(TG)- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày
18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử
dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.
Công điện nêu rõ:
Trong thời gian qua,
thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thu hút đầu tư theo
hình thức PPP, trong đó có hợp đồng BOT, hệ thống hạ tầng giao thông đã
có nhiều thay đổi tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát
triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới, được
nhân dân ủng hộ. Việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo
hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai trong thời
gian tới để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận
tải.
Tuy nhiên, bên cạnh
những thành quả nhiều mặt, quá trình triển khai thực hiện các dự án kết
cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư BOT đã có một số tồn tại,
bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu
quả kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hình
thức đầu tư này. Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng
kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông,
gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.
Đặc biệt, sự việc
xảy ra tại Trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và một số trạm thu giá
BOT đang có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng chưa có sự vào cuộc quyết
liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một số địa phương chưa thấy
tính nghiêm trọng của vấn đề kẻ xấu lợi dụng việc này và chỉ coi là
nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải. Tình hình phức tạp tại các trạm
thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nếu không
được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa
phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi
dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các
tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và
nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình
thức đầu tư BOT.
Để
các cấp, các ngành có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung các giải pháp
giải quyết các bất cập đang diễn ra tại các dự án BOT giao thông, nhằm
sớm lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT trên toàn quốc,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Cấp ủy, chính quyền
địa phương, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ
đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập
tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích
động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy
định của pháp luật.
2. Bộ Giao thông vận
tải phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức
giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các
khu vực trạm thu giá các tuyến tránh, nhất là các trạm đang xảy ra phức
tạp.
3. Bộ Giao thông vận
tải cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có
liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu
giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình
hình) để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất
an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm
bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
4. Giao Bộ Công an chủ
trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Công an các địa phương và Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xử lý ngay những đối
tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản
trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm
thu giá rồi bỏ đi làm việc khác…), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu
giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu
đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh
trước pháp luật.
5. Đồng chí Bộ trưởng
Bộ Công an chỉ đạo Giám đốc Công an địa phương giải quyết kịp thời an
ninh trật tự tại các trạm thu giá, xử lý nghiêm các trường hợp không
nghiêm túc thực hiện; đồng thời chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông họp trực
tuyến với Cảnh sát giao thông các địa phương quán triệt các giải pháp
đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
6. Bộ Thông tin và
Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin
mạnh mẽ, liên tục, tổ chức đợt tuyên truyền chuyên đề để phản ánh trung
thực, khách quan liên quan đến chủ trương đầu tư BOT. Chỉ đạo các cơ
quan thông tấn, báo chí tuyệt đối không đưa tin hoặc đăng tải các bình
luận có tính chất cổ vũ các đối tượng có hành vi cản trở hoạt động thu
giá. Đồng thời xử lý nghiêm đối với những đối tượng đưa tin sai sự thật
nhằm mục đích chống phá, gây mất an ninh, trật tự./.
TG