Chủ Nhật, 6/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 15/6/2016 18:2'(GMT+7)

Báo chí phải góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ mới

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư trao giải cho các tác giả.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư trao giải cho các tác giả.

Cuộc thi nhằm tôn vinh những thành tựu trên mọi lĩnh vực của Nhân dân và đất nước ta nói chung, của TPHCM nói riêng trong chặng đường 70 năm (1945-2015) thành lập và công cuộc xây dựng đất nước; nhất là giai đoạn kiến tạo phát triển sau khi hòa bình, thống nhất đất nước. Cuộc thi khuyến khích các tác phẩm khắc họa các gương điển hình vượt khó trên chặng đường phát triển của TPHCM và đất nước nói chung; khẳng định các nhân tố mới trong thực tế cuộc sống, có nghĩa cử cao đẹp đóng góp cho cộng đồng và xã hội…

Sau hơn 8 tháng kể từ khi phát động, Ban Tổ chức đã nhận hơn 250 tác phẩm dự thi của các nhà văn, nhà báo và giới cầm bút…trên mọi miền đất nước và đã sử dụng 106 tác phẩm trên Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Các tác phẩm dự thi đã khắc họa sự thay đổi, “lột xác” của các địa phương sau hơn 40 năm đất nước thống nhất; những nét đặc sắc và độc đáo ở các vùng miền gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng; hình ảnh con người Việt Nam với các nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống. 
Các bài dự thi có số lượng gửi về tham gia rất phong phú. Đó là ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười của nhà báo Khuynh Diệp đã khắc họa quá trình biến khu đất trũng Láng Sen thành hồ chứa lũ để giữ lại nguồn nước cùng các nguồn lợi quý hiếm, đặc trưng của Đồng Tháp Mười. Đó là bài viết Đổi thay trên dòng kênh “Ông Kiệt” của tác giả Vĩnh Thuận. Việc con kênh được đặt tên người đưa ra ý tưởng đào kênh cũng là một nghĩa cử tốt đẹp của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và còn là sự đổi mới không ngừng qua những trang viết, như: Bạc Liêu thời để nhớ của Sáu Nghệ; Về với U Minh Thượng của Đặng Hoàng Thám…

Cuộc thi khắc họa những điển hình quen thuộc như GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, 71 tuổi và gần 50 năm theo ngành y, được biết đến là thầy thuốc, nhà quản lý dày công trong việc xây dựng ngành ung bướu học và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư ở TPHCM và khắp cả nước. Ông ví cuộc đời mình như khóm lục bình, lặng lẽ trổ bông dâng tặng cho đời: “Cuộc đời như lục bình trôi. Nước chảy, chảy theo nước. Nước trở lại, quay theo dòng. Cuộc đời vốn không suôn sẻ, không phải mọi việc đều theo ý mình. Cứ trôi nổi, bồng bềnh…dặt dìu đủ thứ chuyện, tưởng trôi lè phè vậy thôi nhưng lại vừa trôi, vừa trổ bông. Chỉ cần một chút nắng, chút mưa, chút khí trời, một chút phù sa của đời… không đòi hỏi gì nhiều”. 

Hay ông lão 84 tuổi Nguyễn Kim Long ở quận 12, TPHCM yêu con chữ, hết lòng vì con chữ được phản ánh qua bài viết Hạnh phúc thầm lặng người gieo con chữ. Khi nhắc đến nghề giáo, về những người con đang theo nghiệp “gõ đầu trẻ”, mắt ông sáng rực niềm vui khi kể về những kỷ niệm, những dấu ấn đậm nét của cuộc đời mình. Ông nhớ mãi chính là những tháng ngày cùng với anh em, đồng chí trong Ban Bình dân học vụ chong đèn dạy học cho nhân dân trong vùng. Với ông, những tháng ngày đó không chỉ ghi dấu những trang sử vẻ vang của dân tộc, mà còn cho ông được sống với những năm tháng hào hùng, không tiếc máu xương.

Để có cuộc sống hôm nay, thế hệ sau không quên trách nhiệm đối với người đã ngã xuống. Bài viết Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội của Thượng tá Lê Huy Chung thật cảm động. Hơn 15 năm, Đội K72 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã lặn lội sang đất bạn Campuchia quy tập được 2.376 hài cốt liệt sĩ các thời kỳ chiến tranh đưa về Tổ quốc, và tìm mọi cách để xác định danh tính những người bị mất dấu tên tuổi. Một hành trình gian khó và đáng trân trọng xiết bao. Tác giả Mai Thắng với ký sự công phu Những cột mốc sống trên biển: Hải trình đầu tiên tái hiện hình ảnh những chiến sĩ tiên phong vượt qua sóng gió hiểm nguy để cắm những cột mốc chủ quyền bằng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Gian khổ và hy sinh, đau đớn và tự hào, những con người một thời thầm lặng ấy xứng đáng được tôn vinh.

Nhìn chung, các bài thi đều được đầu tư kỹ càng, từ cách chọn đề tài, điển hình đến diễn đạt, bút pháp khá độc đáo. Qua đó, những tấm gương, con người cao đẹp, những công trình ý nghĩa hay những vùng đất đổi thay cho thấy sức sống mới của đất nước ta hôm nay, đã được phản ánh sinh động trên 107 số báo, góp phần tạo nên thành công của cuộc thi, tiến tới chào mừng Kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tại buổi lễ trao giải, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ bức xúc trước việc đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại, trái với thuần phong mỹ tục, có xu hướng chạy theo vật chất, thiếu quan tâm các giá trị nhân văn và truyền thống đạo lý dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định cái tốt đẹp, tích cực, cái đúng và cao thượng vẫn là dòng chảy chủ lưu trong xã hội ta. Vì vậy, các nhà báo, giới nghệ sĩ - là người đi sát thực tế - phải khám phá, tôn vinh những điển hình mới tích cực trong xã hội bằng những tác phẩm giá trị, có sức lay động lòng người, để góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; góp phần bồi đắp nhân cách, đạo đức, tâm hồn Việt Nam với trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân thấm đẫm tính nhân văn./.

Trần Thụy Du

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất