Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 7/1/2009 21:54'(GMT+7)

Báo chí Đức ca ngợi Việt Nam đối phó thành công khủng hoảng tài chính trong nước

Bài báo nhận định: Nhìn lại năm 2008, các nhà quan sát tình hình Việt Nam phải thừa nhận rằng những dự đoán của các bộ óc siêu việt nhất trong thế giới tài chính hóa ra có lúc không chính xác bằng tiên liệu của Chính phủ Việt Nam.

Chính sách vĩ mô hiệu quả - Chính phủ đưa đất nước thoát khỏi lạm phát phi mã

Đầu năm 2008, nhiều chuyên gia phân tích tài chính thuộc các tổ chức uy tín trên thế giới đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ tại thị trường tài chính Việt Nam.

Cuối tháng 5/2008, các chuyên gia phân tích ngoại hối của tập đoàn ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ là Morgan Stanley nhận định rằng lạm phát và thâm hụt thương mại tăng vọt sẽ đe dọa nghiêm trọng giá trị đồng tiền Việt Nam. Họ ước tính, tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD rẽ rớt mạnh trong vòng 12 tháng, lên tới 23.000 VND/1 USD. 

Ngân hàng Đức Deutshe Bank tiên đoán đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá đến 30%. Còn Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch khẳng định Việt Nam đang phải hứng chịu “một cú sốc lạm phát” có thể dẫn đến hiện tượng thất thoát vốn ồ ạt.

Nhưng chỉ 6 tháng sau, chính các nhà dự báo về nguy cơ đổ vỡ kinh tế tại Việt Nam lại lâm vào khó khăn. Merrill Lynch đã phải tự bán mình cho Ngân hàng Bank of America để tránh phá sản, trong khi tập đoàn Morgan Stanley và Deutsche Bank bị thua lỗ nặng. Còn Việt Nam đã giảm được lạm phát xuống mức 0 chỉ trong vòng 3 tháng, đồng thời bảo vệ được VND không bị sụt giảm và vẫn giữ được mức giá của tháng 5. 

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn từ đầu năm 2008. Trước đó, vốn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã nhận được mức cam kết FDI trị giá hơn 20 tỷ USD trong năm 2007 và đã giải ngân được 6 tỷ USD.

Dòng vốn ngoại tệ liên tục chảy vào Việt Nam đã làm cho đồng nội tệ tăng giá, đe dọa sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Để thúc đẩy xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước kiềm chế tỷ giá hối đoái bằng cách tung tiền đồng mua USD. Hậu quả là tiền đồng tràn ngập các ngân hàng thương mại, tạo sức ép lên nền kinh tế, dẫn đến lạm phát hai con số. Tình trạng lạm phát tại Việt Nam càng nặng nề do giá dầu và giá lương thực thế giới leo thang.

Chính phủ Việt Nam đã tìm cách giảm giá, giữ nguyên giá cả các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, than, thép; nâng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng với mức lãi suất 12% (tháng 5) và 14% (tháng 6). Có lúc mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại lên tới 21%.

Cuối cùng Chính phủ Việt Nam yêu cầu các ngân hàng ngưng cho vay quá nhiều, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngưng đầu tư vào những dự án không liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính của họ.

 

Nhờ những giải pháp kịp thời này, đến tháng 9/2008, tỷ lệ lạm phát tháng tụt xuống còn 0.2%. Tháng 10 và 11, giá cả giảm mạnh. Thâm hụt thương mại đạt 17 tỷ USD, thấp hơn con số dự đoán là 20 tỷ USD năm 2008. Tỷ giá đồng Việt Nam vẫn giữ mức 16.600 đến 17.000 đồng/1 USD. 

Khủng hoảng toàn cầu: thách thức của Việt Nam năm 2009
Tuy nhiên
, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn chưa thực sự tránh được bất ổn kinh tế vĩ mô. DPA nhận định, từ năm 2009, sau khi giải quyết thành công vấn đề lạm phát trong nước, Việt Nam chỉ phải lo đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu. 
Do suy thoái ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ, bắt đầu giảm mạnh trong tháng 9.

Chính phủ đã phản ứng lại bằng cách nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất cơ bản xuống còn 10% và yêu cầu các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Và trong năm 2009, Việt Nam cần phải tìm kiếm đủ vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp cho thâm hụt thương mại. /.

(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất