Ngày 30/9, hãng tin BBC cho biết Ấn Độ đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1972, với lượng mưa thấp hơn 23% so với mức trung bình.
Ấn Độ là nước có sản lượng lúa gạo, mì và đường cao thứ 2 thế giới. Hàng triệu nông dân Ấn Độ ở vùng nông thôi phải lệ thuộc vào lượng mưa để trồng cấy.
Các quan chức thừa nhận rằng lượng mưa thấp đã gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế của Ấn Độ. Hôm nay là ngày cuối cùng trong tháng thứ 4 của mùa mưa tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, lượng mưa phân bổ không đều tại Ấn Độ với khu vực tây bắc lượng mưa thấp hơn mức trung bình 36%, trong khi đó các khu vực phía nam của đất nước lượng mưa thấp hơn 7% so với mức trung bình.
Năm 1972, lượng mưa ở Ấn Độ thấp hơn 24% so với mức trung bình, trong khi những năm xảy ra hạn hán khác như 2002, 1987 và 1979 cũng có lượng mưa thấp hơn 19% so với mức trung bình.
Không chỉ tàn phá vụ thu hoạch của nông dân trồng lúa, mía, và lạc ở Ấn Độ, lượng mưa thấp còn làm cạn kiệt nguồn nước đổ vào các đập chứa vốn là nguồn sống của các nhà máy thủy điện, cũng như hoạt động tưới tiêu trong mùa đông.
Tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đã cảnh báo Ấn Độ có thể phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông cho biết lượng thực phẩm dự trữ của nước này đủ đảm bảo cho người dân.
Tuy nhiên, nhiều nông dân hiện nay đang phải chống trọi với việc thiếu nước trồng trọt. Ngoài ra họ còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay khi mà giá cả của một số mặt hàng thiết yếu như đường đã gia tăng mạnh mẽ bởi vì sản lượng của vụ thu hoạch mía sắp tới chắc chắn sẽ ở mức thấp./.
(Theo: VnMedia)