VIỆC THỨ NHẤT
Vấn đề quan trọng nhất của công tác tư tưởng là cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở. Những năm 1980, tôi làm ở Vụ Báo chí của Ban. Nhiều anh chị em phụ trách các báo, đài ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở địa phương thường tâm sự với tôi rằng: chúng em ở dưới ít nắm được thông tin và những định hướng thông tin trực tiếp từ Trung ương, các anh ở Ban nên tính thế nào để giúp anh em, nắm kịp thời các thông tin, có vậy xử lý tuyên truyền trên báo, đài mới nhanh và đúng. Nhiều cuộc họp, hội nghị giao ban báo chí ở địa phương cũng nêu vấn đề này. Tôi cứ trăn trở hoài, thấy trách nhiệm của mình còn thiếu đối với anh em ở địa phương. Rồi một hôm tôi nghĩ ra: Hay là mình làm bản tin gọi là “Thông báo nội bộ” gửi cho các Tổng Biên tập. Trao đổi vấn đề này, anh em trong Vụ đều tán đồng, ai cũng bảo “rất cần thiết, phải làm ngay”. Nhưng ai làm? Người chắp bút phải thu thập thông tin, phải xin ý kiến chỉ đạo của Ban, rồi in ấn còn khó khăn, chưa có máy vi tính, kinh phí eo hẹp. Nhưng tập thể đã quyết thì phải làm và làm bằng được.
Tôi nhận viết những bản đầu tiên để rút kinh nghiệm. Bản “Thông báo nội bộ” số 1 ra đời. Nội dung gồm hai phần: phần Thông tin và phần Chỉ đạo báo chí.
Khi bản Thông báo số 1 ra đời, nhiều Tổng Biên tập gọi điện bảo: “Kinh phí của Ban khó khăn, xin cho chúng tôi góp một phần để in thông báo”. Tôi xin ý kiến anh Lê Xuân Đồng (lúc đó là Phó Trưởng ban thường trực) về việc để các báo, đài góp thêm kinh phí giảm bớt khó khăn cho Ban, đồng thời có khoản để bồi dưỡng cho các đồng chí tham gia viết, in ấn, phát hành. Lãnh đạo Ban đồng ý. Công văn của Ban gửi các nơi, họ chuyển tiền về Ban tới tấp. Có nơi gửi cả năm liền (mỗi tuần/số), có nơi gửi sáu tháng và cũng có nơi không gửi (vì họ cũng khó khăn).
Có thêm kinh phí, bản “Thông báo nội bộ” dành cho các báo, đài phát triển mạnh. Vụ Báo chí bàn với Vụ Tuyên truyền, Vụ Quốc tế lo phần thông tin, Vụ Báo chí lo phần nhận xét báo chí trong tuần và định hướng tuần sau. Sau khi ba vụ soạn thảo xong, báo cáo lãnh đạo Ban, Ban đồng ý thì mới in, phát hành....
Tổng biên tập các báo, đài cả nước nhận được thông báo của Ban đều phấn khởi, ai cũng bảo “có cái gậy để làm việc, không lo sai sót”. Anh chị em ở Vụ Báo chí lúc đó thay phiên nhau biên soạn thông báo, cứ vài số lại rút kinh nghiệm để cải tiến.
Rất mừng là từ tờ tin “Thông báo nội bộ” số 1 năm 1987 cho đến tờ “Thông tin báo chí tuần” hiện nay đã hơn 33 năm, không biết xuất bản bao nhiêu số, nhưng điều quan trọng là tính liên tục, đúng kỳ phát hành hàng tuần và thực sự có hiệu quả, giúp Tổng biên tập các báo, đài cập nhật được thông tin và định hướng thông tin của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Và cũng từ kinh nghiệm làm thông tin khi còn ở Vụ Báo chí, khi chuyển sang làm Chánh Văn phòng Ban, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là cần có bản thông tin cho lãnh đạo Ban tuyên giáo của địa phương và cơ quan Trung ương... Từ năm 1993, bản “Thông tin tổng hợp” do bộ phận Tổng hợp của Ban soạn thảo hình thành. Bản thông tin lúc ấy gồm hai phần: phần tình hình tư tưởng và phần cung cấp thông tin, sau này cải tiến thành bản tin “Thông tin công tác tuyên giáo” như hiện nay (2020). Điều vui nhớ mãi từ ngày ấy đến nay của tôi là những cán bộ làm công tác tư tưởng đã ngày càng tiếp nhận được nhiều thông tin và định hướng thông tin, một phần quan trọng là do các bản thông tin của Ban cung cấp. Các bản thông tin ấy phát hành hàng tuần, mỗi tuần vài trăm bản, ngày càng được nhiều cán bộ trong ngành sử dụng. Cũng là một bài học kinh nghiệm trong hoạt động công tác tư tưởng của Đảng 90 năm qua: Phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và định hướng thông tin kịp thời, nhất là khi có những sự kiện diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần sự thống nhất cao về tư tưởng trong Đảng và xã hội.
VIỆC THỨ HAI
“Làm công tác tư tưởng - văn hóa mấy chục năm, khi về hưu chẳng có cái gì để kỷ niệm” rồi “ngành này, ngành kia đều có ngày truyền thống, ngành tư tưởng - văn hóa ta chẳng có ngày nào”. Đó là nỗi trăn trở của không ít lãnh đạo công tác tuyên giáo địa phương, cơ sở thường nói với chúng tôi rất nhiều lần mỗi khi gặp nhau. Mỗi lần nghe anh chị em trong ngành nói vậy, tôi như muốn khóc vì tủi thân. Tôi suy nghĩ, day dứt mỗi lần nhớ lại câu nói của các anh chị đồng nghiệp: Phải chăng ta nên tiến hành nghiên cứu ngày truyền thống của ngành?
Tôi đem suy nghĩ của mình tâm sự với anh Hà Đăng, lúc đó là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Anh Hà Đăng thấy ý kiến anh chị em là thích đáng, cần phải tính, nhưng thời gian ấy chưa có điều kiện. Sau Đại hội VIII của Đảng, anh Hữu Thọ về làm Trưởng ban, tôi lại đem suy nghĩ và ý tưởng tìm ngày truyền thống của công tác tư tưởng báo cáo với anh. Thời gian này tiến hành là phù hợp vì sắp kết thúc thế kỷ 20. Được anh Hữu Thọ đồng ý, tôi vui lắm, bắt tay vào làm kế hoạch. Ngày ấy, đề xuất gì chung quanh việc nghiên cứu lịch sử ngành, anh Hữu Thọ đều đồng tình và nhắc cần khẩn trương cho kịp kỷ niệm vào năm 2000, trước khi bước sang thế kỷ 21.
Ban mời một số đồng chí cán bộ lâu năm đã nghỉ hưu lên cộng tác cùng với tôi. Các anh Văn Trung, Đắc Ngoạn, Đoàn Thế Nga sẵn sàng tham gia làm lịch sử. Lúc ấy, vừa phải điều hành công việc văn phòng Ban, vừa phải lo lộ trình lịch sử ngành, công việc bận bịu nhiều, nhưng rất vui, quên cả mệt nhọc, sớm, khuya. Cứ hình dung vào ngày kỷ niệm truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa đầu tiên, có đông đủ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, anh chị em trong ngành đến dự, tôi lại xúc động không cầm được nước mắt...
Và tin vui đến với Ban, nhóm nghiên cứu của chúng tôi, sau những ngày sưu tầm tài liệu vào giữa năm 1998, đã tìm ra ngày truyền thống của ngành - ngày 1 tháng 8 năm 1930. Ngày 1 tháng 8 năm 1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phát hành tài liệu “Ngày quốc tế Đỏ 1 tháng 8”. Đây là tài liệu duy nhất còn lại nguyên bản của ngành ta còn lưu được ở Cục Lưu trữ Trung ương. Sau khi tham khảo ý kiến Viện Lịch sử Đảng, Cục Lưu trữ (Văn phòng Trung ương Đảng), lãnh đạo Ban thống nhất lấy ngày 1 tháng 8 năm 1930 là ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Kết luận của lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương vào quý 4 năm 1998: làm báo cáo xin ý kiến Thường vụ Bộ Chính trị cho phép lấy ngày 1 tháng 8 năm 1930 là ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam và xin được tổ chức lần đầu tiên kỷ niệm 70 năm công tác tư tưởng - văn hóa vào 1 tháng 8 năm 2000 tại Hà Nội và các địa phương. Đồng thời tiến hành sưu tầm biên soạn sơ thảo lịch sử 70 năm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2000)...
Thường vụ Bộ Chính trị đã đồng ý theo đề nghị của Ban Tư tưởng - Văn hóa cho phép kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Công tác Tư tưởng - Văn hóa.
Thế là công việc bắt đầu “vào guồng”. Tôi được phân công làm tổ trưởng Tổ biên soạn lịch sử. Các anh Văn Trung, Đắc Ngọc, Đoàn Thế Nga bắt tay ngay vào sưu tầm tài liệu, có chị Quỳnh Hoa làm thư ký biên soạn, lo khâu tài liệu. Thấy công việc xuôi chiều, tôi lại bàn với mấy anh nên xuất bản thêm hai cuốn nữa vào dịp kỷ niệm 70 năm, đó là cuốn “Hồ Chí Minh về công tác Tư tưởng - Văn hóa” và “Các văn kiện của Đảng về công tác Tư tưởng - Văn hóa” hai tập. Nhiều Ban Tuyên giáo địa phương theo hướng dẫn của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã viết sơ thảo lịch sử của ban mình gửi cho chúng tôi để đưa vào lịch sử chung toàn ngành.
Đầu năm 1999, tôi trao đổi xin ý kiến anh Hữu Thọ về việc ta nên làm kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa” để trao tặng cho anh chị em gắn bó lâu năm với ngành và truy tặng các cán bộ tư tưởng, văn hóa hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ý tưởng ấy được Ban chấp nhận, tôi bàn với họa sỹ Ngô Bình Thiểm (lúc ấy ở Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa) phác thảo một số mẫu kỷ niệm chương nêu bật đặc trưng của công tác tư tưởng. Sau hơn một tháng, họa sỹ Ngô Bình Thiểm đưa ra bốn mẫu phác thảo. Mọi người cho ý kiến. Cuối cùng lấy được một mẫu, nhưng có bổ sung thêm bộ phận ghim đeo ở phía trên sao 5 cánh.
Công việc thật gấp rút. Nhóm biên soạn, sau khi sưu tầm tài liệu, đã bắt tay vào soạn thảo lịch sử. Tôi và phòng quản trị sang nhà máy Z17 của Quân đội ở Kim Anh đặt làm kỷ niệm chương: “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa”. Đồng thời soạn thảo tiêu chuẩn, đối tượng tặng kỷ niệm chương gửi các ngành và địa phương và các việc chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành...
Có một việc là tên cuốn lịch sử nên gọi là gì cho phù hợp. Lúc đầu, lấy tên là “Lịch sử 70 năm công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam 1/8/1930 - 1/8/2000”. Sau, thấy không ổn vì thời gian soạn thảo gấp, tư liệu chưa đầy đủ, nhỡ có sai sót, nên anh Hữu Thọ bảo hay là ta lấy tên cuốn sách là “Sơ thảo lịch sử...”. Sau, thấy cũng chưa ổn, vì nói lịch sử thì phải đầy đủ sự kiện cả chặng đường 70 năm, trong khi ta chưa đủ tư liệu, nên anh Hữu Thọ lại bảo ta nên lấy tên là “Sơ thảo lược sử...” cho nó khiêm tốn hơn. Anh em đồng tình với tên sách “Sơ thảo lược sử công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam 1/8/1930 - 1/8/2000”. Cuối năm 1999, bản thảo cuốn sách được đưa xuống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia biên tập, in ấn. Cùng lúc ấy, các ngành và địa phương gửi danh sách cán bộ về Ban để tặng và truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng -Văn hóa”. Văn phòng Ban những ngày ấy làm việc cả thứ bảy, chủ nhật để gửi kỷ niệm chương về các địa phương cho kịp ngày kỷ niệm.
Và ngày kỷ niệm đã đến. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hóa lần đầu tiên vào ngày 31/7/2000 tại trụ sở Trung ương Đảng (số 4 Nguyễn Cảnh Chân - Hà Nội). Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự. Cán bộ, nhân viên Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ai nấy đều vui vẻ, tự hào với ngày truyền thống của mình. Khách đến dự kỷ niệm đều được tặng cuốn sách “Sơ thảo lược sử công tác Tư tưởng - Văn hóa”. Nhìn kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa” trên ngực áo mọi người, nổi màu vàng sáng dịu, lòng tôi tràn ngập niềm vui và sự xúc động.
Và cũng vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2000, tất cả Ban Tuyên giáo các địa phương, ngành Trung ương, các đoàn thể chính trị, quân đội, công an, Học viện và các Phân viện thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống ngành, trao tặng và truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa” cho cán bộ lâu năm và cán bộ đã hy sinh.
Thật xúc động, ngày ấy chỉ nhìn vào danh sách cán bộ, trong đó có hàng trăm liệt sỹ của ngành được tặng và truy tặng kỷ niệm chương tôi càng thấy mình làm việc chưa được bao nhiêu so với các bậc đàn anh đi trước.
Kỷ niệm 70 năm công tác Tư tưởng - Văn hóa, Ban đã trao tặng và truy tặng gần một vạn kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa” cho cán bộ toàn ngành. Và cũng kể từ năm 2000, ngày 1 tháng 8 hằng năm đã trở thành ngày hội có ý nghĩa sâu sắc của những người làm công tác Tư tưởng - Văn hóa các thế hệ. Ngày 1 tháng 8 đã đi vào lịch sử của ngành và mỗi lần đến ngày đó, mọi người đều nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới chặng đường tiếp theo, để ngày càng hoàn thiện hành trang của nghề nghiệp - nghề Tuyên giáo. Nghề Tuyên giáo - nghề nói, nghề viết, nghề ai cũng bảo rất khó làm, nhưng nghèo hơn nhiều nghề khác. Nhưng hễ ai đã vào nghề này đều chung cảm nhận, nghề làm cho mình “lớn lên” về tư duy, chững chạc về phong cách, hiểu biết nhiều điều do nắm được không ít thông tin và đặc biệt mối quan hệ rộng. Tuy nghèo nhưng sống trong nghề thì mới thấy hết tình nghĩa sâu nặng của ngôi nhà Tuyên giáo. Những thế hệ cán bộ nghỉ hưu ở Ban Tuyên giáo Trung ương luôn nhắn nhủ chân tình “Ban ta sống đoàn kết, chân thành và rất có tình nghĩa, trước sau” - chính điều đó là động lực cho sự phát triển của Ban và cũng là truyền thống quý làm nên lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo./.
Trần Trúc Thanh
Nguyên Chánh Văn phòng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương,
Nguyên Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu, biên soạn
Lịch sử Tư tưởng - Văn hóa của Đảng