di dời
106 hộ dân với khoảng 465 người đến nơi an toàn.
Liên quan đến thông tin có bảy người dân xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu
trên đường đi rừng bị nước lũ cuốn trôi, mất tích, UBND huyện Quỳ Châu
cho biết, đến chiều 15-9 đã xác định chính xác những người này đã liên
lạc được với người thân và vẫn an toàn. Được biết, trong lúc đi hái măng
trong rừng sâu, mưa và lũ quét đột ngột xảy ra trong đêm, bà con đã
chạy lên núi để tránh. Trong thời gian mất liên lạc (từ ngày 13 đến ngày
15-9), những người đi rừng đã tìm kiếm các loại củ, lá, quả trong rừng
để ăn cầm cự.
Hậu quả mà lũ quét gây ra trên địa bàn Nghệ An khó có thể khắc phục
trong ngày một ngay hai. Bởi với khối lượng cơ sở hạ tầng bị hư hại cùng
một diện tích ruộng nước bị vùi lấp như thế này, rất khó có thể phục
hồi như hiện trạng ban đầu để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, tập trung
tối đa mọi nguồn lực, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống vẫn là
nhiệm vụ quan trọng trước mắt của chính quyền các cấp hiện nay. Đặc
biêt, trong điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp thì chủ động ứng
phó với mọi tình huống có thể xảy ra là vấn đề chính quyền và người dân
các địa phương phải luôn sẵn sàng.
Lũ tràn vào nhà người dân.
Bản làng nay chỉ là bãi đất trống tại huyện Quỳ Châu.
Cầu máng ở Bản Khun, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu bị cuốn trôi.
Lúa chết trong bùn do ảnh hưởng lũ lụt, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.
Sạt lở núi.
Nền đường sạt lún tại đường Quốc lộ 7 (huyện Tương Dương).
Người dân dọn đường sau lũ qua.
Lực lượng chức năng huyện Quỳ Châu khắc phục hậu quả sau khi cơn lũ lịch sử đi qua.