TS MAI ĐỨC LỘC, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Tuân thủ quy định, đạo đức khi tác nghiệp"
Có thể thấy, báo chí ngày càng khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin cũng như phát hiện, phản ánh các vấn đề tiêu cực của xã hội. Vì thế, bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp càng phải được quan tâm. Tuy nhiên, dù hệ thống pháp luật bảo vệ nhà báo đã tương đối đầy đủ nhưng tình trạng ngăn cản, thậm chí là đe dọa nhà báo trong quá trình tác nghiệp vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song một phần do một bộ phận phóng viên lười tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong nghề nghiệp, gây bức xúc đối với chính quyền, người dân, doanh nghiệp và vô tình làm ảnh hưởng chung đến đội ngũ phóng viên, nhà báo nói chung. Chính vì thế tôi cho rằng, cùng với xây dựng thêm cơ chế bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp, chúng ta cũng phải xử lý nghiêm những phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nhà báo ĐỖ VĂN KHANH, Báo Lao động: "Viết những điều mà bạn có chứng cứ chắc chắn"
Theo kinh nghiệm của tôi, báo chí điều tra gồm hai mảng chính: Thứ nhất, nhập vai, thâm nhập thực tế để lấy chứng cứ. Thứ hai, từ hồ sơ tài liệu, phản ánh, đơn thư tố cáo của bạn đọc, phóng viên đi xác minh.
Ở mảng nhập vai, phóng viên cần hiểu rõ “vai diễn” của mình và chuẩn bị tốt phương tiện ghi hình, ghi âm để không bị phát hiện. Điều rất cần cẩn thận là tránh trở thành “đối tượng đưa hối lộ”. Nhập vai nhưng vẫn phải bảo đảm tính khách quan của vụ việc. Đối với đơn thư tố cáo, hồ sơ tài liệu cần kiểm tra tính logic của sự việc, đọc kỹ hồ sơ và xác định các đối tượng cần đến phỏng vấn, làm việc.
Hiện nay, một số đối tượng thường vin vào quyền về hình ảnh để khiếu nại khi phóng viên đưa hình ảnh của đối tượng lên mặt báo. Đối với những đối tượng “có thế lực”, phóng viên khi làm việc cần thông báo cuộc làm việc sẽ được “ghi lại” (bao gồm cả ghi âm, ghi hình). Nếu có thêm phóng viên trợ giúp thì tốt nhất đăng tải hình ảnh buổi làm việc. Một cuộc làm việc quan trọng cho bài viết cần vừa bí mật ghi hình, vừa công khai tác nghiệp. Như vậy sẽ tránh được khiếu nại về sau. Trong trường hợp đối tượng không cho ghi âm, chụp hình thì thông báo với họ quyền ghi âm, ghi hình là quyền tác nghiệp của báo chí, không cho tác nghiệp là hành vi cản trở báo chí.
Không ai giỏi ngay khi mới bắt đầu công việc, bạn cần có đam mê và rèn luyện kỹ năng. Hãy viết những điều mà bạn có chứng cứ chắc chắn. Khi viết ra điều gì thì hãy đặt mình là đối tượng và thử hình dung đối tượng sẽ phản bác bài báo như thế nào? Khi ấn nút gửi bài thì có nghĩa là bạn đã sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi.
Nhà báo VŨ VĂN TIẾN, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận: "Không đánh đổi đạo đức nghề nghiệp lấy những gói bảo trợ thông tin"
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí phải tự chủ tài chính nên các hợp đồng bảo trợ thông tin là nguồn thu chính để trang trải các chi phí. Cũng từ đây, những “vùng cấm” được tạo ra và nhiều phóng viên bị “trói chân, trói tay” trước các vấn đề tiêu cực.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, các tòa soạn cần chọn lọc đối tác để ký hợp đồng bảo trợ truyền thông và cũng chỉ nên bảo trợ cái tốt, không nên bảo trợ cái xấu để tạo “khoảng trống” cho phóng viên làm việc. Bên cạnh đó, khi phát hiện đề tài gây bức xúc dư luận, nhưng đối tượng của đề tài lại nằm trong gói bảo trợ của tòa soạn, phóng viên cần phải đưa đề tài này ra trước Ban Biên tập để thảo luận, nên hay không nên đưa tin, nên đánh đổi sự im lặng để lấy bảo trợ thông tin hay phanh phui sự việc vì bạn đọc, vì công chúng.
Trong thực tế, bản chất ban đầu của hầu hết các phóng viên là tốt, nhưng quá trình điều tra, tác nghiệp có thể bị cám dỗ hoặc có những tình huống gây nguy hiểm cho bản thân, do vậy cần trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tác nghiệp, cũng như có biện pháp răn đe, giáo dục để phóng viên hành động phù hợp với luật pháp, đạo đức nghề nghiệp. Nghề báo là một nghề cao quý, các nhà báo, tòa soạn đều đủ tỉnh táo, trí tuệ để phân biệt rõ đối tượng nào nên hợp tác, đối tượng nào không, hoặc hợp tác ở mức độ nào để không vi phạm các nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp.