Thứ Năm, 5/12/2024

Tạp chí Tuyên giáo từ truyền thống vẻ vang đến trách nhiệm hiện tại

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng cán bộ Tạp chí Tuyên giáo qua các thời kỳ trước trụ sở Tạp chí (49 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội) mùa xuân năm 2010.

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng cán bộ Tạp chí Tuyên giáo qua các thời kỳ trước trụ sở Tạp chí (49 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội) mùa xuân năm 2010.

TỪ NHỮNG TỜ TẠP CHÍ TUYÊN TRUYỀN ĐẦU TIÊN

Đảng ta từ rất sớm đã chú trọng công tác tuyên truyền và đã mở rộng việc ra báo, sách, truyền đơn, diễn thuyết, biến sách, báo của Đảng thành tài liệu cổ động tuyên truyền tới quần chúng lao động và toàn thể nhân dân “để họ ủng hộ Đảng Cộng sản, đứng lên làm cách mạng tiêu diệt tận gốc toàn bộ kẻ thù”.

90 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của Ban Tuyên giáo Trung ương với những tên gọi khác nhau: Ban Cổ động và Tuyên truyền trong thời kỳ cách mạng vận động giành chính quyền (1930-1945), Ban Tuyên huấn Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Ban Khoa giáo Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương (gọi chung là Ban Tuyên giáo Trung ương như hiện nay) trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, là sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các tạp chí - cơ quan ngôn luận, đóng vai trò hết sức quan trọng trong các chặng đường phát triển của Đảng, của Ban và ngành Tuyên giáo.

Góp phần làm phong phú thêm tài liệu nghiên cứu, ngày 8/3/1956, Ban Tuyên huấn Trung ương đã ban hành Thông tri số 19/TT-TH về việc xuất bản Tạp chí Thời sự phổ thông (số đầu phát hành tháng 4/1956). Thời sự phổ thông sau khi ra đời đã nhanh chóng gây được nhiều ấn tượng với bạn đọc. Ngày 27/12/1956, Ban Tuyên huấn Trung ương ban hành Nghị quyết số 76/BTH thành lập Tòa soạn Thời sự phổ thông đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban, do đồng chí Lưu Quý Kỳ, Phó Trưởng ban làm Chủ nhiệm. Tổng Biên tập là đồng chí Đặng Đình Giáp. Tòa soạn đặt tại số 6 Lê Thánh Tông, sau chuyển sang số 4 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời sự phổ thông lúc đầu có 32 trang (không kể bìa) , khổ 13 x 18cm sau đã nhanh chóng tăng lên 96 trang và được duy trì trong gần 17 năm.

Nhận xét về Thời sự phổ thông, đầu năm 2016, Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã viết: “Trong cảm nhận báo chí của tôi bấy lâu nay, Thời sự phổ thông là một trong số không nhiều các báo và tạp chí có sức sống mãnh liệt, có hiệu quả tuyên truyền cao và rất gần gũi với đông đảo bạn đọc”.

Ra đời sau ít năm và cùng tồn tại với Thời sự phổ thông là Tạp chí Tuyên huấn (số đầu ra mắt bạn đọc tháng 6/1962) theo quyết định của Ban Tuyên huấn Trung ương, nhằm mục đích “Phục vụ công tác giáo dục lý luận và chính trị là chủ yếu, đồng thời phục vụ một phần công tác tuyên truyền; góp phần bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảng dạy và hướng dẫn học tập lý luận ở các cấp, các ngành…”. Đồng chí Đào Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Huấn học, Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm nhiệm Tổng Biên tập. Sau đó, đồng chí Đào Nguyên Cát được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Trụ sở tòa soạn đặt tại 29 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Tạp chí Thời sự phổ thông và Tạp chí Tuyên huấn là những ấn phẩm báo chí tiền thân của báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng quan tâm đọc và thường xuyên tham gia viết bài, như đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Đào Duy Tùng, Trần Quang Huy… với nhiều bài viết sâu sắc, thấm đậm tính chiến đấu, tính cách mạng, như: “Công tác tư tưởng phải làm như thế nào để người lao động xông ra mặt trận sản xuất như chiến đấu” (Lê Duẩn); “Mỗi tờ báo là một ngọn cờ cách mạng” (Tố Hữu);…

Nhà báo Lê Duy nay đã gần “bách niên giai lão” vẫn còn nhớ như in những quyển tạp chí đầu tiên ấy và những chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Ban đối với Tòa soạn. Ông kể lại, ông rất tâm đắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương: “Tạp chí phải thực sự là tờ tạp chí cho cán bộ cơ sở, phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, mỗi bài không quá hai trang, phải là những vấn đề thời sự nóng hổi cung cấp kịp thời cho cán bộ, để họ làm công tác tuyên truyền, giáo dục ở cơ sở”. Ông coi đó là định hướng quan trọng và luôn quán triệt khi được giao trọng trách làm Tổng Biên tập Tạp chí Sổ tay Giảng viên và Tạp chí Giảng viên sau này.

Thời sự phổ thông Tuyên huấn ngừng xuất bản từ tháng 1/1973 do “gương mẫu” (lời đồng chí Tố Hữu) thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu của tình hình mới. Với gần 17 năm hoạt động (tính từ “mốc” xuất bản Tạp chí Thời sự phổ thông tháng 4/1956), Thời sự phổ thông Tuyên huấn đã để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức hệ thống bài, xây dựng và duy trì các chuyên mục, tính chuyên đề, bám rất sát công tác huấn học của Đảng, đồng thời luôn quan tâm tới nhiệm vụ tuyên truyền của Ban.

Đến giữa năm 1973, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác huấn học, đáp ứng sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, Ban Tuyên huấn Trung ương quyết định xuất bản Tạp chí Sổ tay Giảng viên, trực thuộc Vụ Giảng viên (số đầu ra mắt bạn đọc vào tháng 6/1973).

ĐẾN CÁC TẠP CHÍ TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, cả nước đi vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, nhiệm vụ công tác chính trị tư tưởng đứng trước những yêu cầu mới, sâu sắc hơn bao giờ hết. Chủ trương của Đảng là công tác tư tưởng, tuyên truyền chính trị phải đi trước, làm cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nắm vững đặc điểm của thời kỳ mới, thực hiện đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy mạnh thi đua, giành nhiều thắng lợi mới.

Trong bối cảnh đó, các tạp chí của Ban lần lượt được ra mắt bạn đọc hoặc thay đổi tên gọi cho phù hợp với tình hình mới. Tạp chí Giảng viên được đổi tên từ Tạp chí Sổ tay Giảng viên, ra số đầu vào tháng 1/1977, do đồng chí Vũ Thị Thanh, Vụ trưởng Vụ Giảng viên kiêm Tổng Biên tập, phát hành định kỳ 2 tháng/số; Tạp chí Giáo dục lý luận do đồng chí Lê Duy làm Tổng Biên tập, phát hành số đầu vào tháng 1/1978; Tạp chí Sổ tay Tuyên truyền thuộc Vụ Tuyên truyền do đồng chí Vụ trưởng Lê Xuân Đồng, sau đó là đồng chí Lê Tám phụ trách và kiêm chức Tổng Biên tập; Tạp chí Tuyên truyền do đồng chí Phạm Viết Thiệu và tiếp đến là đồng chí Nguyễn Kim Khang làm Tổng Biên tập.

Năm 1988, theo Quyết định của Trung ương, Ban Văn hóa - Văn nghệ sáp nhập vào Ban Tuyên huấn Trung ương thành Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Theo đó, Tập san Văn hóa - Văn nghệ nhập với Tạp chí Tuyên truyền lấy tên là Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa. Năm 1991, thực hiện quy hoạch báo chí, Tạp chí Giáo dục lý luận được sát nhập với Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa thành tạp chí Công tác Tư tưởng - Văn hóa do đồng chí Phạm Huy Vân làm Tổng Biên tập. Từ năm 1996 - 2006 đồng chí Đỗ Khánh Tặng làm Tổng Biên tập. Cũng trong giai đoạn này, Tạp chí Công tác Tư tưởng - Văn hóa được đổi tên trở lại là Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa. Tiếp sau đồng chí Đỗ Khánh Tặng, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng làm Tổng Biên tập.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, tháng 4/2007, Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa và Tạp chí Khoa giáo hợp nhất thành Tạp chí Tuyên giáo, do đồng chí Nguyễn Tiến Dũng làm Tổng Biên tập; tiếp đến, các đồng chí Trần Doãn Tiến (từ năm 2012), đồng chí Lê Huy Nam (từ năm 2017) được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập đến nay. Cũng từ tháng 7/2008, bên cạnh Tạp chí Tuyên giáo in truyền thống, Tạp chí Tuyên giáo điện tử www.tuyengiao.vn chính thức hòa mạng Internet trở thành kênh thông tin  hiện đại góp phần thực hiện phương châm đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương trong tình hình mới.

Với phương châm: “bút sắc, lòng trong, hướng về cơ sở”, hướng phát triển của tạp chí từng bước được mở rộng, chú ý thích đáng các lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hóa và khoa giáo; coi trọng tính trí tuệ, khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch, chống “diễn biến hòa bình”;...

VÀ TRÁCH NHIỆM HIỆN TẠI

Trải qua nhiều giai đoạn, lúc tách ra, khi nhập vào, có thời gian phải ngừng hoạt động theo quy hoạch báo chí chung và yêu cầu, nhiệm vụ, nhưng từ các tạp chí tiền thân cho đến Tạp chí Tuyên giáo vẫn là một mạch chảy làm trọn sứ mệnh và luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ban qua các thời kỳ; luôn là những ấn phẩm báo chí đi đầu về cổ động, tuyên truyền trong hệ thống báo chí cách mạng. Tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Ban và của tạp chí, lớp cán bộ, biên tập viên của Tạp chí Tuyên giáo hiện nay càng thêm trách nhiệm không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc và nhiệm vụ chính trị được giao.

Đó là, bám sát định hướng chính trị và công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, của Ban Tuyên giáo Trung ương, xây dựng Tạp chí Tuyên giáo trở thành vũ khí sắc bén trong công tác tuyên truyền và giáo dục lý luận chính trị. Tiếp tục có nhiều bài phân tích, bình luận sâu, thể hiện rõ tính định hướng cũng như giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Trong đó, bám sát những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại để truyền đạt kịp thời đến cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến phản hồi của quần chúng nhân dân và đảng viên đối với những vấn đề lớn của đất nước, của ngành Tuyên giáo.

Tập trung nâng cao chất lượng cả bản in và điện tử, hoàn thiện các chuyên mục; tăng cường các bài viết gắn lý luận với thực tiễn. Trong điều kiện “thế giới phẳng” thông tin như hiện nay, đòi hỏi Ban Biên tập phải xác định đúng và trúng đối tượng bạn đọc; làm rõ nội dung các chuyên mục phù hợp với cái mà “người đọc cần” chứ không chỉ là những cái mình có. Từ đó, tập trung cải tiến cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tuyên truyền, dễ giải thích cho bạn đọc. Giữ vững phương châm viết đúng, nói đúng, “cái gì chưa biết chớ nói, chớ viết” như Bác Hồ đã dạy. Trong suốt chặng đường cống hiến vừa qua, đã có nhiều bài viết trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo trở thành tài liệu “gối đầu giường” của đội ngũ báo cáo viên và cán bộ tuyên giáo các cấp.

Trong dòng chảy 90 năm truyền thống công tác tuyên giáo, trên mỗi chặng đường kế tiếp nhau, Tạp chí Tuyên giáo cùng với các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương và đội ngũ toàn ngành tạo nên “sức mạnh tổng thể” trong công tác tư tưởng, tuyên giáo. Kể từ những tờ tạp chí đầu tiên - Thời sự phổ thông, Tuyên huấn - đến nay, với những tên gọi khác nhau, vượt qua mọi khó khăn, mỗi ấn phẩm của Tạp chí Tuyên giáo luôn thể hiện bản lĩnh, ý chí và tính cách mạng qua những trang viết, mang đậm dấu ấn “tiếp nối” của mỗi chặng đường phấn đấu xây dựng và trưởng thành. Cùng với các thế hệ lãnh đạo Ban đam mê và có trách nhiệm viết báo, như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Hà Đăng, Hữu Thọ, Nguyễn Khoa Điềm, Hà Học Hợi, Hồng Vinh, Đào Duy Quát, Nguyễn Ngô Hai,… các thế hệ cán bộ, nhà báo của Tạp chí luôn tự hào góp phần khắc ghi sâu đậm mỗi bước trưởng thành của Tạp chí.

90 năm “Người ra đi, người ở lại nhưng vẫn vẹn nguyên một chữ tình!” - như lời Nhà báo lão thành Hà Đăng đã dành cho Tạp chí Tuyên giáo!./.

Phương Vinh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất