Chủ Nhật, 24/11/2024

Ban Tuyên huấn Khu 5 trong chiến dịch lịch sử 1975

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: tư liệu TTXVN).

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: tư liệu TTXVN).

Những năm tháng trước năm 1975, đa số các đơn vị trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 đều ở xa “Trung tâm chỉ huy”, nhưng vẫn tích cực hoạt động theo kế hoạch của mình dưới sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Ban.

Đầu năm 1975, trước tình hình có nhiều biến đổi, Ban Tuyên huấn Khu 5 - được sự chỉ đạo của Khu ủy đã tổ chức nơi ở, nơi làm việc sát tuyến giao thông cơ giới từ huyện lỵ Trà My (Quảng Nam) qua ngầm Bà Huỳnh đi lên Tây Quảng Nam, nối với tỉnh Kom Tum và các tỉnh Tây Nguyên để thuận lợi cho việc ứng phó với tình hình mới. Lúc này, mọi điều kiện làm việc mặc dầu vẫn là dã chiến (các bộ phận làm việc trong lán trại “thiết kế” từ cây rừng lợp tranh, bàn làm việc là những dóng cây ghép lại đóng cọc xuống đất làm chân), tuy nhiên đã tốt hơn thời gian trước: ngọn đèn dầu hạt đậu trước đây được thay bằng ánh điện máy nổ; đã có điện thoại liên lạc giữa các đồng chí lãnh đạo Ban. Hoạt động, tổ chức và công tác lãnh đạo của Ban cũng có nhiều thay đổi, trước đó, lãnh đạo Ban với trưởng các bộ phận chỉ giao ban đầu tuần, từ thời gian này đã thực hiện giao ban và họp báo hằng ngày để thông tin tình hình tư tưởng và chiến sự.

Công tác ở Ban Tuyên huấn Khu suốt 5 năm liền chưa khi nào có không khí sôi động như những ngày tháng 3/1975 lịch sử. Những ngày ấy, trên đôi bờ Trà Nô, nơi thượng nguồn sông Vu Gia thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, căn cứ Ban Tuyên huấn Khu 5 liên tục có các “đoàn ra đoàn vào”. Đó là những đoàn công tác từ các vùng đồng bằng lên, từ các tỉnh Tây Nguyên xuống báo cáo những “tin sốt dẻo” về tình hình chiến sự; về việc bố trí lực lượng quân chủ lực của ta ở Tây Nguyên; về tư tưởng tình cảm của nhân dân vùng địch tạm chiếm với cách mạng; về lòng mong mỏi của nhân dân được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn... Cả “đại bản doanh” Tuyên huấn Khu 5 luôn trong tinh thần phấn chấn, háo hức, náo nức chuẩn bị cho một cuộc đại thắng, nhất là tại “chỉ huy sở” của các đồng chí lãnh đạo Ban: Nguyễn Sâm, Hồ Quốc Phương, Trương Công Huấn và khối Văn phòng. Tiếng đánh máy “lách cách” không ngớt, tiếng điện thoại “reng reng” liên tục, cùng những cuộc bàn luận sôi nổi trong các cuộc họp giao ban càng làm tăng lên không khí khẩn trương, phấn chấn.

Cùng với kế hoạch tổng tiến công nổi dậy của chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh được phổ biến trước đó, chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) càng làm cho chúng tôi - mỗi chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng ở Ban Tuyên huấn Khu 5 thêm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Để đáp ứng với tình hình phát triển mau lẹ trong cuộc chiến thần tốc của ta, Ban Tuyên huấn Khu 5 đã triển khai một chương trình công tác tiền phương toàn diện đối với các binh chủng trực thuộc. Mũi đột kích là binh chủng tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Văn Kế phụ trách. Với đầy đủ trang thiết bị được chi viện “tức tốc” từ miền Bắc như loa đài, âm ly, băng rôn khẩu hiệu, cờ Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ảnh Bác Hồ… binh chủng tuyên truyền đã khẩn trương tới những vùng chiến sự nóng bỏng và các vùng giải phóng Nông Sơn, Trung Phước, Dùi Chiêng, Bàn Thùng, Bản Làng, Khe Dung, Khe Tân, Đầu Gò, Thác Cạn, Thượng Đức, Bình Kiều… thuộc tỉnh Quảng Nam. Cùng với chiếu phim tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, các đoàn công tác đã tổ chức mít tinh tuyên truyền nếp sống mới, trang hoàng trụ sở chính quyền nhân dân vùng mới giải phóng; treo băng rôn, áp phích; tặng cờ, ảnh Bác Hồ cho các thôn, bản…

Qua hoạt động tuyên truyền, nhân dân các địa phương nhanh chóng, phấn khởi tham gia các hoạt động tổ chức cuộc sống mới, nhiệt tình ủng hộ và dẫn đường cho bộ đội vào tiếp quản những địa bàn địch mới tháo chạy.

Các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng cũng nhanh chóng “bắt nhịp”, lên đường cùng với các cánh quân tiến vào thành phố Đà Nẵng và các thị xã miền Trung để kịp thời viết tin bài gửi ra Hà Nội.

Tiểu ban văn nghệ cũng “điều động” hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia cùng các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương vào chiến dịch để lấy cảm hứng phục vụ sáng tác, biểu diễn.

Sau chiến thắng ở Buôn Ma Thuột, địch tháo chạy dọc đường 7 co cụm xuống đồng bằng. Thừa Thiên Huế, Quảng Trị liên tiếp được giải phóng. Cục diện chiến tranh đang “đẩy” dần vào Nam với nhiều lực lượng hợp thành các cánh quân tiến về Sài Gòn. Công tác tuyên huấn ở Khu 5 ngày một bộn bề và gấp gáp. “Đại bản doanh” ở Trà Nô phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận tiếp quản Đà Nẵng một cách cụ thể, chi tiết. Đồng chí Lê Khâm (nhà văn Phan Tứ) cùng đồng chí Lê Bình, Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu 5 dẫn đầu một đội quân văn nghệ, báo chí thẳng hướng đông xé rừng về thị xã Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thế trận như chẻ tre của quân chủ lực và quân địa phương Quảng Nam đã rượt đuổi quân ngụy tháo chạy như “vịt bẻ đàn”. Thị xã Tiên Phước, rồi Tam Kỳ lần lượt được giải phóng. Lực lượng tuyên truyền, báo chí, văn nghệ Khu 5 bận rộn cả đêm lẫn ngày, tập trung vào các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định đời sống, tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng quê hương giải phóng... Bộ mặt các thị xã rực rỡ trong cờ xanh đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ.

Quân địch ở các thị xã ven Đà Nẵng liên tiếp thất thủ, rối loạn “vọt” về trung tâm thành phố hoặc “nhao” ra cửa biển Mỹ Khê để lên tàu “đào thoát”. Một bộ phận tháo chạy bằng mọi phương tiện dọc đường số 1 vào Quảng Ngãi và tiếp tục tan rã.

“Điểm hẹn” của các binh chủng công tác thuộc Tuyên huấn Khu 5 lúc này là thành phố Đà Nẵng.

Ngày 29/3/1975, quân địch hoàn toàn rút khỏi Đà Nẵng. Các đoàn tuyên truyền, theo kế hoạch, kịp thời “hợp lưu” vào thành phố. Trên hành trình, nhiều đoạn đường bị hỏng nặng, cầu bị sập khiến phương tiện cơ giới không thể tiếp tục di chuyển, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của nhân dân, các “chiến sĩ tư tưởng” của Tuyên huấn Khu 5 vẫn kịp thời có mặt tại “điểm hẹn”. Đoàn của đồng chí Phó Trưởng ban Trương Công Huấn bị “tắc” ở cầu Câu Lâu được nhân dân tận tâm dùng “hon đa”, thuyền ván “trung chuyển” đưa người và thiết bị vào thành phố. Cả rừng cờ sao, ảnh Bác Hồ cùng cán bộ tuyên huấn và nhân dân “rầm rập” tiến về nội đô. Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền - cổ động, các đoàn và các tiểu ban thuộc Tuyên huấn Khu 5 đã kịp thời tiếp quản công sở ngụy quyền làm nơi “tác nghiệp” và nhanh chóng ổn định công tác.

Trong những giờ phút đó, lòng tôi như thấy gần miền Bắc XHCN và gần Hà Nội biết nhường nào. Chúng tôi - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - đã kịp thời có mặt trong tư thế của đội quân chiến thắng giữa lòng Đà Nẵng còn đầy dấu vết của kẻ xâm lược.

Hòa vào khí thế tiến công mùa Xuân năm ấy, tôi cũng được theo một cánh quân của Lữ đoàn 52 tiến vào thành phố Đà Nẵng từ phía Tây huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong những giờ phút đó, lòng tôi như thấy gần miền Bắc XHCN và gần Hà Nội biết nhường nào. Chúng tôi - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - đã kịp thời có mặt trong tư thế của đội quân chiến thắng giữa lòng Đà Nẵng còn đầy dấu vết của kẻ xâm lược.

Ở Đà Nẵng, tại số 5 Ba Đình, tôi cùng với anh em trong Tòa soạn Báo Cờ Giải phóng miền Trung Trung bộ ra số cuối cùng - số 218 - và đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử: làm báo trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước./.

Phạm Văn Song
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất