Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 22/4/2012 8:39'(GMT+7)

Báo chí văn học nghệ thuật cần tăng cường giới thiệu các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2012 đã diễn ra hôm qua (21-4), tại Thừa Thiên- Huế, do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) T.Ư phối hợp tổ chức .

Các đồng chí: Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ðỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương chủ trì hội nghị.

Theo Báo cáo đánh giá của Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, cả nước có hơn 80 cơ quan báo chí VHNT thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT các tỉnh, thành phố trong nước và báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành. Các cơ quan báo chí VHNT đã bám sát thực tiễn cuộc sống, nhịp thở của văn chương, khơi dậy và đặt ra nhiều vấn đề lớn, mới mẻ đối với sự phát triển của nền VHNT nước nhà... Bên cạnh đó, báo chí văn nghệ vẫn còn những hạn chế. Một số ít tờ báo có lúc đã quá sa vào các thông tin tiêu cực xã hội, cái đẹp, cái tốt của đời sống chưa là dòng chủ đạo trong các tác phẩm văn nghệ; tính định hướng thẩm mỹ, tư tưởng xã hội chưa được các ban biên tập chú ý đối với từng ấn phẩm, chương trình. Báo chí văn nghệ còn chưa thu hút, tập hợp được các văn nghệ sĩ; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên ở một số cơ quan báo chí văn nghệ còn thiếu và yếu, v.v.

Các tham luận trình bày tại hội nghị đã nêu bật đặc điểm của báo chí văn nghệ trong tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền về VHNT trên các tạp chí văn nghệ, đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao tính chuyên nghiệp hóa. Hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp cùng các định hướng và nhiệm vụ trọng tâm. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phương thức thể hiện, báo chí văn nghệ cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội; góp phần bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua các ấn phẩm VHNT góp phần đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực xã hội; chấp hành sự chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là đối với nhóm thông tin về các vấn đề nhạy cảm, dễ gây tâm lý bất ổn trong xã hội; củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống. Thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, VHNT sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; phát huy chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của báo chí; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên; đổi mới hình thức, tăng cường giới thiệu, truyền bá các giá trị VHNT với bạn bè quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm, tinh hoa trong VHNT thế giới để giới thiệu đến công chúng và bạn đọc Việt Nam.

Trên cơ sở những thành quả cũng như nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót, hội nghị đã tập trung làm rõ những tồn tại của các cơ quan quản lý cũng như chuyên môn; của biên tập viên cũng như của chủ thể sáng tạo; đồng thời phân tích, dự báo xu hướng phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật, kiến nghị những giải pháp, nhất là những giải pháp mang tính đột phá để tạo nên những chuyển biến tích cực của đời sống văn hóa nghệ thuật trên báo chí văn nghệ nói riêng và các phương tiện truyền thông nói chung./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất