Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 18/4/2010 15:1'(GMT+7)

Các Anh hùng liệt sĩ là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao danh hiệu anh hùng LLVTNN tặng các tập thể

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao danh hiệu anh hùng LLVTNN tặng các tập thể

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết  đến dự và trao danh hiệu AHLLVTND  tặng các tập thể và cá nhân. Cùng dự còn có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Ðại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Hà Nam và nhiều đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Phát biểu ý kiến tại lễ trao tặng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời biết ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và có những đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Ở đâu trên đất nước này cũng đều ghi nhận những dấu chân anh hùng, mỗi người dân là một chiến sĩ, một anh hùng; các anh hùng liệt sĩ là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bông hoa đẹp trong rừng hoa cách mạng Việt Nam. Ðể tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm hết sức mình quy tập hài cốt các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng, chăm lo gia đình và thân nhân các liệt sĩ, chăm sóc các thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, cùng nhiều việc làm thiết thực khác để hàn gắn vết thương chiến tranh, đem lại niềm vui, nụ cười và cuộc sống ấm no cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, có công với cách mạng.

Trong không khí hào hùng của những ngày 30-4 lịch sử, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", quyết tâm bảo vệ vững chắc Ðảng CS Việt Nam, chế độ XHCN và cách mạng Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.

Các tập thể và cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu AHLLVTND đợt này là những đơn vị, tập thể, cán bộ, chiến sĩ đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chống đế quốc Mỹ, cứu nước và trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có những cái tên đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước nói chung và nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng dành nhiều tình cảm và lòng tôn kính sâu sắc, như: Ban Binh vận Trung ương Cục miền nam, Tập thể 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (Bình Chánh) - Mậu Thân 1968, Ban Hoa vận Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh, Quân dân y Sài Gòn - Gia Ðịnh, các đơn vị thuộc Biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh, Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh, Thành Ðoàn Sài Gòn - Gia Ðịnh; Thiếu tướng Tô Ký (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Ðiểm - Ðức Hòa), Thiếu tướng Huỳnh Văn Nghệ (nguyên Khu bộ trưởng Khu 7), Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (nguyên Tư lệnh Quân khu 7), các liệt sĩ Trần Quang Cơ, Lê Tấn Quốc, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Thanh Tuyền...

* Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, tối 17-4, tại Trung tâm Văn hóa lịch sử Chiến khu D (Vĩnh Cửu, Ðồng Nai) diễn ra buổi họp mặt truyền thống Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi Lẵng hoa chúc mừng. Ðến dự, có đại diện lãnh đạo T.Ư Ðoàn, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, và hơn 1.680 đại biểu là cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ, cứu nước thuộc 20 tỉnh, thành phố phía nam.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp mặt, đồng chí Trần Văn, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP giải phóng miền nam, Trưởng ban liên lạc cựu TNXP giải phóng miền nam, ôn lại truyền thống chiến đấu, vượt khó vươn lên của lực lượng TNXP giải phóng miền nam từ ngày thành lập 20-4-1965 đến 30-4-1975. Chỉ trong 10 năm, TNXP đã tham gia phục vụ 16 chiến dịch lớn với 641 trận đánh từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn, tổng cộng đã tải hơn 20 nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men cho chiến trường và chuyển 11.615 thương binh về tuyến sau an toàn. Tổng đội cũng đã xây dựng tám bệnh viện tiền phương, 214 km đường vận chuyển và bắc 21 cây cầu lớn, tổ chức cho 18 nghìn lượt bộ đội vượt sông, đón tiếp và nuôi dưỡng 3.500 cán bộ, chiến sĩ do địch trao trả khi thực hiện Hiệp định Pa-ri. Lực lượng cũng đã tham gia đánh hơn 60 trận, tiêu diệt và bắt 1.206 tên địch, bắn cháy 10 xe tăng, bắn rơi năm máy bay lên thẳng, thu và phá hủy 125 súng các loại./.
 
(Theo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất