Báo chí cần làm tốt vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (21/4/1950-21/4/2010) được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trọng thể tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội ngày 20/4, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị , Thường trực Ban Bí thư đã trao tặng Hội bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi dòng chữ: " Báo chí Việt Nam - Trung thành, Sáng tạo, Bản lĩnh, Đổi mới - vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đồng thời nhấn mạnh yêu cầu nêu trên.
Tới dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa.
Phát biểu tại buổi lễ, Đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đánh giá cao những thành tựu và đóng góp to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam trong chặng đường 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo nước nhà đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phản ánh sinh động thực tế hào hùng của các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như thực tiễn sôi động của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần khơi dậy và làm sôi động các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta.
Đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu, báo chí cần phát huy những thế mạnh, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm để làm tốt vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, tuyên truyền, vận động, tập hợp, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Theo Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh, đội ngũ những người làm báo, nòng cốt là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đã phát triển nhanh chóng, từ 300 hội viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp lên tới 17.000 hội viên hiện nay.
Hoạt động của các cấp Hội ngày càng đi vào nền nếp, hướng vào việc nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ nghiệp vụ, bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của những người làm báo trong một đoàn thể có tổ chức chặt chẽ theo 3 cấp từ Trung ương tới chi hội cơ sở các tỉnh, thành phố.
Hội đã có sáng kiến đề ra Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí (nay là Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo) và Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Giải báo chí toàn quốc và Hội báo Xuân hàng năm do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa trong dịp Tết đến xuân về.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, đã diễn ra nhiều hoạt động chào mừng, như Liên hoan lần thứ 2 Tiếng hát người làm báo Việt Nam, Hành trình về khu di tích xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, Giao lưu các thế hệ người làm báo.../.
(Cổng TTĐTCP)