Chủ Nhật, 6/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 14/6/2016 18:16'(GMT+7)

Nhà báo Hồng Chương với báo chí cách mạng Việt Nam

Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Sáng ngày 14/6/2016, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Hồng Chương với báo chí cách mạng Việt Nam”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2016) và kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà báo Hồng Chương (1/5/1921 – 1/5/2016). Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; coi đây là một hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tọa đàm cũng góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Nhà báo Hồng Chương (1921 – 1989) tên thật là Trần Hồng Chương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là bậc tiền bối cách mạng, là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Nhà báo Hồng Chương thực sự là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử hơn 65 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.

Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồng Chương thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập, nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, học tập tư tưởng và phong cách làm báo Hồ Chí Minh.

Trong suốt 52 năm hoạt động cách mạng, báo chí và văn học, nhà báo Hồng Chương công tác liên tục 30 năm tại Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản. Đồng chí đã có nhiều năm tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Từ năm 1987, đồng chí được bầu là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Hồng Chương mất ngày 18/3/1989, lúc đương giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Dù chỉ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong một thời gian không dài (1987 – 1989), nhà báo Hồng Chương đã có nhiều đóng góp to lớn, hiệu quả trên cương vị người đứng đầu tổ chức Hội, đã cùng các cộng sự của mình góp phần xứng đáng vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động lý luận, báo chí của Đảng và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Hội.

Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhà báo Hồng Chương thực sự trở thành một trong những nhà báo tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác. Năm 1979, đồng chí đã được Tổ chức quốc tế các nhà báo (OJC) tặng thưởng Huân chương Phu-xích.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Trong thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương đã có hơn 150 bài viết đăng trên Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản, hầu hết là những bài nghiên cứu, lý luận, đòi hỏi phải được chuẩn bị, suy nghĩ rất công phu trước khi viết ra.

Cũng trong thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương đã sửa chữa, duyệt hơn 4.000 bài. Với tính cẩn trọng, trình độ uyên thâm, mỗi bài viết do đồng chí sửa chữa, góp ý đều được anh em, đồng nghiệp tin tưởng, trân trọng. Có thể nói, suốt 52 năm công tác, phấn đấu dưới lá cờ của Đảng, với hơn 30 năm cống hiến tại Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương luôn tỏ rõ lòng trung thành với Đảng và nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật cao trong công tác, niềm say mê trong công việc và sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí đã góp phần tích cực vào sự trưởng thành của sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung và Tạp chí Cộng sản nói riêng.

Theo nhà báo Phan Quang,  GS. Nhà báo Hồng Chương là một nhân cách đa dạng. Những cống hiến chính của Hồng Chương vào lĩnh vực báo chí là chính luận và nghiên cứu. Anh có nhiều bài đăng tạp chí, cho xuất bản nhiều cuốn sách, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, truyền thông. Anh là một trong số những người sớm đi sâu tìm hiểu vai trò, cống hiến của báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành, tiếp đó, phác họa lịch sử báo chí ta với quan niệm: “Lịch sử báo chí Việt Nam là một bộ hận của lịch sử Việt Nam. Hiểu lịch sử Việt Nam là cơ sở để hiểu sâu lịch sử báo chí Việt Nam. Nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam cũng là góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, từ đó rút ra những bài học bổ ích cho việc xây dựng nền báo chí mới”.

Tại buổi tọa đàm, gia đình nhà báo Hồng Chương đã hiến tặng một số hiện vật, tài liệu của nhà báo cho Bảo tàng báo chí Việt Nam.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất