Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 17/4/2012 17:14'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên ở Hồng Ngự

 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng Đảng ta luôn lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; Nghĩa là, xác định công tác giáo dục lý luận chính trị là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng. Do vậy, bằng nhiều chỉ thị, Nghị quyết về lĩnh vực trọng yếu này như mới gần đây nhất, văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả công tác tư tưởng… Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân trong hệ thống các trường chính trị, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, nâng cao trình độ chính trị”(1).

Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương VI (lần 2) khóa VIII đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả nhấn mạnh: “Trước những biến động phức tạp trên thế giới và tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn có những biểu hiện dao động, giảm niềm tin, một số nhận thức mơ hồ lệch lạc đối với Chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội, đổi mới đường lối và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước”(2).

Công tác giáo dục lý luận chính trị là lĩnh vực tinh thần, tương đối trừu tượng và rất khó đánh giá hiệu quả, đó là một thực tế; nhưng nếu nắm vững mục đích, yêu cầu hoạt động của công tác giáo dục lý luận chính trị, kết hợp nhiều yếu tố khác nữa, chúng ta vẫn có thể đánh giá được hiệu quả.

Nhận rõ vấn đề đó nên từ ngày chia tách Thị xã Hồng Ngự (30/4/2009) đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Thị ủy, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị (TTBDCT) đã rất chú ý coi trọng việc đổi mới, nâng cao hiệu chất lượng dạy và học chính trị sao cho có hiệu quả. 

Về tổ chức bộ máy, biên chế Trung tâm hiện nay có 5 đồng chí, trong đó, 2 đồng chí có bằng đại học, 3 đồng chí có bằng trung cấp. Đội ngũ giảng viên kiêm chức của Thị xã năm 2011 được Ban Thường vụ Thị ủy quyết định chỉ định 17 đồng chí gồm các cán bộ lãnh đạo Thị xã, các đồng chí có trình độ chính trị, chuyên môn đủ khả năng tham gia giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng, hầu hết các giảng viên này đều qua lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị mở; do đó, giảng viên cũng có phương pháp, kỹ̉ năng truyền đạt phù hợp với từng đối tượng dự học, từng nội dung và có liên hệ thực tế làm sinh động bài giảng.

Về nội dung và phương pháp giảng dạy, thực hiện phương pháp giảng dạy kết hợp với sử dụng máy chiếu có 80% giảng viên thực hiện được giáo án điện tử. Lòng vào nội dung là chiếu phim tư liệu về Bác “Hồ Chí Minh chân dung một con người”… cho các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Đối với lớp bồi dưỡng đảng viên mới kết nạp thì duy trì sinh hoạt bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Bác đến thăm và nói chuyện với học viên lớp đảng viên mới tại Hà Nội năm 1966.

Về hình thức tổ chức, sinh hoạt nội quy lớp học, quản lý học viên bằng sơ đồ lớp học, điểm danh hàng ngày để nắm sĩ số, tạo cho học viên ý thức học tập tốt. Thực hiện việc kiểm tra cuối khóa bằng phương pháp thi trắc nghiệm đối với các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, nhận thức về đảng và các lớp bồi dưỡng chuyên đề. Các lớp đoàn thể bố trí báo cáo ngoại khóa về mô hình làm kinh tế giỏi, chuyên đề khuyến nông, báo cáo về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội…

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nên trình độ học vấn của cán bộ, đảng viên, được nâng lên. Song, hiện nay cán bộ cấp xã, ấp chủ yếu sống ở vùng nông thôn, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn (hộ nghèo là 10,68%) nên chưa toàn tâm, toàn ý với việc học tập; tỷ lệ học viên dự học ở một số lớp chưa đủ chỉ tiêu so với số lượng chiêu sinh; trình độ cán bộ, đảng viên cấp xã, ấp so với mặt bằng chung còn thấp 39% có trình độ trung học phổ thông, còn lại là bậc tiểu học. Với trình độ học vấn phổ biến như vậy, chắc chắn họ sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – một hệ thống lý luận về triết học, về kinh tế, về chính trị, về xã hội,v.v… ở trình độ khái quát và trù tượng cao. Qua tìm hiểu được biết, bản thân của các đồng chí cán bộ này tự nhận thức rõ các yếu tố gây khó khăn cho họ khi học các chương trình lý luận chính trị. Người thì cho rằng do trình độ học vấn tôi quá thấp, người thì đời sống quá khó khăn, người thì bảo có nhiều từ ngữ chính trị khó hiểu quá!,… Bên cạnh, việc truyền đạt những nội dung giảng dạy mới cũng gặp không ít khó khăn như về phía giảng viên phần lớn là cán bộ lãnh đạo Thị xã, do bận nhiều công việc đột xuất, nên lịch giảng bài đôi lúc phải thay đổi, dẫn đến việc nghiên cứu giảng chưa thật sự sâu sắc. Một số giảng viên kiêm chức sử dụng phương pháp mới như: trình chiếu giáo án điện tử, thao tác còn hạn chế.

Để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thị xã Hồng Ngự trong giai đoạn hiện nay đáp ứng nhu cầu đòi hỏi mới của cuộc sống, cần có một số giải pháp như sau:

Một là, đổi mới nội dung phương pháp dạy và học lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Rà soát lại và đổi mới một bước về nội dung chương trình và sách giáo khoa, loại bỏ những nội dung không thiết thực với đặc điểm địa phương mình; phân định rõ ràng giữa các lớp, các môn học – Tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Giáo trình, giáo khoa phải gắn với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử tư tưởng và tư duy con người theo vùng, miền của mình. Đặc biệt phải phù hợp với quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “…Đã nhiều lần đồng chi Lênin nhắc đi, nhắc lại rằng, những người cộng sản ở các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể từng lúc, từng nơi”(3). Đồng thời, phải đảm bảo kiến thức cơ bản, cập nhật với tiến bộ khoa học công nghệ, trên cơ sở từng bước đổi mới kịp thời về nội dung giáo trình, giáo khoa lý luận chính trị. Thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta phải khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, chống chủ nghĩa “kinh viện” tình trạng “dạy chay”; trong dạy học lý luận chính trị phải gắn lý luận với thực tiễn sinh động. Điều này xuất phát từ bản chất của lý luận là khái quát những kinh nghiệm từ thực tiễn, được thể hiện qua những nguyên lý, những quy luật, những phạm trù mang tính khái quát và trừu tượng. Cái đúng đắn, chính xác của lý luận không giống như sự chính xác của toán học, hoặc rạch ròi thẳng băng như trong lĩnh vực tài chính kế toán… mà là ở chỗ nó phát hiện ra cái bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, người dạy và người học phải có thói quen đào sâu suy nghĩ để nắm bắt được cái cốt lõi, cái bản chất từng vấn đề của nội dung lý luận; có ý thức thể hiện nội dung đó vào trong thực tiễn. Mỗi khái niệm khi đưa ra cho người học không phải chỉ là sự phân tích chung chung trừu tượng, mà nó chứa đựng trong đó những mâu thuẫn, những sức sống như muốn bung ra đòi hỏi phải có sự giải quyết. Từ đó, chúng ta mới nâng cao được năng lực vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra và làm phong phú thêm, sáng tỏ hơn nội dung của lý luận.

Bê - Cơn (1561 – 1626) là nhà Triết học kinh viện người Anh cho rằng: “Phương pháp là ngọn đuốc soi đường cho lữ hành đi trong đêm tối”. Đờ - Cát (1596 – 1650) là nhà Triết học duy lý cũng khẳng định: “Suy cho cùng thì người này hơn người kia là ở phương pháp”. Trong giáo dục hiện nay, có rất nhiều phương pháp dạy và học nói chung, dạy và học lý luận chính trị nói riêng, nhưng với xu thế toàn cầu hóa và khoa học công nghệ phát triển như vũ bảo, đòi hỏi mỗi nhà giảng viên, phải luôn luôn năng động, sáng tạo và tìm tòi chọn lựa cho mình một phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả cho từng bài học, thích hợp từng đối tượng tiếp thu và lĩnh hội tri thức. Thông báo kết luận của Ban Bí thư, số 181-TB/TW, ngày 03/9/2008 nêu rõ: “Đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung chương trình bồi dưỡng cho cán bộ đoàn thể chính trị – xã hội, chính quyền, đoàn thể. Xây dựng chương trình sơ cấp chính trị - hành chính”(4).

Làm được điều này, cần phải đổi mới nội dung phương pháp dạy và học, chúng ta không thể không quán triệt, vận dụng có hiệu quả phương pháp nêu vấn đề. Thực chất phương pháp này người giảng phải đặt những phương thức sắp truyền đạt vào một tình huống có vấn đề để nhằm tạo ra những mâu thuẫn trong quá trình nhận thức của người học, nhằm lôi cuốn họ suy nghĩ, giúp họ tự tiếp cận, gợi mở để họ đến với kiến thức mới, làm sao để kiến thức truyền đạt đến người học bằng con đường hoàn toàn tự giác, qua đó họ sẽ nhớ lâu, nắm chắc kiến thức. Lẽ dĩ nhiên, trong quá trình giảng dạy tùy theo từng đối tượng và từng nội dung của bài giảng… người giảng cần phải có những pháp pháp thích hợp và có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp. Có như vậy, bài giảng mới không khuôn sáo, gò ép mà trở nên sinh động, hấp dẫn.

Hai là, đổi mới công tác lý luận và chính sách đối với những người làm lý luận. Lý luận mà chúng ta đang bàn ở đây là lý luận cách mạng mang trong mình nó tính chính trị và tính khoa học sâu sắc. Tính đặc thù của công tác lý luận và lãnh đạo một đội ngũ trí thức vừa có trình độ khoa học, vừa có tính sáng tạo và bản lĩnh chính trị. Vì vậy, đổi mới công tác lý luận và nhằm thực sự tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu lý luận có thể “nhả tơ’’ tối đa mà vẫn đảm bảo đúng định hướng chính trị. Nhằm mục đích trên, đổi mới công tác lý luận chúng ta phải:

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác lý luận ở Thị xã. Cấp ủy chính quyền địa phương cần phải có kế hoạch định kỳ làm việc, kiểm tra hoạt động của Trung tâm. Tăng cường đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trước mặt và lâu dài; từng bước hiện đại hóa Trung tâm. Đây là yêu cầu bức thiết (vừa có tính chất thường xuyên) trong sự vận động và phát triển của đảng cầm quyền, Đảng lãnh lạo công tác lý luận bằng việc xác định quan điển định hướng nghiên cứu, nhằm hướng các nhà lý luận đi vào giải quyết những vấn đề bức xúc do tình hình thực tế của Thị xã đặt ra. Phải đặt mục tiêu chất lượng, hiệu quả giảng dạy của giảng viên và sự học tập của học viên lên hàng đầu. Đảng lãnh lạo công tác lý luận còn được thực hiện thông qua việc lãnh đạo của cấp ủy đảng, yêu cầu đối với các cấp ủy phải thường xuyên học tập lý luận chính trị và giáo dục lý luận chính trị cho các cán bộ, đảng viên trong Thị xã; nhằm nâng cao nhận thức lý luận chính trị, củng cố niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

- Tiếp tục sắp xếp lại cơ quan Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và đội ngũ giảng viên của Thị xã thật sự mạnh, khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn, phân tán, trùng lắp và kém hiệu quả. Phải xây dựng một đội ngũ giảng viên (trung tâm lý luận) thật sự mạnh, vừa để đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên có chất lượng, hiệu quả cao, vừa để nghiên cứu lý luận đáp ứng kịp thời những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho sự nghiệp đổi mới. Thực hiện theo đúng qui chế giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Thị xã Hồng Ngự đề ra. Hàng quý tổ chức hội thảo tổ giáo viên kiêm chức để kiểm tra, đánh giá phương pháp giảng dạy, giáo án (khi đứng lớp bắt buộc giáo viên phải có giáo án, thực hiện hoá giáo án điện tử), áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, bước đầu cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Đa dạng hóa hình thức đào đạo, bồi dưỡng, tăng cường mở lớp đào tạo tập trung tại trường. Tăng cường và làm tốt công tác quản lý đào tạo, nhất là quản lý chất lượng, nội dung và tổ chức các lớp tại chức.

- Phải xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận có năng lực và chuyên môn cao và có phẩm chất đạo đức tốt. Cần phải xác định biên chế, quy định có số dư để đưa giảng viên đi đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; quy định chế độ và định kỳ luân chuyển giảng viên đi thực tế cơ sở; có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có kinh nghiệm và sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học đạt loại khá trở lên về Trung tâm công tác. Cần rà soát lại quy định tiêu chuẩn, chế độ học tập, tiêu chuẩn văn bằng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức của hệ thống chính trị cấp cơ sở đảm bảo thống nhất, khắc phục tình trạng học nhiều lần cùng một nội dung. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với các cán cán bộ nghĩ hưu mà còn sức đóng góp cho công tác lý luận. … Chính đội ngũ này là nhân tố quyết định hiệu quả giáo dục lý luận chính trị, do đó họ cần phải được xã hội tôn vinh; đời sống vật chất, điều kiện nghiên cứu, hệ thống thông tin… của họ cần phải được đảm bảo tăng cường để đội ngũ này thật sự yên tâm đi sâu vào công việc nghiên cứu, giảng dạy.

- Nâng cao trình độ học vấn cho học viên: Vấn đề có tính tiền đề, điều kiện cơ bản cho việc nâng cao hiệu quả lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên Thị xã Hồng Ngự là tiếp tục nâng cao trình độ học vấn. Bởi chỉ có trình độ học vấn nhất định mới có thể tiếp thu hiệu quả lý luận chính trị.

Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, ít nhiều cũng góp phần trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của Thị xã Hồng Ngự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực lãnh đạo quản lý, kỹ năng và nghiệp vụ tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.


Hồ Thị Hồng Cúc

...............................

* Tài liệu trích dẫn
:

(1) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 256 - 257.

(2) Văn kiện Hội nghị Trung ương Sáu (lần thứ 2) BCH TW khóa VIII, Nxb. CTQG, HN, 1999, tr. 8.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, t8, Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 496.

(4) Văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, ban hành Thông báo kết luận của Ban Bí thư, số 181-TB/TW, ngày 03/9/2008, về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất