Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 30/5/2013 19:59'(GMT+7)

Nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hiện thực hóa?

Ảnh: Lê Tiến

Ảnh: Lê Tiến

Tiếng nói tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp

Với sứ mệnh phát triển, bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp – chủ thể chính trong việc thi hành pháp luật về kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, năm 2011, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành một cuộc rà soát toàn diện, tổng thể, khoa học trên diện rộng với quy mô lớn về pháp luật kinh doanh với 16 Luật và gần 200 văn bản dưới luật liên quan. Cuộc rà soát này đã thu hút sự tham gia đông đảo của các đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia và các nhà khoa học với hơn 2000 lượt doanh nghiệp, chuyên gia tham gia, trên 800 kiến nghị góp ý.

 
           Ảnh: Lê Tiên, minh họa

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động rà soát 16 Luật liên quan dựa trên các tiêu chí khách quan, khoa học do VCCI và các chuyên gia đưa ra để từ đó nói lên tiếng nói tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra các kiến nghị hữu ích cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới môi trường pháp luật kinh doanh minh bạch, bình đẳng. 16 Luật liên quan được cộng đồng doanh nghiệp rà soát, gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Dân sự, Luật Kế toán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan.


Cùng với đó, gần 200 văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành hướng dẫn thi hành 16 Luật trên cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học soát xét lại một cách kỹ lưỡng. Qua cuộc rà soát này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã đánh giá: “sự trưởng thành của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong việc góp ý xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật mà còn chủ động rà soát để tìm kiếm, phát hiện các vướng mắc, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp ngay từ các quy định của pháp luật để từ đó, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung các quy định pháp luật hiện hành theo những tiêu chí khoa học”. 

Và tại Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh năm 2011 của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu rõ tâm tư, nguyện vọng của mình là đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “rà soát phần phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng theo hướng các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai… thì không để lại trong Luật Xây dựng nữa nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, loại bỏ tình trạng trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật”.

Sẽ hiện thực hóa mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp

Nhìn lại quá trình ban hành các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành mới thấy được nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức chính đáng và thuyết phục bởi lẽ hệ thống pháp luật chồng chéo, trùng lắp hiện hành đã gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện cho cộng đồng doanh nghiệp – chủ thể và cũng là đối tượng chịu tác động trực tiếp của hệ thống pháp luật kinh doanh.

Cụ thể, trước năm 2003, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước (trong đó có đấu thầu xây lắp) được thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ: Nghị định 43/1996/NĐ-CP, Nghị định 88/1999/NĐ-CP, Nghị định 14/2000/NĐ-CP và Nghị định 66/2003/NĐ-CP.

Đến năm 2003, Luật Xây dựng được ban hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004), trong đó có một chương quy định về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng. Đến năm 2005, Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2006), theo đó, các hoạt động lựa chọn nhà thầu (tư vấn, hàng hóa, xây lắp, EPC) đều phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Thực tiễn quá trình thực hiện cũng đã cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp – nhà thầu gặp rất nhiều vướng mắc vì phải thực hiện theo cả 2 luật (Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng) song nội dung lại quy định không thống nhất.

Thời gian qua, để “gỡ vướng và đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật về đấu thầu, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định số 85/2009/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 58/2008/NĐ-CP và Nghị định 111/2006/NĐ-CP) hướng dẫn đồng thời cả hai luật là Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng với tên gọi “Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng”.

Hướng tới hoàn thiện chính sách đấu thầu; tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch; tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; tăng cường hậu kiểm; tăng cường hội nhập với quốc tế và nhằm tạo sự quản lý thống nhất hoạt động đấu thầu, từ năm 2012, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) để thay thế Luật Đấu thầu hiện hành.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 13/9/2012. Theo đó, để khắc phục sự chồng chéo nói trên, Chính phủ đã thống nhất thu hút (chuyển) toàn bộ nội dung Chương VI về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng trong Luật Xây dựng vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo tính tập trung thống nhất của pháp luật, thuận tiện cho các cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn, và đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã nhất trí hủy bỏ Chương VI Luật Xây dựng (quy định tại Điều 108 Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)) nhằm xử lý mối quan hệ giữa Luật Đấu thầu (sửa đổi) với Luật Xây dựng; kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như nêu trên. Vì thế, tại Điều 108 Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định hủy bỏ một số điều, khoản quy định về đấu thầu ở các Luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, loại bỏ tình trạng trùng lặp, mâu thuẫn.

Ban soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tích cực tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 này.

Bích Thảo
Nguồn: Báo Đấu thầu


    • Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã khẳng định: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đô thị, các luật khác có liên quan và các văn bản dưới luật để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng. 
    • Quá trình rà soát, đánh giá pháp luật kinh doanh của VCCI nhận được sự tham gia tích cực của rất nhiều chuyên gia pháp lý, kinh tế trong nước và quốc tế đến từ các công ty luật, văn phòng luật sư, các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xét xử, các chuyên gia độc lập, đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư với 182 tham luận và 879 kiến nghị, trong đó có 276 kiến nghị bổ sung, 501 kiến nghị sửa đổi, 102 kiến nghị hủy bỏ.



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất