Mới đây, tại cảng cá Hòn Rớ (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) đã diễn ra lễ xuất quân Ngư đội Trường Sa dựa trên mô hình “Tàu mẹ - tàu con”. Đây là mô hình liên kết hỗ trợ bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, giảm phí tổn, tăng khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản cho ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phóng viên đã cuộc trao đổi với ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam về vấn đề này…
Vươn khơi, làm giàu từ biển
- Là người đầu tiên đề xuất ý tưởng thành lập Ngư đội Trường Sa, ông có thể cho biết lý do tại sao?
- Đã là ngư dân thì nghề chính là khai thác từ biển và làm giàu cũng từ biển. Muốn vậy, họ phải vươn khơi ra tận Hoàng Sa, Trường Sa, vì những nơi ấy là ngư trường nhiều hải sản. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, bà con ngư dân có chung một nỗi niềm, đó là sản lượng đánh bắt nhiều, song công tác bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu; sản phẩm làm ra đưa về tới đất liền thì kém chất lượng, bán ra thị trường với giá rất thấp, dẫn tới tình trạng thua lỗ. Ở một số địa phương cũng đã xuất hiện các hình thức như nghiệp đoàn, tổ đội đánh bắt hải sản… song hiệu quả thấp vì phương thức quản lý lỏng lẻo; thiết bị dự báo, thông tin liên lạc hạn chế. Phần lớn ngư dân thiệt thòi vì lối làm ăn cá thể. Từ thực trạng đó, tôi đã cất công tìm tòi, nghiên cứu và đề xuất thành lập Ngư đội Trường Sa dựa trên mô hình “Tàu mẹ - tàu con”.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về mô hình “Tàu mẹ - tàu con”?
- Mô hình này là sự hợp tác sản xuất của 6 ngư đội câu cá ngừ đại dương có tên là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Nam. Mỗi ngư đội có 5 “tàu con” và “tàu mẹ” Hải Vương 68 (thuộc Công ty cổ phần thủy sản Hải Vương). Các ngư đội này có nhiệm vụ đánh bắt hải sản quanh vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, DK1.
“Tàu mẹ” có công suất 1.200CV, tổng dung tích 640 tấn, được trang bị hệ thống làm lạnh cấp tốc ở âm 60oC, có khả năng thu mua thủy sản để sơ chế và bảo quản ngay trên biển. “Tàu mẹ” và các “tàu con” được trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa và thiết bị vệ tinh (GPS) để thông tin với nhau. “Tàu mẹ” có nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... để “tiếp sức” cho “tàu con” có thể bám biển dài ngày.
- Quan điểm của ông về mô hình này?
- Tôi nghĩ, việc tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình “Tàu mẹ - tàu con” là thích hợp. Bởi vì, tàu mẹ có 2 chức năng: Thứ nhất, thu gom sản phẩm của các tàu con, rút ngắn thời gian bảo quản, tăng thời gian bám biển của các tàu con, do vậy, nâng cao được chất lượng và tăng sản lượng của tàu con; cung cấp dầu, nước, lương thực, thực phẩm thiết yếu, luân chuyển các thuyền viên trên các tàu con và tàu mẹ. Thứ hai, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả, là chỗ dựa của các tàu con trong quá trình sản xuất trên biển.
- Liệu có thể coi mô hình này là bước đột phá trong việc chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, thưa ông?
- Mô hình “Tàu mẹ - tàu con” có 3 tiêu chí đem đến lợi ích thiết thực đối với ngư dân. Thứ nhất, tàu con không phải chi phí nhiên liệu đi từ bờ ra ngư trường và ngư trường về bờ (bám biển) tiết kiệm được khoảng 70% chi phí nhiên liệu cho 1 chuyến biển. Với giá nhiên liệu hiện nay, cái lợi này không nhỏ; Thứ hai, giảm tổn thất sau thu hoạch do rút ngắn thời gian bảo quản lạnh trên tàu; Thứ ba, tăng chuyến biển, nếu trước đây 1 tháng đi được 1 chuyến biển thì theo mô hình này, ngư dân có thể thực hiện 2 chuyến/tháng. Tuy bước đầu thử nghiệm còn nhiều vấn đề cần giải quyết, khắc phục, nhưng nhìn chung sau một thời gian hoạt động chúng tôi đã thu được những kết quả nhất định. Theo báo cáo của Hiệp hội Cá ngừ đại dương, đã có thêm 15 tàu xin thành lập mới 3 ngư đội tham gia vào Tổ hợp tác 6 Ngư đội - Hải Vương 68. Đó là tin đáng mừng.
|
Ngư đội Trường Sa xuất quân vươn khơi bám biển dài ngày. |
Bám biển, bảo vệ chủ quyền
- Vai trò của Ngư đội Trường Sa trong việc bám biển, bảo vệ chủ quyền là gì, thưa ông?
- Trước đây, ngư dân có thói quen đi biển độc lập, vì họ sợ đi đông sẽ “lộ” ngư trường. Bây giờ đã khác, muốn tồn tại phải liên kết, tương trợ lẫn nhau. Nhất là trong trường hợp gặp hoạn nạn do thiên tai và chống lại sự khiêu khích của tàu nước ngoài. Với việc thành lập các ngư đội, có tàu mẹ (công suất lớn) không những hỗ trợ về mặt thu mua hải sản khai thác được, mà còn tạo nên chuỗi liên kết giúp ngư dân vững tin bám biển.
Việc các tàu tham gia Ngư đội Trường Sa được hỗ trợ lắp đặt miễn phí các máy định vị giúp các lực lượng chức năng ở đất liền dễ dàng theo dõi tiến trình hoạt động của các tàu cá cũng như công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố. Khi có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, các tàu của ngư đội sẽ trực tiếp xua đuổi, hoặc cùng nhau thả câu, lưới... dài hàng chục hải lý trên lãnh hải chúng ta để ngăn cản, đồng thời thông báo với lực lượng chức năng trong bờ để có sự can thiệp kịp thời.
Như vậy, bên cạnh việc hỗ trợ nhau trong khai thác, thu mua hải sản, Ngư đội Trường Sa còn tích cực tham gia xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
- Nhiều năm gắn bó với Hội Nghề cá, lại là người đề xuất ý tưởng thành lập Ngư đội Trường Sa, ông có đề xuất gì để duy trì và phát triển mô hình này?
- Tuy mới thành lập, nhưng hiệu quả kinh tế và ý nghĩa về quốc phòng mà các Ngư đội Trường Sa mang lại là hết sức hiệu quả. Theo tôi, mô hình này cần được nhân rộng, nhất là tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Tuy nhiên, Nhà nước cần có hỗ trợ bù lỗ cho Công ty cổ phần thủy sản Hải Vương trong giai đoạn đầu, hoặc tăng hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần thủy sản Hải Vương nên mở rộng chính sách ưu đãi trong việc mua bán cá với tàu con; phối hợp với Hội Nghề cá tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cách làm ăn mới cho bà con ngư dân, nhất là đối với các tổ, đội, ngư đội tham gia vào mô hình trong giai đoạn thử nghiệm.
- Xin cảm ơn ông!
QĐND