Thứ Sáu, 22/11/2024

“Vượt rào” để đổi mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng (Giải Búa liềm vàng), lần thứ tư - năm 2019. (Ảnh minh họa).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng (Giải Búa liềm vàng), lần thứ tư - năm 2019. (Ảnh minh họa).

Ngày 18/6/2016, hai lãnh đạo cao cấp của tỉnh Yên Bái cùng bị sát hại tại phòng làm việc. Thời điểm gây án lúc 7 giờ 45, chỉ ít phút trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ hai Hội đồng Nhân dân tỉnh. Thủ phạm được cho là tự sát ngay sau đó, tại phòng làm việc của nạn nhân thứ hai.

Đây là một vụ án xảy ra bất ngờ, nghiêm trọng, chấn động địa phương và dư luận.

Khoảng hơn 8 giờ cùng ngày, lãnh đạo Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận được điện thoại của anh Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hỏi về việc báo chí thành phố sẽ đưa tin về vụ nổ súng như thế nào? Anh Minh cũng cho biết, một số cơ quan báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được yêu cầu của một cơ quan quản lý về việc tạm thời chưa thông tin, chờ nội dung cung cấp chính thức của cơ quan chức năng.

Thực ra, tới lúc đó, Vụ Báo chí - Xuất bản cũng chưa biết vừa có một vụ án nghiêm trọng tới mức ấy. Theo quy định, Vụ phải xin ý kiến Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương về chỉ đạo định hướng thông tin. Để nắm thêm tình hình báo cáo cấp trên, lãnh đạo Vụ liên lạc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái, nhưng không có hồi đáp. Trong tình thế đó, chúng tôi nghĩ đến anh Bùi Anh Túy, nguyên Tổng Biên tập báo Yên Bái và anh Nguyễn Minh Tuấn, người kế nhiệm anh Túy (nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái), được hai anh xác nhận vụ án đã xảy ra; các cơ quan chức năng đang tập trung triển khai việc xử lý.

Vậy là vụ nổ súng nghiêm trọng đã được khẳng định. Vấn đề đặt ra lúc này: đưa tin ngay hay không? Và làm thế nào để có thông tin chính thức, chuẩn xác?

Cùng thời điểm này, báo điện tử của một cơ quan báo chí khối tư pháp “hấp tấp” thông tin thiếu chính xác rằng: thủ phạm đã nổ súng vào hai lãnh đạo địa phương ngay tại hội trường diễn ra kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh, để rồi  phải gỡ thông tin sau ít phút khi nhận ra chi tiết sai.

Tiếp nhận báo cáo cùng đề xuất của Vụ Báo chí - Xuất bản (có lẽ tới thời điểm đó, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã nắm được thông tin chính xác và đầy đủ hơn từ nhiều kênh khác). Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo: đưa thông tin ban đầu nhanh nhất có thể. Anh Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (được giao phụ trách Vụ Báo chí - Xuất bản thời điểm đó), điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh Yên Bái đề nghị tổ chức họp báo ngay đầu buổi chiều.  

Từ tinh thần chỉ đạo đó, Vụ Báo chí - Xuất bản cho rằng, với lợi thế tại chỗ, cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Yên Bái có điều kiện hơn các cơ quan báo chí khác nên đã đề nghị Lãnh đạo TTXVN chỉ đạo phóng viên thường trú cố gắng có được thông tin và đăng tải sớm.

Nhưng câu chuyện hóa ra khó hơn chúng tôi nghĩ. Là bởi, Yên Bái thời điểm này ví như “tang gia bối rối”; cơ quan chức năng đang xem xét vụ việc; tỉnh chưa thể hoặc chưa nghĩ tới việc cung cấp thông tin cho báo chí, cho dù đó là thông tin ban đầu. Tiếp cận hiện trường để có thông tin trực tiếp lúc này càng là điều không thể vì đang bị cơ quan điều tra phong tỏa.

Mạng xã hội, một số hãng truyền thông nước ngoài bắt đầu “lác đác” đưa thông tin, bình luận, trong đó, không ít nội dung suy diễn, võ đoán. Thông tin không chính thức, nhỏ giọt càng khiến dư luận nghe ngóng, đồn đoán nhiều hơn.

Nửa buổi sáng vẫn chưa có được thông tin như chỉ đạo. Anh Phạm Văn Linh sốt ruột, luôn hỏi Vụ Báo chí - Xuất bản về tình hình. Khi ấy, Vụ biết tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên Yên Bái nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc. Thủ tướng đi, hẳn có phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), TTXVN cùng một số báo đi cùng - Từ suy nghĩ đó, qua điện thoại, lãnh đạo Vụ đề nghị anh Lê Ngọc Quang, lúc đó là Phó Trưởng ban Thời sự VTV (nay là Phó Tổng Giám đốc VTV), nếu có thể, đưa tin ban đầu về vụ việc sớm nhất...

11 giờ cùng ngày, VTV, TTXVN và một số cơ quan báo chí đưa tin đầu tiên về vụ nổ súng. Thông tin chính thức, dù chỉ trong mức độ ban đầu, giúp cho người dân địa phương cũng như cả nước nắm được sự việc nghiêm trọng tới mức nào, cũng như biết rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có mặt tại Yên Bái, đang chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định.

Tiếp đó, 14 giờ chiều, như đề nghị của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, một cuộc họp báo được tổ chức với tham dự của nhiều cơ quan báo chí ở Hà Nội vừa kịp có mặt. Trong cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà và Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh, chính thức xác nhận: thủ phạm là Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã dùng súng ngắn bắn vào hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Và ngay sau đó, Đỗ Cường Minh đã tự sát và chết tại bệnh viện chiều cùng ngày. Lãnh đạo tỉnh cũng trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên; nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp thiết của địa phương lúc này là khẩn trương triển khai những công việc nhằm ổn định tình hình, bảo đảm mọi hoạt động bình thường của địa phương; tập trung phòng chống cơn bão số 3 và chuẩn bị chu đáo tang lễ của hai đồng chí lãnh đạo tỉnh vừa qua đời; cảm ơn sự quan tâm báo chí và mong báo chí thông tin về vụ việc khách quan, góp phần hỗ trợ địa phương ổn định tình hình.

Nội dung họp báo được các báo điện tử thông tin gần như tức thời. Chương trình thời sự 18 giờ của VOV và 19 giờ của VTV cùng ngày đã dành thời lượng đáng kể để thông tin vụ việc; khẳng định tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý vụ án theo pháp luật cùng yêu cầu sớm ổn định tình hình ở địa phương...

Với tiến độ, liều lượng, thời lượng như trên, các cơ quan  báo chí đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân và dư luận về những thông tin ban đầu; góp phần hạn chế đáng kể thông tin suy diễn, đồn thổi, không chuẩn xác về vụ việc. Tới mức, một số cơ quan báo chí nước ngoài và một số mạng xã hội vốn thiếu khách quan với nhà nước ta, cũng phải ngạc nhiên, ngỡ ngàng về việc báo chí ta không chỉ đưa sớm, mà còn họp báo sớm để thông tin đầy đủ về một vụ án nghiêm trọng, chưa từng có, khác hẳn cách xử lý dè dặt trong một số trường hợp trước kia.

Sau bốn năm diễn ra sự việc, nhớ lại, câu chuyện có vẻ như đơn giản. Nhưng thời điểm đó, chỉ một chút chần chừ, ngập ngừng ở một nơi nào đó, nhất là ở cấp lãnh đạo, thông tin có thể đã bị hãm lại, với lý do “nhạy cảm”, cần “cân nhắc”. Nhiều khi, “cân nhắc” kéo dài tới vài ngày, tới lúc người dân, công chúng đã “bội thực” vì được “nhồi” thông tin từ mọi nguồn, trong đó có mạng xã hội và các cơ quan truyền thông nước ngoài. Kết quả là thông tin không những không còn ý nghĩa thời sự mà báo chí còn tự đánh mất vai trò định hướng dư luận.

Liên quan sự “cân nhắc”, “thận trọng” có khi tới mức chậm trễ này, có thể nêu nhiều thí dụ mà không ít anh chị em làm báo chưa quên, vẫn còn day dứt, trăn trở, tiếc nuối, cảm thấy như mình có lỗi, không hoàn thành nhiệm vụ, dù nguyên nhân không thuộc về họ. Trong thực tế, cũng từng có cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, không thể chờ đợi, đã “vượt rào” để thông tin kịp thời sự kiện, trong một tâm trạng hồi hộp và lo lắng. Chỉ có điều, “vượt rào” trong trường hợp này, cần được ghi nhận như một tinh thần quả cảm, dám chịu trách nhiệm trước một công việc không thể không làm.

Trong trường hợp xử lý thông tin về vụ nổ súng ở Yên Bái, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhất quán về quan điểm thông tin chủ động, kịp thời; và chỉ đạo để có thông tin sớm, đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân và xã hội về một vụ việc rất nóng, phát huy được vai trò định hướng dư luận của báo chí cách mạng.

Chúng tôi nhớ sâu sắc, ngay sau khi nhận trọng trách Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, anh Võ Văn Thưởng không hài lòng trước tình trạng một số sự kiện, vụ việc, báo chí thông tin chậm. Bắt tay ngay vào việc, anh tìm hiểu nguyên nhân. Nguyên nhân nào thuộc về khách quan, trên cương vị của mình, anh quan tâm và tích cực tìm cách tháo gỡ. Nguyên nhân nào thuộc chủ quan cơ quan tham mưu, cơ quan báo chí, anh yêu cầu các cơ quan đó khắc phục với những giải pháp cụ thể, tiến độ cụ thể. Đồng thời, anh luôn lắng nghe yêu cầu, đề xuất của báo chí và cố gắng tạo điều kiện để các cơ quan báo chí có thông tin sớm nhất, kể cả các thông tin quan trọng nhưng không ảnh hưởng lợi ích quốc gia, không thuộc phạm vi mật, nhằm đáp ứng quyền được thông tin của người dân và công chúng.

Nói thế không có nghĩa các đồng chí lãnh đạo Ban trước đây không quan tâm và coi nhẹ tính chủ động, kịp thời của thông tin báo chí. Chủ động, kịp thời - đó còn là phương châm, nguyên tắc chung của cả ngành Tuyên giáo, từng được khẳng định nhiều lần, nhất là trong các hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc hằng năm. Từ năm 2008, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thấy những bất cập trong chỉ đạo, định hướng thông tin, đã kiến nghị và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý, giao chủ trì xây dựng, sau đó, Thường trực Ban Bí thư (khóa X) ký ban hành Quy định 157-QĐ/TW ngày 29/4/2008 về việc “Chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí”. Có thể khẳng định, đây là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, thực sự là cơ sở chính trị cho công tác tham mưu, chỉ đạo, định hướng báo chí suốt 12 năm qua. Anh Hồng Vinh, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương luôn đôn đốc; anh Nguyễn Thế Kỷ, khi đó là Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, rất tích cực trong việc triển khai công việc này. Nội dung Quy định 157-QĐ/TW đã xác định khái niệm thông tin “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm”; đồng thời, khẳng định, đề cao ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chủ động thông tin những vấn đề liên quan một cách kịp thời, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tính định hướng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của công chúng.

Anh Vũ Ngọc Hoàng, lúc là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, là người hiểu sâu sắc công tác báo chí và có quan điểm rất thực tiễn về công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, đã nói chí lý rằng: trong chỉ đạo, định hướng báo chí, khó nhất và cũng quan trọng nhất, là đối với các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Ngoài cái đó ra, báo chí chỉ cần thực hiện thông tin đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng là được, đương nhiên, phải sáng tạo, sinh động và hấp dẫn để có sức lan tỏa, sức thuyết phục công chúng.

Thực tiễn công tác báo chí cho thấy: nhận thức thế nào là quan trọng, phức tạp, nhạy cảm không phải lúc nào, trường hợp nào cũng dễ dàng, thống nhất. Không ít trường hợp có độ “chênh” giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý với cơ quan báo chí; giữa cơ quan Trung ương với địa phương; giữa lãnh đạo báo với phóng viên, biên tập viên; giữa báo chí và dư luận xã hội nói chung trong nhận thức về vấn đề này... Liên quan vấn đề này còn là việc xử lý quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm định hướng và yêu cầu thông tin khách quan nữa. Và còn nhiều, nhiều vấn đề, khía cạnh liên quan khác, khiến việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chỉ đạo thông tin nhiều khi có phần bị phân tán, không triệt để, thiếu tính chủ động, kịp thời.

Không ai, không tập thể nào mong xảy ra một vụ án đau lòng để thể hiện, chứng tỏ năng lực chuyên môn hoặc tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, việc chỉ đạo và thông tin vụ án tại Yên Bái tháng 6/2016 thực sự đáng được ghi nhận. Qua đó, chúng ta rút ra các bài học kinh nghiệm nhiều mặt: về quan điểm thông tin: phải chủ động, kịp thời, đáp ứng ngay các thông tin đầu tiên; về vai trò chỉ đạo thông tin: cần tập trung một đầu mối, không để phân tán; về phối hợp: phải chặt chẽ, thống nhất; về nội dung: phải chuẩn xác, không hấp tấp dẫn đến sai sót, v.v.

Sau vụ nổ súng tại Yên Bái, nhiều sự kiện, sự việc tiếp theo đã được chỉ đạo, triển khai thông tin theo tinh thần, quan điểm, phương châm chủ động, kịp thời nêu trên, trong đó có cả thông tin các đồng chí nguyên hoặc đương nhiệm lãnh đạo cấp cao từ trần; thông cáo báo chí các ngày họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; gần đây, còn tổ chức họp báo trước hội nghị Trung ương Đảng.../.

Vũ Đình Thường
Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản,
Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất