(TG) - Chưa có thời điểm nào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại phải đối mặt và trải qua nhiều thử thách như hiện nay. Tuy nhiên, trong gian khó luôn ẩn chứa những cơ hội mới cho những doanh nghiệp hiểu rõ hoàn cảnh, nắm vững thế chủ động để vượt qua thách thức…
Nhận diện thách thức và thời cơ
Năm 2013 đã đi được gần nửa chặng đường, dù khó khăn, thách thức chưa vơi nhưng phần lớn doanh nghiệp (DN) vẫn sáng lên tinh thần lạc quan. Trong gian khó, DN vẫn có sự sát cánh, chia sẻ của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giãn, miễn, giảm thuế, giảm lãi suất, giải ngân vốn đầu tư nhà nước, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý hay các giải pháp xử lý nợ phù hợp cho DN… Những động thái này đã tiếp thêm lực để DN vững vàng vượt khó.
Tuy nhiên, càng trong gian khó càng cần thẳng thắn nhìn nhận những thách thức từ nội tại và khách quan để có kế sách ứng phó hợp lý. Khó khăn cũ chưa được giải quyết, cộng với những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế thế giới chưa có nhiều dấu hiệu tích cực nên gánh nặng không chỉ với các DN mà cả Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ, Bộ Tài chính đã mang cả quyết tâm chính trị vào với mong muốn hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, nhưng do nguồn lực hạn chế, ngân sách hạn hẹp trong bối cảnh khó khăn nên việc tung ra các gói cứu trợ như trước đây đã làm ở thời điểm hiện nay là cả một sự nỗ lực lớn. Không chỉ bằng những giải pháp trước mắt mà còn nhiều giải pháp mang tính bền vững, lâu dài đã được Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội như giảm mức thuế thu nhập DN. Cụ thể là, giảm thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông giảm từ 25% theo Luật hiện hành xuống còn 23% và áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa là sự cân nhắc mang tầm nhìn chiến lược, chia sẻ gánh nặng cho DN, nhận phần khó về mình. Theo tính toán của Bộ Tài Chính, nếu mức thuế suất này được thông qua thì từ năm 2014, dự kiến thu ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập DN còn khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 14.064 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ.
Đối với các DN, thách thức đặt ra cần phải chủ động đối mặt là một số chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển phải điều chỉnh do thiếu nguồn lực và yêu cầu tái cơ cấu. Các dự án giao thông, xây dựng… đang làm dở dang nếu chậm tiến độ khả năng bị đình chỉ là rất lớn chứ không thể "thong dong" như trước đây. Cùng với đó, việc huy động vốn cho đầu tư của nền kinh tế và DN tiếp tục khó hơn. Minh chứng cho điều này là Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin - một DN chi phí đầu tư không nhiều so với lợi nhuận thu được mà còn rất khó khăn khi huy động vốn; hoặc một vài tên tuổi lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm... tuy vẫn huy động được vốn nhưng với lãi suất cao, lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn cũng khó bù đắp được.
Một thách thức đặt ra nữa là bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, thích ứng với những đòi hỏi mới, nhưng đến thời điểm này vẫn không có nhiều DN chủ động tái cơ cấu. Tuy nhiên, giữa lúc các nguồn lực còn hạn chế thì tái cơ cấu như thế nào cũng là một bài toán khó đặt ra với các DN. Để có lời giải nhanh và hiệu quả, các DN lại phải nhờ vào các cơ quan quản lý nhà nước với sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế chính sách, khơi thông các nguồn lực và thị trường…
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức còn vây kín, việc củng cố niềm tin, nắm bắt cơ hội mới để làm thay đổi cục diện là vấn đề cần được các DN quan tâm. Cơ hội đầu tiên các DN cần nắm rõ là điều chỉnh chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế sẽ giúp nền kinh tế kiềm chế lạm phát, ổn định dần, tạo sự phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn và sẽ ra tạo cơ hội mới, tác động tích cực đến các DN.
Một trong những cốt lõi của tái cơ cấu được thay đổi căn bản là cách phân bố nguồn lực, không đổ dồn vốn cho DN nhà nước và đầu tư công. Điều này cho thấy, nguồn lực rồi đây sẽ được phân bổ về cho các DN thực sự đổi mới sáng tạo, có các dự án tiềm năng hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và các FTA mới (EPA, TPP, EU) tạo sự cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, tạo cơ hội về nhiều mặt cho DN trước những xu thế mới thuận lợi hơn (chú trọng thị trường nội địa, nâng trình độ công nghệ, tăng cường lên kết trong khu vực)...
Chủ động trước vận hội mới
Để vượt qua khó khăn, thách thức nắm bắt cơ hội phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi bản thân DN, cần chủ động nắm bắt những vẫn hội mới. Để nắm bắt được các vận hội mới, các DN cần đổi mới từ tư duy đến hành động, thích ứng với thời cơ mới.
Yêu đặt ra là cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cấu trúc DN, tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chủ động nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng. Xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả.
Mặt khác, mỗi DN nên xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề cho việc hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường tính liên kết trong kinh doanh. Trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc các DN - đặc biệt là các DN có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh - tăng cường liên kết sẽ là một hướng đi hiệu quả để có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực cùng vượt qua khó khăn, giảm chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ góp phần nâng cao định mức tín nhiệm của DN trong việc tiếp cận vốn vay.
Tập trung vào năng lực cốt lõi là chiến lược quan trọng nhất để DN có thể tạo “mũi nhọn tấn công” vào các thị trường mới và giữ vững vị trí của mình trên thị trường hiện tại. Với sự tập trung vào năng lực cốt lõi này, các nhà DN mới có thể hiểu sâu được đối thủ cạnh tranh, mới có thể liên tục tự đổi mới mình và đổi mới sản phẩm/dịch vụ của mình, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Xây dựng thương hiệu, tăng cường công tác xúc tiến phát triển thị trường trên cơ sở các kế hoạch kinh doanh và kế hoạch marketing bài bản luôn là điều cần thiết trong bối cảnh thị trường biến động hàng ngày. Theo đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, thị hiếu của khách hàng thường xuyên phải được coi là nhu cầu tự thân của DN. Thiết lập các kênh phân phối hiệu quả là cách thức để giúp các DN tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng, giảm bớt các khâu trung gian, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp thị, bán hàng./.
- TS.
Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Số DN đóng cửa năm
2011 và năm 2012 khoảng 100.000, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện
trong quý I năm nay. Với số lượngDN đang hoạt động (khoảng 450.000),
tất cả đều phải giảm công suất ít nhất 30%, số công suất này tính ra
tương đương với 150.000 DN phải đóng cửa”.
-
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng: “Cần có giải
pháp tích cực, thực chất hơn để thực sự đưa được vốn vào nền kinh tế,
chứ không chỉ là những công bố rầm rộ nay giảm lãi suất, mai giảm lãi
suất nhưng DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn để phục
hồi sản xuất kinh doanh". |
PV